|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Tây An, huyện Tiền Hải, Thái Bình. (Ảnh: TTXVN)
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nhưng vẫn còn đó hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một tấm gương sáng học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
"Sau khi Bác Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư thì đất nước ta có rất nhiều đổi mới về công tác an ninh trật tự, công tác lãnh đạo công tác trật tự xã hội, đặc biệt là đối với người cao tuổi rồi đối với các trẻ em Bác rất quan tâm và đều đem lại quyền lợi chính đáng nhất cho nhân dân cho Đảng và Nhà nước là công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Bác".
“Vô cùng thương xót Tổng Bí thư sự mất mát quá lớn, Tổng Bí thư là người vĩ đại, sống giản dị, lo cho dân".
"Bác là người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bác là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bác đã luôn quan tâm đến mọi mặt đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Bác thực sự là người lãnh đạo gương mẫu, là tấm gương để toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập noi theo".
Đây chính là suy nghĩ cảm nhận của nhiều người dân trong cả nước về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà lãnh đạo tận tụy vì nước, vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính, liêm khiết; một hình mẫu phong cách lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của nhân dân; là một người mà cả cuộc đời dành hết sức mình cho công cuộc xây dựng Đảng vì đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Sinh ra và lớn lên tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội – một làng quê thanh bình với những người nông dân hiền hậu, nhưng có truyền thống hiếu học và là con út trong một gia đình thuần nông, đông anh em. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được bạn học nhớ đến với dáng người nhỏ bé, đôi mắt sáng lạ thường, đặc biệt ngoan hiền và rất chăm chỉ học tập. Sau này trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó như: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá VII đến khóa XIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khoá VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khóa XI đến khóa XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ: "Trên tất cả những cương vị trọng trách của mình đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với tinh thần chủ động, phương pháp khoa học, trách nhiệm rất cao với tư tưởng lý luận được bồi dưỡng từ thực tiễn cho nên đồng chí đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trên cương vị Tổng Bí thư 3 nhiệm kỳ đồng chí đã đoàn kết thống nhất từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương dẫn đến sự thống nhất trong toàn Đảng".
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)
|
Lối sống giản dị, sâu sát với cơ sở được thể hiện ngay cả trong công việc hay trong đời sống cá nhân. Với Đảng viên Phùng Huy Đan ông luôn cảm thấy con người của Tổng Bí thư là hình mẫu về đạo đức cách mạng khiêm tốn, giản dị, gần gũi với nhân dân với mọi người. Ấn tượng sâu sắc ấy ông có được khi tham dự 4 cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 Thành phố Hà Nội nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Đại biểu Quốc hội và đến hôm nay, ấn tượng đó vẫn vẹn nguyên tâm trí Cử tri Phùng Huy Đan: "Tôi rất vinh dự được gặp Bác Trọng tại 4 kỳ tiếp xúc cử tri, Bác đi tiếp xúc cử tri với nhân dân nên rất hòa mình, khi cử tri phát biểu bác rất chú ý lắng nghe, ghi chép. Sau khi phát biểu xong lúc kết luận, Bác cũng nói tất cả các bác (cử tri) là những người rất am hiểu, nghiên cứu rất kỹ về chính sách, đã có những đóng góp rất có ích cho Quốc hội. Khi kết thúc ai cũng muốn chụp ảnh cùng bác Trọng".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm, luôn dồn hết sức lực, trí tuệ của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Tổng Bí thư luôn tâm niệm và nhắc nhở phải học và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính đồng chí là người học tập theo tấm gương của Bác nhiệt thành nhất, rõ nhất. Tổng Bí thư luôn khiêm tốn, giản dị, lắng nghe, thương yêu mọi người, quyết đoán nhưng rất tình cảm. Đồng chí cũng rất quyết liệt, không khoan nhượng trong đấu tranh phòng chống những sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ gìn danh dự và hình ảnh của người cộng sản.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến nhiều giới, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, từ khoa học, giáo dục-đào tạo đến văn hóa, văn nghệ, báo chí, từ công tác xóa đói giảm nghèo đến giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ…,xuất hiện ở bất cứ nơi đâu cũng thấy toát lên từ đồng chí sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm rất cao. Đến với Thành phố Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng” và đồng bào Nam Bộ “muôn vàn yêu quý”, Tổng Bí thư mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, muốn vậy Thành phố cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý; phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, làm nền tảng thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Còn về với Đảng bộ, đồng bào các dân tộc tỉnh biên giới Lạng Sơn, Tổng Bí thư căn dặn, với trọng trách là “phên giậu quốc gia” về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là “phên giậu về kinh tế”, bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế của đất nước; chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Với thủ đô Hà Nội, không chỉ là tình cảm với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, mà còn là trách nhiệm đặc biệt đối với Thủ đô - trái tim của cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt và có những chỉ đạo sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt và lâu dài.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xúc động chia sẻ: "Nói đến Thủ đô Hà Nội, trong lòng mỗi người con đất Việt đều xúc động, tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, để rồi "dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội". Và thực như vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động “vì nước, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Hà Nội cũng là nơi gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác, khi nói về Hà Nội, Bác thường dùng ba chữ "Thủ đô ta". Trong ngày đầu tiên Thủ đô được giải phóng (10/10/1954), Bác đã viết: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông vào Thủ đô ta, tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần, đây chính là sự quan tâm đặc biệt và cũng là yêu cầu, mong muốn, tin tưởng để Hà Nội thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước như Bác Hồ từng căn dặn với Thủ đô ta".
Từ những chuyến đi đến với đồng chí, đồng bào và khảo sát thực tế, những ý tưởng mới, giải pháp mới, sát thực tiễn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất với Đảng, Nhà nước trong hoạch định các chủ trương, chính sách, nhằm ổn định nhanh chóng tình hình kinh tế-xã hội và phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bằng những hành động cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng rõ hình ảnh một người lãnh đạo giàu tâm huyết, bám sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, vì thế đã được nhân dân tin yêu.
Trái tim của Người cộng sản chân chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vẫn nhớ mãi hình ảnh một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân, vì lý tưởng cao đẹp./.
Văn Hiếu-Nguyễn Hằng
Nguồn: vov.vn