Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ra đón Đoàn tại Sân bay Quốc tế Nội Bài có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Tháp tùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam có: Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào; Thứ trưởng phụ trách Bộ Ngoại giao Trung Quốc (cấp Bộ trưởng) Mã Triều Húc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ; Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc La Chiếu Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc Lưu Tô Xã; Chánh Văn phòng Thủ tướng Khang Húc Bình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường sinh tháng 7/1959; quê quán: Thụy An, Chiết Giang (Trung Quốc); dân tộc: Hán; gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 4/1983; trình độ: Thạc sỹ quản trị kinh doanh. Hiện nay, ông Lý Cường là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Quốc vụ viện.

Ông Lý Cường là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 18, 19, 20; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 19, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 20.

Trong giai đoạn từ năm 1976 đến 2016, ông đã học tập, làm việc và đảm nhận nhiều vị trí tại tỉnh Chiết Giang, như Phó Giám đốc Sở Dân chính Chiết Giang; Thường vụ Thành ủy thành phố Kim Hoa; Bí thư Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ thành phố Vĩnh Khang, Chiết Giang (1996 - 1998); Phó Chánh Văn phòng, Ủy viên Ban cán sự đảng chính quyền Chiết Giang (1998 - 2002); Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục Quản lý công thương Chiết Giang (2000 - 2002); Bí thư Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại thành phố Ôn Châu, Chiết Giang (2002 - 2004); Tổng Thư ký, Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang (2004 - 2011); Phó Bí thư, Tỉnh trưởng Chiết Giang (2011 - 2016).

Từ năm 2016 đến 2017, ông là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô; từ năm 2017 đến 2022, là Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Từ tháng 10/2022 đến nay, ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Từ tháng 3/2023, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Trung Quốc.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Lý Cường trên cương vị Thủ tướng Quốc vụ viện, thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Thủ tướng Lý Cường đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đúng vào dịp hai bên đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025), cũng như ngay sau các chuyến thăm quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước như chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024) và chuyến công tác dự WEF Đại Liên, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6/2024).

Chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”.

Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Lý Cường sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ đi sâu thảo luận những biện pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; trong đó, hai Thủ tướng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất