Phổ biến những điểm mới về xuất, nhập cảnh của Việt Nam đến đại diện cơ quan, tổ chức quốc tế
Người nước ngoài làm thủ tục xuất, nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Ảnh: TTXVN)

Người nước ngoài làm thủ tục xuất, nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Ảnh: TTXVN)

Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và khoảng 300 đại biểu, đại diện đại sứ quán các nước, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan đến trách nhiệm của công dân khi ra nước ngoài; việc cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh đối với công dân; quyền, trách nhiệm của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài; những sửa đổi, bổ sung để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam như nâng thời hạn cấp thị thực điện tử, mở rộng danh sách các nước, vùng lãnh thổ... Đồng thời, thông qua cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam để tuyên truyền, phổ biến lan tỏa những điểm mới trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Tại hội nghị, 3 nội dung được thông tin đến các đại biểu gồm: Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và những vấn đề mới về các thủ tục hành chính liên quan đến công dân Việt Nam; cấp phép nhập cảnh, thị thực, tạm trú cho người nước ngoài thuộc diện làm thủ tục tại Bộ Ngoại giao; quy định mới của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong Luật số 23/2023/QH15.

Thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Công an được giao nhiệm vụ ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách quốc tế du lịch, đầu tư, lao động. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là yêu cầu cần thiết.

Ngày 15/8/2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật quy định các hành lang pháp lý về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài, qua đó đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, có nhiều quy định thông thoáng, đơn giản theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài vào Việt Nam và công dân Việt Nam ra nước ngoài.

Sau khi Chính phủ ban hành Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 430/QĐBCA ngày 26/1/2023 về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai 22 dịch vụ công liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong đó, có 13 thủ tục thực hiện tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh và 6 thủ tục thực hiện tại Công an cấp tỉnh.

Các thủ tục hành chính được xây dựng theo hướng người nộp hồ sơ và nhận kết quả không phải đến trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Theo đó, ngoài các thủ tục đạt mức độ trực tuyến toàn trình, đối với các thủ tục cấp giấy tờ vào hộ chiếu như cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp giấy miễn thị thực, người nộp hồ sơ thực hiện khai trực tuyến, nộp phí trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an và gửi hộ chiếu và các giấy tờ liên quan (trường hợp giấy tờ chưa được chứng thực điện tử) qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Sau khi được giải quyết, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi kết quả dịch vụ bưu chính đến người nộp hồ sơ.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phân cấp mạnh mẽ cho Công an cấp tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy tờ cư trú ở trong nước cho người nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện toàn bộ việc tiếp nhận, giải quyết cấp, gia hạn, hủy bỏ hoặc thu hồi các loại giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh cư trú cho người nước ngoài, trừ các trường hợp sau thực hiện tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (thủ tục đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an). Trong đó, có đề nghị cấp giấy miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam (thực hiện theo quy định tại Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015).

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cùng với phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người nước ngoài tại Công an các địa phương góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, giúp giảm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất