Quy định 132 của Bộ Chính trị: Để thực thi công lý "tâm sáng, lòng trong"

Nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá cao việc ban hành quy định này và cho rằng, đây là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Qua đó tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới.

Thời gian qua, công cuộc đấu tranh, phòng chống, xử lý tham nhũng tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện ngày càng đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Nhiều biện pháp mạnh với những chế tài nghiêm khắc trong xử lý tham nhũng ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực được nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo quy định 132, việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (hoạt động tố tụng), thi hành án dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vụ án Chuyến bay giải cứu có một số cựu cán bộ công an bị xử lý

Vụ án Chuyến bay giải cứu có một số cựu cán bộ công an bị xử lý

Đặc biệt, bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Đảng viên Phạm Văn Khoa, ở Quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, Quy định sẽ giúp các cơ quan Đảng cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật có thêm hành lang, công cụ để nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong các cơ quan tiến hành tố tụng.

"Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, các cơ quan tố tụng trong xét xử điều tra là rất dễ dẫn đến việc lạm quyền. Quy định 132 của Trung ương rất có ý nghĩa về mặt thực tiễn, nhắc nhở các cán bộ trong ngành tư pháp thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình và phục vụ nhân dân tốt hơn. Tôi hy vọng quy định này sẽ góp phần vào việc đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động điều tra truy tố xét xử."- Đảng viên Phạm Văn Khoa nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Hà ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thì Quy định rất chi tiết tất cả những hành vi trong các hoạt động tố tụng, trải dài từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thậm chí kể cả thi hành án. Nội dung này, trước đây còn đang quy định chung chung. Khi Quy định 132 ra đời đã chỉ rõ cụ thể về hành vi, nhận diện rất rõ dấu hiệu của tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử thi hành án.

Bà Nguyễn Thị Minh Hà mong muốn Đảng và Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, coi nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên, không ngừng nghỉ. Việc điều tra, xét xử các vụ án loại này phải kiên quyết đến cùng, công khai, xử lý cán bộ vi phạm phải thật nghiêm minh, có tính răn đe cao, việc thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng phải minh bạch, kịp thời, triệt để."

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, trong 28 hành vi hành vi lợi dụng, lạm dụng, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực được quy định đã không loại trừ bất kỳ phân vùng nào cả, liên quan từ cấp lãnh đạo chỉ huy đến cả những hành vi của các nhân viên cấp thấp nhất đều được đặt ra. Luật sư Truyền kỳ vọng, với những hành vi được nêu trong Quy định thời gian tới sẽ có một làn sóng mới cho hoạt động tố tụng, là cơ sở cho các cơ quan chức năng, cũng như đương sự, hay những người tham gia tiến hành tố tụng, người tham gia hoạt động bổ trợ tư pháp sẽ lấy đó làm cơ sở để xử lý. Đồng thời làm hành lang để xem xét, xử lý đối với những cán bộ công chức, viên chức, cán bộ hành tiến hành tố tụng có những dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc liên quan tham nhũng sẽ bị xử lý ngay. Nếu vấn đề này được xử lý tốt thì uy tín cũng như tính nghiêm minh của pháp luật sẽ được thực thi trên thực tế một cách ngày càng tốt hơn.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu quan điểm: "Với 28 hành vi được quy định cụ thể, đã bao quát rất nhiều và tôi cho rằng việc mà chỉ rõ như tất cả những hành vi như thế này sẽ tránh được sự lạm quyền của các bên, nhưng quan trọng hơn là nó sẽ chỉ ra được những hành vi nào là hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng để người dân, cũng như những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, đặc biệt là các đương sự như: các bị can, bị cáo, những người đang bị tình nghi, hay những người trợ giúp pháp lý, hay Luật sư, Luật gia, họ có cơ sở để đấu tranh, bảo vệ pháp chế được đúng, phù hợp với chỉ đạo định hướng của Đảng."

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

 Ông Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: "Tham nhũng làm cán bộ tha hóa, chính vì vậy, đảm bảo sự trong sạch đội ngũ cán bộ thì cơ quan điều tra, cũng như Viện Kiểm sát, Tòa án cần phải thực hiện những nội dung này để đảm bảo sự trong sạch. Nếu như cán bộ mà không trong sạch thì chắc chắn niềm tin của nhân dân đối với cán bộ sẽ bị lu mờ. Đây là một trong những nội dung mà Tổng Bí thư đã quán triệt rất nhiều đến các cấp, các ngành."

Với việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 132, cùng sự giám sát của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp cũng phải tự mình nhìn vào đó để tự soi, tự sửa, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Trong đó, việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án; thi hành bản án… đều phải được thực hiện công khai, khách quan, minh bạch. Chỉ khi thực thi công lý với “tâm sáng, lòng trong” thì cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mới xứng đáng với niềm tin của người dân, xứng đáng là người bảo vệ cán cân công lý./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất