Sách của Tổng Bí thư nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải trọng dân, hiểu dân
Lễ ra mắt sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết.

Lễ ra mắt sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết.

Mới đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với 748 trang, cuốn sách gồm ba phần với những bài nói, bài viết, bài phát biểu, bài trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi cùng với 142 bức ảnh dung dị, đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến thăm và làm việc ở 63 tỉnh, thành phố. Ý kiến chỉ đạo sâu sắc, tâm huyết của Tổng Bí thư luôn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng cống hiến vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao đổi với phóng viên VOV về những nội dung chính, cơ bản trong cuốn sách.

PV: Thưa ông, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" được xuất bản và chính thức giới thiệu tới đông đảo các tầng lớp cán bộ Đảng viên và nhân dân có ý nghĩa như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Đây là cẩm nang cho những người làm công tác Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân, cán bộ đảng viên nghiên cứu học tập, quán triệt để thấy rõ mục đích, ý nghĩa hết sức lớn lao là: tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.

Chúng tôi thấy rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư đã đúc kết từ thực tiễn. Từ đấy, đối với những người làm công tác Mặt trận thì cuốn sách đã chỉ ra những bài học quý báu. Từ tinh thần sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của cha ông chúng ta ngày xưa, tiếp sau này với tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày nay Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đó khiến mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội phải luôn tôn trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và nhất là chuyển tải tâm tư nguyện vọng đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước để góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng văn minh và vững mạnh.

Cuốn sách về đại đoàn kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách về đại đoàn kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

PV: Tham gia vào quá trình biên soạn và xuất bản cuốn sách, cá nhân ông có ấn tượng đặc biệt với nội dung, bài viết nào trong cuốn sách, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Trong quá trình được vinh dự tham gia cùng với các đồng chí có liên quan biên soạn sách chúng tôi rất tâm đắc về nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư. Đó là mới gần đây khi triển khai chương trình hành động Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trực tiếp Tổng Bí thư đã có bài phát biểu rất quan trọng, ghi nhận, biểu dương những kết quả của cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là chỉ rõ nhiệm vụ của cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị trong giai đoạn mới. Cụ thể phải tích cực đổi mới phương thức và nội dung hoạt động để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

PV: Thưa ông, quá trình biên soạn cuốn sách đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Trong quá trình biên soạn cuốn sách này, Ban chỉ đạo, Ban Biên soạn đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư xem kĩ lại từng bài viết, từng nội dung và kể cả từng bức hình khi Tổng Bí thư đến dự, phát biểu Đại hội Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị xã hội; khi Tổng Bí thư về các khu dân cư tham gia ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Từ đấy, chúng tôi thấy rằng Tổng Bí thư đã dành tình cảm hết sức sâu sắc, đặc biệt đối với công tác Mặt trận cũng như hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội và các tổ chức thành viên nằm trong hệ thống Mặt trận các cấp.

PV: Sau khi cuốn sách ra mắt, ông mong muốn sức lan tỏa của nội dung cuốn sách tới cấp ủy các cấp, các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Mong muốn của chúng tôi là cấp ủy, tổ chức Đảng và rộng ra trong hệ thống chính trị cần dành thời gian nghiên cứu một cách sâu sắc những nội dung, bài viết của Tổng Bí thư. Bởi vì, trong những nội dung này, Tổng Bí thư đã đề cập vấn đề hết sức cụ thể mà mỗi cán bộ đảng viên cần phải nghiên cứu, vận dụng vào thực hiện để đóng góp có hiệu quả vào phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất