Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 6
Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề. (Ảnh: TTXVN)

Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, với 474/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn (Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 6).

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 27/11/2023, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến của 468 đại biểu Quốc hội, trong đó có 391 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 77 đại biểu cơ bản đồng ý và có ý kiến góp ý một số nội dung cụ thể.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, chỉnh lý trong dự thảo Nghị quyết về: Việc đẩy nhanh thực hiện hóa đơn điện tử trong việc thu thuế, phí, lệ phí; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; thời hạn giải quyết dứt điểm việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng; việc kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để cập nhật thường xuyên các công ty nợ, chậm đóng bảo hiểm; việc dành từ 2% ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, trong đó có chương trình về biển, hải đảo; quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.

Có ý kiến cho rằng không cần thiết quy định nội dung “Khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)” trong lĩnh vực xây dựng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết là giải pháp quan trọng nhằm đưa các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sớm đi vào cuộc sống, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ như dự thảo.

Có ý kiến đề nghị khẩn trương xây dựng bộ sách giáo khoa dùng chung trong năm 2025. Tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13; do đó không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về việc hoàn thiện thể chế cho ngành Tòa án, Viện Kiểm sát và cán bộ, công chức ngành Tòa án, Viện kiểm sát các cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này đã được đề cập đầy đủ tại Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung trong dự thảo Nghị quyết./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất