(TTĐN) - Dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy là cột mốc quan trọng, đánh dấu tình hữu nghị và quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa song phương ngày càng phát triển.
 |
Ông Renato Darsiè (phải) trao quyền sử dụng Nhà văn hóa Việt Nam cho đại diện của sinh viên Việt Nam vào tháng 5/2022. (Ảnh: Hải Linh)
|
Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm, các chi hội hữu nghị
Italy-Việt Nam ở cấp vùng có thể đóng góp thiết thực cho việc củng cố và phát
triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa người dân hai nước.
Đây là đánh giá của ông Renato Darsiè, nhà lãnh đạo kỳ cựu của
Chi hội Hữu nghị Italy-Việt Nam vùng Veneto, về vai trò của các chi hội cấp
vùng, thể hiện qua việc cung cấp các thông tin về đất nước và con người Việt
Nam cho những người dân cũng như doanh nghiệp Italy muốn tìm hiểu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Italy, ông Darsiè nhấn mạnh
dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là cột mốc quan
trọng, đánh dấu tình hữu nghị và quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa song
phương ngày càng phát triển.
Quan hệ Italy-Việt Nam kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại
giao là mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị về mọi mặt. Tinh thần đó đã được thể
hiện qua sự đoàn kết của người dân Italy đối với nhân dân Việt Nam trong hai cuộc
kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Từ những nền tảng đó, Italy và Việt Nam đã tiếp tục đoàn kết
và hỗ trợ nhau trên trường quốc tế dựa trên những lợi ích chung.
Kể từ khi hai nước nâng mức quan hệ lên đối tác chiến lược
vào năm 2013, mối quan hệ hợp tác đã ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh
vực. Về thương mại, nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt
1,4 tỷ USD, thì tới năm 2022 kim ngạch đã đạt 6,2 tỷ USD.
Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và
đào tạo tiếp tục là một trong những ưu tiên trong quan hệ hai nước khi hai bên
cùng khuyến khích và hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở
giáo dục.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ
ngoại giao, ngay sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết.
Để kỷ niệm sự kiện quan trọng này, Chi hội Hữu nghị Italy-Việt
Nam vùng Veneto đã quyết định cử một đoàn sang Việt Nam trong tháng 4/2023 để
giúp các thành viên của chi hội hiểu thêm về văn hóa cũng như lịch sử đất nước
Việt Nam.
Chi hội cũng hợp tác với Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, Đại
sứ quán Việt Nam tại Italy để thực hiện các sáng kiến, ví dụ như tham gia tổ chức
tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại thành phố Venice vào tháng 6 tới, với nhiều hoạt động
đa dạng.
Vào tháng 10 tới, cũng tại thành phố Venice, Chi hội Hữu nghị
Italy-Việt Nam vùng Veneto sẽ cùng với Đại học Venezia, giới thiệu sơ bộ công
trình nghiên cứu về hiện tượng thủy triều của các con sông tại thành phố Hồ Chí
Minh do Đại học Venezia và Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh hợp
tác thực hiện. Công trình này sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh đối phó với tình trạng
ngập lụt xảy ra trên địa bàn thành phố trong những năm qua.
Trong khi đó, trường Đại học Ca Foscari, có các khóa học về
ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam, cũng có kế hoạch giới thiệu một nghiên cứu về âm
nhạc truyền thống Việt Nam, với các ca sỹ và diễn viên Việt Nam.
Theo ông Darsiè, Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ về
kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, Italy cần đẩy mạnh các hoạt động
trao đổi hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư.
Các doanh nghiệp Italy hoàn toàn có những lợi thế khi đầu tư
vào Việt Nam bởi hai nước có nhiều điểm chung, từ dân số, khí hậu, vị trí địa
lý tới ẩm thực. Không chỉ vậy, người dân hai nước có mối đoàn kết gắn bó chặt
chẽ với nhau.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy quan hệ hai nước hơn nữa, Việt Nam
nên mời các chuyên gia trong những lĩnh vực mà Italy có thể mạnh để hỗ trợ các
vấn đề chuyên môn trong từng giai đoạn phát triển kinh tế.
Ông Darsiè là người bạn rất yêu quý Việt Nam. Năm 2013, ông
đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước
Việt Nam do có những đóng góp và cống hiến không mệt mỏi trong việc tăng cường
tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Ông Darsiè đã tham gia các phong trào chống chiến tranh ở Việt
Nam bằng các hình thức như biểu tình, tổ chức hội thảo, gây quỹ đoàn kết.
Năm 1975, ông đã tổ chức quyên góp để mua phân bón, hóa chất
ủng hộ một số địa phương tại Việt Nam. Trong giai đoạn 1995-2010, trên cương vị
Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Italy-Việt Nam vùng Veneto và Lãnh sự danh sự của Đại
sứ quán Việt Nam tại thành phố Venice, ông đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Đại sứ
quán Việt Nam tại Italy. Cho đến nay, ông vẫn luôn tích cực tham gia lãnh đạo
và tổ chức các hoạt động của Chi hội./.
Dương Hoa - Trường Dụy - Thanh Hải
Nguồn: vietnamplus.vn