Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngoại giao Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tháng 12/2023. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tháng 12/2023. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định, “với nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm tư duy chiến lược, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát triển tư duy đối ngoại Việt Nam, tổng kết thực tiễn và hình thành nghệ thuật “Ngoại giao cây tre”; xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” được phát huy mạnh mẽ, tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất  trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn. Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay và cũng chưa bao giờ Việt Nam lại hòa nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nền chính trị quốc tế và nền văn minh nhân loại như hiện nay.

Tổng Bí thư với các Hội nghị Ngoại giao

Sau Đại hội XI, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 (tháng 12/2011)  trong bối cảnh toàn ngành Ngoại giao “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập chủ quyền của đất nước, ông cha ta luôn luôn chú  trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!” Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị…”

Thấm nhuần tinh thần ấy, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: "Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng  trong thời đại Hồ Chí Minh, đã hình thành nền ngoại giao Việt Nam gắn với tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Cùng với các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò  trọng yếu trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần tạo nên những thắng lợi hết sức to lớn, làm rạng rỡ lịch sử của dân tộc…".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith  trong cuộc gặp tại Hà Nội, tháng 9/2023. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trong cuộc gặp tại Hà Nội, tháng 9/2023. (Nguồn: TTXVN)

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 (tháng 12/2013) trong bối cảnh ngoại giao Việt Nam tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư đánh giá, "Từ sau Ðại hội XI của Ðảng đến nay, tình hình thế giới và trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn và phức tạp, nhưng với sự cố gắng nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả và thành tích đáng trân  trọng trên lĩnh vực đối ngoại... Những thành tích đạt được đó là "sự kiểm chứng sinh động đối với đường lối đối ngoại đúng đắn của Ðảng ta, đồng thời cũng thể hiện sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả các bài học của thời kỳ đổi mới…”.

Chúng ta đã giữ vững và củng cố được môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới và kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, việc Việt Nam tiếp tục duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, có tăng trưởng khá, bảo đảm an sinh xã hội, huy động được đáng kể các nguồn tài trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở rộng được thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu... là những thành tựu rất đáng khích lệ. Khẳng định và làm nổi rõ hình ảnh của một nước Việt Nam hòa bình, ổn định và đang phát triển - đối tác tin cậy của các nước và cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tiếp tục truyền thống tạo sức mạnh tổng hợp, chúng ta đã tiến hành nhịp nhàng hoạt động ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao quốc phòng - an ninh; kết hợp hoạt động đối ngoại của Ðảng với ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; phối hợp hài hòa hoạt động ở Trung ương và các địa phương; gắn kết ngoại giao song phương với đa phương... Những thành tích quan  trọng nói trên là kết quả sức mạnh tổng hợp của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân,  trong đó có phần đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức ngành ngoại giao với tư cách là cơ quan tham mưu và tác chiến trực tiếp trên mặt trận đối ngoại...”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, tháng 12/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, tháng 12/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đến Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8/2016) khi toàn ngành Ngoại giao tiếp tục triển khai nhiệm vụ  trọng tâm “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”,  trong phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Môi trường hoà bình thuận lợi cho phát triển; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan  trọng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước...”

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, “đất nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, thể hiện  trong việc ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tình hình mới mẻ đó đặt lên vai ngành ngoại giao trách nhiệm nặng nề là góp phần đưa các hiệp định đã ký kết vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, hạn chế đến mức tối đa tác động bất lợi từ những thách thức có thể nẩy sinh… Song song với nhiệm vụ phát triển đất nước, ngoại giao còn phải gánh vác một nhiệm vụ to lớn hết sức phức tạp là góp phần quan  trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển".

Trước nhiệm vụ này càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới, Tổng Bí thư chỉ đạo, “Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động triển khai hoạt động  trong lĩnh vực trọng yếu này. Giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan  trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: "Giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Đến Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (tháng 8/2018), trong bối cảnh “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã khẳng định, "với sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan  trọng, trở thành một điểm sáng  trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước". Tổng Bí thư chỉ đạo ngành Ngoại giao “cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại". Tổng Bí thư đánh giá, những diễn biến chính trị trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới thì không theo kịp sự phát triển của tình hình. Vấn đề là chúng ta dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam  trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương...”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 20/6/2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 20/6/2024.

Nâng tầm đối ngoại và ngoại giao Việt Nam

Đặc biệt, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc - hội nghị đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại diễn ra ngày 14/12/2021 ngay trước Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định, "Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại,  trong 35 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khoá XII gần đây, ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp… Cho đến nay, chúng ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan  trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới của nhân dân ta..."

Tổng Bí thư chỉ đạo ngành Ngoại giao tiếp tục triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực  trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn bài học "dĩ bất biến, ứng vạn biến", kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược...

Tổng Bí thư giao nhiệm vụ “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước…” Tổng Bí thư khẳng định, "Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tiếp tục chỉ đạo ở tầm cao chiến lược, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12/2023 với chủ đề, "Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá,  trong gần 3 năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (12/2021), ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, "đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan  trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước". Tổng Bí thư khẳng định, "Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc  trong giai đoạn mới".

Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Đặc biệt là các hoạt động đối ngoại cấp cao của Tổng Bí thư như hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen trong năm 2023 và mới đây là Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan  trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng tầm đối ngoại Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Kim chỉ nam cho ngoại giao trong bối cảnh mới

Tiếp thu những chỉ đạo xuyên suốt mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư đối với ngành Ngoại giao, phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 32, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định,

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, "Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. (Ảnh: Tuấn Anh)

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 nước Đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan  trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả. Vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO... Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025...

Trước biến động phức tạp của tình hình quốc tế, Việt Nam đã xử lý đúng đắn quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt sách lược và ứng xử; nhờ đó, vừa thúc đẩy hợp tác để cùng phát triển, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh tiếp tục đảm nhận các  trọng trách quốc tế, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình... Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD với bình quân đầu người trên 4.000 USD, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam…

Tổng Bí thư thăm triển lãm ảnh về Đối ngoại và Ngoại giao Việt Nam, tháng 12/2023.

Tổng Bí thư thăm triển lãm ảnh về Đối ngoại và Ngoại giao Việt Nam, tháng 12/2023.

Trên mặt trận thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan  trọng. Năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, có thêm 2 thành phố là Đà Lạt và Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO... Những thành tựu của đối ngoại và ngoại giao rất đáng tự hào dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước như Tổng Bí thư từng nhấn mạnh "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Đó chính là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những quyết sách sáng suốt, kịp thời, bước đi chủ động, sáng tạo, đột phá mang tính lịch sử  trong triển khai đối ngoại, như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định. Những kết quả to lớn đó tiếp tục khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất