Thông điệp quan trọng của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên toàn thể thứ nhất AIPA-45
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất AIPA-45. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất AIPA-45. (Ảnh: TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 19/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Vientiane (Lào), Đại hội đồng AIPA-45 đã tiến hành Phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN" dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch AIPA 2024 Saysomphone Phomvihane.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp và có bài phát biểu về chủ đề Hội nghị với nhiều thông điệp quan trọng.

Nghị viện/Quốc hội các nước đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề AIPA-45, gắn kết chặt chẽ với nỗ lực chung của khu vực trong thúc đẩy kết nối và tự cường.

Đặc biệt, trong môi trường khu vực và toàn cầu nhiều biến động, khó lường như xung đột bùng phát ở nhiều nơi, gia tăng cạnh tranh chiến lược, suy giảm lòng tin, xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cùng sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức, đặt ra nhiều hệ lụy đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

Trong bối cảnh trên, đại biểu các nước đều nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, nâng cao hiệu quả của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để gắn kết các đối tác vào hợp tác khu vực trên tinh thần trách nhiệm, hữu nghị, cùng ASEAN ứng phó thách thức, củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm với ASEAN ở vị trí trung tâm.

Chia sẻ tầm quan trọng của kết nối, nghị viện/quốc hội các nước khẳng định cần đẩy mạnh kết nối một cách toàn diện và bền vững trên tất cả các khía cạnh về hạ tầng, thể chế, số hóa, con người.

Trong các nỗ lực chung đó, hợp tác nghị viện đóng vai trò quan trọng, đưa các cam kết của ASEAN vào triển khai cụ thể, thúc đẩy hài hòa hóa thể chế và chính sách, củng cố vững chắc nền tảng pháp lý, hỗ trợ cho tiến trình liên kết và hội nhập khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, giao thông, năng lượng, giao lưu nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phiên toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA-45. (Ảnh: TTXVN)

Phiên toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA-45. (Ảnh: TTXVN)

Khẳng định AIPA là cơ quan đại diện cho tiếng nói và lợi ích của người dân, các nghị viện/lãnh đạo nhất trí phát huy vai trò của AIPA là nhịp cầu kết nối, giúp người dân tham gia hiệu quả hơn vào các tiến trình ra quyết định, bảo đảm các chiến lược, chương trình hợp tác của ASEAN mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân.

Các đại biểu cũng nhất trí tăng cường gắn kết và phối hợp giữa ASEAN và AIPA trong thực hiện các mục tiêu chung, xây dựng Cộng đồng ASEAN kết nối hơn, tự cường hơn, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Trước sự gia tăng của các xu hướng phát triển mới, các quốc hội/nghị viện thành viên AIPA chia sẻ sự cần thiết tối ưu hóa các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đồng thời chú trọng nỗ lực quản trị hiệu quả như trí tuệ nhân tạo an toàn, tin cậy và đạo đức, an ninh mạng…, góp phần chuẩn bị để ASEAN sẵn sàng và vững bước tới tương lai.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong gần 60 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều kỳ tích trong việc đưa Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và ổn định, là một điểm sáng về tăng trưởng và hội nhập toàn cầu; và là một nhân tố tích cực định hình cấu trúc khu vực, giúp tăng cường kết nối và gắn kết lợi ích giữa các quốc gia, đặc biệt trong việc thúc đẩy kết nối về thể chế, chính sách.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định hợp tác nghị viện sẽ là động lực thúc đẩy triển khai xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên pháp luật, thể hiện tiếng nói và nguyện vọng của người dân, lấy người dân làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển, tạo nên sự đổi thay toàn diện và sâu sắc cho cộng đồng và từng quốc gia thành viên.

Khẳng định ASEAN hiện đang bước vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, với việc cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để chuyển tiếp sang Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đây là thời điểm để chúng ta thực hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ cho một ASEAN tầm vóc, tự cường, năng động, gắn kết và là tâm điểm của tăng trưởng."

Bày tỏ tin tưởng với sự chung tay, góp sức của các nước ASEAN, cùng củng cố bức tường thành ASEAN ngày càng thêm vững chắc vượt qua mọi khó khăn, thách thức của thời đại, Chủ tịch Quốc hội đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đóng góp toàn diện vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Với mong muốn phát huy hơn nữa vai trò của các nghị viện trong việc tăng cường kết nối, Chủ tịch Quốc hội đưa ra 5 định hướng ưu tiên trong thời gian tới.

Thứ nhất, AIPA cần nỗ lực hơn nữa cùng ASEAN tăng cường tình đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Thứ hai, cần rà soát, đánh giá việc thực hiện các Kế hoạch Tổng thể 2025, triển khai các chiến lược hợp tác đến năm 2045, tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện, bao trùm, không bỏ ai lại phía sau, chú trọng và dành ưu tiên thích đáng cho hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Thứ ba, AIPA cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tăng cường sự bổ trợ của ngoại giao nghị viện trong tổng thể ngoại giao nhà nước giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các đối tác của ASEAN, ủng hộ và hỗ trợ hiệu quả hơn chính phủ các nước với những giải pháp có tính khả thi cao nhằm thực hiện thành công những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.

Thứ năm, khuyến khích tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, bền vững cho ASEAN trong thời gian tới, cùng với việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất