Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Dấu ấn đổi mới trong công tác tuyên giáo của Đảng
Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh:TTXVN)

Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh:TTXVN)

Công tác tư tưởng “đi trước, đón đầu”

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát huy truyền thống “đi trước, mở đường”, ngành tuyên giáo các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, góp phần quan trọng, trực tiếp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là định hướng và ổn định tình hình tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Có thể thấy, hiện nay, tại nhiều địa phương, khi xuất hiện các vướng mắc, bất cập chưa kịp thời giải quyết thỏa đáng thì dư luận tiêu cực, trái với quy luật tâm lý xã hội nhanh chóng bùng lên. Lợi dụng tâm lý này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội tập trung tung tin đồn, tin giả... dẫn dắt dư luận, dẫn đến tư tưởng, tâm lý xã hội bất ổn và gián tiếp tạo ra những nguy cơ gây mất an toàn chính trị-xã hội. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, quần chúng đã vô tình tiếp tay cho những “cơn sóng tiêu cực” trong dư luận. Thông qua internet, các nền tảng mạng xã hội, nhiều người vô tình chia sẻ những bài viết mang màu sắc tiêu cực, thông tin sai sự thật, gây bất lợi cho nỗ lực của chính quyền và nhân dân.

Trước những chiêu trò ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, các cấp ủy, chính quyền, nhất là ngành tuyên giáo các cấp đã có nhiều biện pháp hiệu quả; chủ động đi trước, đón đầu trong công tác tư tưởng nhằm dự báo sớm, nhận diện đúng và có phương pháp đấu tranh hợp lý. Một trong những giải pháp quan trọng được cấp ủy nhiều địa phương quán triệt ngành tuyên giáo triển khai và vận hành triệt để đó là bám dân, hiểu dân, dựa vào dân.

Theo thông tin từ đội ngũ làm công tác tuyên giáo, nhiều năm qua, trong quá trình tiến hành công tác dự báo và nắm bắt thông tin, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến cả những vấn đề thông tin nhỏ nhất từ quần chúng. Để kịp thời phát hiện, nhận rõ các nguy cơ, dấu hiệu nảy sinh dư luận tiêu cực, hình thành điểm nóng, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo ngành tuyên giáo các cấp, các ngành và địa phương định kỳ tổ chức những cuộc điều tra dư luận xã hội. Định kỳ hoặc đột xuất, ngành tuyên giáo tiến hành tổng hợp phản ánh tình hình xã hội theo phân cấp, trên cơ sở thu thập, phân tích, tổng hợp từ nhiều nguồn: Phản ánh của nhân dân, dư luận từ cơ sở, hội nghị, hội họp và báo chí...

Tại nhiều địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Nghệ An... cấp ủy các cấp sớm có chủ trương tạo mọi điều kiện, cơ chế để các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị tăng cường phối hợp, phát huy sức mạnh tham gia vào việc tổng hợp, phân tích tình hình nhân dân chính xác, kịp thời. Ví như tại TP Hà Nội, hiện có rất nhiều cơ quan cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ nắm tình hình nhân dân, như: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, LLVT, cấp ủy các cấp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tổ chức đoàn thể... Theo chức năng, nhiệm vụ và phân công, phân cấp, mỗi cơ quan, đơn vị nắm số liệu, tư liệu liên quan tới tình hình nhân dân ở từng địa bàn, từng lĩnh vực, khu vực. Trên cơ sở đó, tổng hợp, phân tích qua các kênh thông tin của cả hệ thống chính trị làm cơ sở để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả cao hơn.

Còn tại Nghệ An, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án về “Nâng cao chất lượng nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và coi đây là biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội trong lãnh đạo và quản lý; đưa công tác dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Nhờ đó, năm 2022, với hơn 2.200 vấn đề dư luận xã hội quan tâm được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp và có hơn 600 vấn đề được dự báo, kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền quan tâm xử lý hiệu quả...

Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, với sứ mệnh “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, ngành tuyên giáo đã bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chủ động tham mưu dự báo chính xác tình hình, nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận trong Đảng và trong nhân dân. Công tác tuyên giáo đã gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của từng địa phương, đơn vị; luôn có mặt kịp thời, đúng lúc ở những thời điểm quan trọng như trong phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, triển khai các công trình, dự án lớn, những vụ việc nổi cộm phát sinh... Ngành tuyên giáo cũng phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh về tư tưởng, cổ vũ, động viên, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục toàn xã hội tự giác thực hiện. Chủ động đấu tranh tư tưởng với 3 lần phối hợp tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị; đồng thời chủ động phối hợp đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước ta; góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường niềm tin, khát vọng phát triển và khối đại đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Đổi mới việc quán triệt, vận hành nghị quyết của Đảng

Một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng là lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chủ trương lớn trên các lĩnh vực, mà chủ yếu thông qua các nghị quyết. Do đó, công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong thời gian qua, ngành tuyên giáo các cấp đã tích cực tham mưu, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng cao.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư chủ trì (tổ chức ngày 27 và 28-3-2021), với điểm cầu chính tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, tham dự hội nghị có đông đủ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng... cùng gần 1 triệu cán bộ, đảng viên ở hơn 7.400 điểm cầu từ Trung ương tới cơ sở trên toàn quốc (có cả đảng viên ở ngoài nước). Có thể thấy, đây là hội nghị học tập nghị quyết của Đảng có quy mô lớn nhất đến thời điểm đó. Đây cũng là lần đầu tiên cán bộ, đảng viên ở cấp xã, phường, thị trấn... trong toàn quốc được dự hội nghị học tập nghị quyết của Đảng do Trung ương trực tiếp tổ chức; được nghe báo cáo viên là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có trình độ, kiến thức chuyên sâu và nhiều năm kinh nghiệm công tác. Đây cũng là lần đầu tiên nội dung, tinh thần của Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng được phổ biến thẳng đến cấp ủy cơ sở, cùng lúc với cấp ủy các cấp và cấp ủy trực thuộc Trung ương.

Từ sau hội nghị trực tuyến này, nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng được ngành tuyên giáo triển khai tích cực, hiệu quả. Ví như các hội nghị: Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021); Hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng (năm 2022); Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (năm 2023)... và nhiều hội nghị quan trọng khác của Trung ương đều do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì quán triệt, chỉ đạo thống nhất công tác triển khai thực hiện. Điểm mới của các hội nghị này là ngay cùng lúc, cả hệ thống chính trị được đồng loạt quán triệt, nhờ đó, cán bộ từ Trung ương đến cơ sở sớm thống nhất về nhận thức; nhiều vấn đề mới, quan trọng, kết hợp chương trình hành động được triển khai, định hướng từ sớm...

Trước đây, việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng thường được tổ chức theo hình thức quán triệt trực tiếp theo phân cấp, sau đó các đồng chí báo cáo viên sẽ tiếp tục thông tin, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đến các cấp trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều này vô hình trung làm cho nghị quyết được ban hành rất sớm nhưng lại bị tắc nghẽn vì công tác quán triệt, học tập đến công tác triển khai, vận hành ở các cấp. Có trường hợp, việc quán triệt nghị quyết diễn ra trong suốt cả năm, kéo chậm tiến độ triển khai chương trình hành động và các khâu, các bước khác trong lãnh đạo triển khai nghị quyết vào thực tiễn.

Trước thực tế này, Ban Tuyên giáo Trung ương và ngành tuyên giáo các cấp đã tích cực tham mưu, đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết từ trực tiếp sang trực tuyến, từ học tập, quán triệt riêng lẻ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương sang phương thức học tập trung, trực tuyến toàn quốc từ Trung ương cho đến cơ sở. Nhờ đó, những vấn đề cốt lõi trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được phổ biến, quán triệt đến tận cấp cơ sở, đến từng cán bộ từ cấp xã, phường, thị trấn...

Hơn nữa, nhờ quán triệt tập trung bằng hình thức trực tuyến góp phần rút ngắn thời gian triển khai thực hiện nghị quyết; qua đó bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, sớm nhất. Cách làm này cũng giúp tránh được những “sai lệch” trong nhận thức, “rơi vãi” nội dung nghị quyết trong quá trình tổ chức học tập qua nhiều cấp; lại tiết kiệm được nguồn kinh phí khi tổ chức cùng lúc nhiều hội nghị học tập nghị quyết ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Đây là những yếu tố quan trọng bảo đảm sự thống nhất từ chủ trương cho đến nhận thức, hành động trong toàn hệ thống chính trị; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trong nửa nhiệm kỳ qua, ngành tuyên giáo các cấp đã tham mưu học tập quán triệt thực hiện đầy đủ, kịp thời, có chất lượng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương, các chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho cấp ủy xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Chủ động phối hợp tham mưu đề xuất, hoạch định những chủ trương, chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Những dấu ấn đổi mới trong công tác tư tưởng, tuyên giáo nói chung đã thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng của ngành tuyên giáo, qua đó, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Từ kết quả sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ tạo nền tảng vững chắc để ngành tuyên giáo hoàn thành và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ; góp phần quan trọng, trực tiếp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong cả nhiệm kỳ của các cơ quan, đơn vị, địa phương./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất