|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV. (Ảnh: TTXVN)
|
Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành một số Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp tổ chức vào sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực thi bám sát phương châm “5 đẩy mạnh” để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Khối lượng văn bản pháp luật “khổng lồ”
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác và đa số là do Chính phủ trình.
Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới; có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị đã nghe quán triệt các nội dung chính, điểm mới và công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV gồm: Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban chấp hành trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô…
Hội nghị nêu những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống; phối hợp giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các Luật, Nghị quyết, nhất là việc chậm triển khai, nợ đọng, ban hành văn bản quy định chi tiết, rà soát văn bản quy phạm pháp luật...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho biết xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)
|
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.
Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, nếu không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển; thể chế phải đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng chỉ rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khái quát “5 tạo lập” của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đó là: Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể…; tạo lập “sân chơi” lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả, điều tiết lợi ích hài hòa đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa rủi ro, tiêu cực.
Cho biết với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, khẩn trương triển khai thi hành luật, nghị quyết. Thủ tướng cho biết, để chấn chỉnh tình trạng “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp,” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn lực cho triển khai thi hành luật, nghị quyết; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết; đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. “Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo Nghị quyết 27-NQ/TW,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật như trong ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật; nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…
Thủ tướng chỉ rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phân công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm để triển khai thực thi các luật, nghị quyết được Quốc hội bám sát phương châm “5 đẩy mạnh.”
Đó là đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ từ khi xây dựng và thực thi pháp luật
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
|
Các đại biểu dự Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)
|
Thủ tướng chỉ đạo bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.
“Các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý,” Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường quán triệt, phổ biến, giới thiệu chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ.
Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là liên quan đến thủ tục hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Các tỉnh, thành phố chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù tại địa phương; chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết.
Đồng thời kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết; Hội đồng Nhân dân các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai luật, nghị quyết, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho chính quyền địa phương thực hiện.
Thống nhất với việc xây dựng một Luật để sửa nhiều Luật, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, bao trùm, tổng thể, hiệu quả hơn.
Các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các Bộ, ngành chủ động phối hợp trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và thực thi các Luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong tổ chức triển khai thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của quy định trong các dự án luật, nghị quyết; tăng cường giám sát trong xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, vi phạm để kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.
Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng các hình thức phù hợp.
Cùng với đó là vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, Thủ tướng tin rằng những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp, qua đó, đưa công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững./.
Phạm Tiếp
Nguồn: vietnamplus.vn