|
Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng ĐBSCL.
|
Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và rất mới mẻ với một loạt giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng.
Khi nhắc đến vùng ĐBSCL thường gắn với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào nhưng thực tế thì lại khác. Mặc dù đang nắm giữ nhiều lợi thế để bứt phá, phát triển, nhưng vùng ĐBSCL đang phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp, chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Chính vì vậy, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh khẳng định, Nghị quyết 13 có ý nghĩa quan trọng với tình hình phát triển hiện tại của Thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, ông Lê Quang Mạnh cho biết, thành phố Cần Thơ đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tăng cường phân cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời xây dựng các khu như khu công nghiệp Vsip, Cần Thơ, trung tâm năng lượng Ô Môn gắn với chuỗi dự án lô B các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin; đặc biệt là trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vùng đồng bằng tại Cần Thơ nhằm tạo bước đột phá thu hút đầu tư khu vực tư nhân cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Hạ tầng giao thông được xem là động lực phát triển cho vùng ĐBSCL. Trước thực tế hạ tầng giao thông trong vùng vẫn thiếu và yếu, giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí trong các chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, xác định phát triển hướng kết nối giao thông từ ĐBSCL đến TP.HCM thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng.
Theo Bộ trưởng, ngày 30/4 khánh thành cầu Trung Lương - Mỹ Thuận, 1- 2 năm nữa sẽ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai quyết liệt. Hiện nay Bộ đang triển khai 3 cao tốc rất lớn: Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ- Sóc Trăng và Cần Thơ - Châu Đốc, hoàn chỉnh đường cao tốc từ An Hữu qua Cao Lãnh về Rạch Giá, vậy là sẽ có 3 trục đường cao tốc quan trọng. Trong nhiệm kỳ này, nếu quyết tâm cao, phối hợp tốt sẽ hoàn thành được khoảng 448 km đường cao tốc.
"Tin rằng, với hệ thống đường cao tốc như thế này sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và các nhà đầu tư sẽ đến với Vùng nhiều hơn" - Bộ trưởng GTVT cho biết.
Với lợi thế là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để phát huy cao hơn tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển, các địa phương trong Vùng cần tập trung hoàn thiện thể chế liên kết vùng, tạo đà bứt phá trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về điều phối phát triển liên kết vùng ĐBSCL, trọng tâm là rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các thể chế đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả và tăng cường phân cấp, phân quyền nâng cao vai trò gắn với phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, trên cơ sở huy động các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý có kinh nghiệm. Các bộ, ngành, địa phương thành lập các tiểu ban làm đầu mối để điều phối theo ngành, lĩnh vực và các tiểu vùng.
Tăng cường hoạt động điều phối, giám sát và giải quyết xung đột lợi ích giữa các địa phương, nhất là trong các lĩnh vực khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời xem xét, nghiên cứu xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp đối với cả Vùng nhằm phát huy tối đa và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng phục vụ cho phát triển.
|
ĐBSCL là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, hàng năm xuất khẩu thủy sản, trái cây, lúa gạo đóng góp hàng tỷ USD.
|
Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông nghiệp vẫn là nguồn kinh tế trọng điểm của Vùng. Thời gian tới, cần giải quyết thỏa đáng những vấn đề nội tại để phát triển toàn diện và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp với mức giá cạnh tranh, chi phí đầu vào tối ưu, tạo những giá trị gia tăng cao… Đặc biệt, phải có “cuộc cách mạng” tổ chức lại sản xuất, có sự vào cuộc của lãnh đạo tất cả các địa phương.
Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết phát triển, đất đai có thể manh mún, đơn vị hành chính có thể phân chia theo địa giới, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt, giao thông thông suốt liền mạch.
"Tại sao con người đồng bằng từ nông dân, doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo không thể kết nối với nhau?" - Bộ trưởng đặt câu hỏi và cho biết một doanh nhân nước ngoài đã từng chia sẻ với ông rằng nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác, thậm chí rất mơ hồ về từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn mọi người ai cũng đều biết đến Mekong, ĐBSCL.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng trong tư duy liên kết Vùng cùng tạo ra thương hiệu chung của Vùng, tính liên kết hợp tác, vừa tạo ra giá trị chung, vừa khơi gợi thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, dần mở rộng không gian vượt ra khỏi địa giới Vùng.
Là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm thúc đẩy phát triển của cả nước, để tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng, biến thách thức thành cơ hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, điều quan trọng lúc này đối với các địa phương trong Vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao./.
Văn Hiếu
Nguồn: vov.vn