(TTĐN)
- Xúc động giới thiệu với các phóng viên những bài báo được lưu giữ cẩn
thận qua hơn nửa thế kỷ về sự kiện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng
miền Nam Việt Nam xuất hiện trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris ngày bắt
đầu cuộc đàm phán 19/1/1969, các ông Bernard Bachelard, Olivier
Parriaux và Noé Graff cho biết hành động của họ là một phần trong quá
trình phát triển của phong trào ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền
Nam Việt Nam ở châu Âu và thế giới.
|
Bìa cuốn sách "Le Viet Cong au sommet de Notre - Dame" (tạm dịch là Cờ Việt Cộng trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà) của Bernard Bachelard, Noé Graff và Olivier Parriaux được Nhà xuất bản FAVRE, Lausane (Thụy Sĩ) ấn hành, ra mắt tháng 1/2023. (Ảnh: TTXVN)
|
Đó là sự tiếp nối phong trào phản chiến từ mùa Thu nóng năm 1967 tại Đức, cuộc biểu tình của 10 triệu lao động vào tháng 5/1968 tại Pháp, việc phong trào chống chiến tranh tại Mỹ chuyển thành phong trào công khai ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…
Trước năm 1969, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được treo lên ở một số nơi tại Thụy Sĩ. Ngày 22/6/1968, nhiều cư dân Berne ngạc nhiên thấy một lá cờ lớn, rõ ràng không phải cờ Thụy Sĩ, tung bay trên đỉnh tháp chuông thánh đường Münster. Vài người trẻ vào đêm trước đã leo lên tận đỉnh tháp, treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. “Kỳ tích leo núi” này, như cảnh sát gọi, đã mở đầu Ngày Thụy Sĩ cho Việt Nam, quy tụ tại Berne vài trăm người, đa số là giới trẻ, biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí tại Geneva, các ông Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff cho biết trước khi tới Pháp, họ cũng đã từng thực tập vào ban đêm, trước lần biểu tình lớn trên toàn Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Các ông bày tỏ hành động của mình hiển nhiên không thay đổi tương quan lực lượng trong chiến tranh, nhưng sức lan toả của sự kiện đã nhấn mạnh vị thế lệ thuộc, cô lập của chính quyền Sài Gòn, và tính chính đáng, ưu việt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ phong trào phản chiến. "Chúng tôi rất hài lòng với tiếng vang mà sự kiện này đã tạo ra. Thông điệp của hành động này đã được thế giới biết đến mà không cần chúng tôi nói rằng chính chúng tôi đã tạo ra nó" - ông Olivier Parriaux bộc bạch đầy tự hào với sự đồng tình của hai người bạn, Noé Graff và Bernard Bachelard. Ngày 20/1/1969, trên trang đầu tờ The New York Times là hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay giữa bầu trời Paris, tiếp đó là những bài báo, phim và ảnh về việc lính cứu hỏa Paris phải thao tác bằng trực thăng để tháo lá cờ trên đỉnh tháp.
|
Những bức ảnh mô tả quá trình các chàng trai Thụy Sĩ leo lên chóp tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris để treo cờ Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
|
Sau những năm cùng hoạt động trong Liên minh Mácxít cách mạng (Ligue Marxiste Révolutionnaire - THH) tại Thụy Sĩ, ông Bernard Bachelard trở thành điều phối viên chương trình thí điểm về chăm sóc sức khỏe tại gia của bang Vaud, sau khi đã theo học khoa chính trị kinh tế. Ông Noé Graff tiếp nối cơ nghiệp trồng nho của gia đình, tham gia phong trào ủng hộ nông dân Tây Ban Nha và cùng bạn bè sáng lập "Nền tảng vì một nền nông nghiệp mang tính xã hội bền vững". Ông Olivier Parriaux trở thành giáo sư đại học, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực quang học điện từ, có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà vật lý Liên Xô.
Cuốn sách "Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame" (tạm dịch là "Lá cờ trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà"), đã được 3 ông Bernard Bachelard, Noé Graff và Olivier Parriaux lưu bút ký tên tặng cho các phóng viên TTXVN. Cuốn sách này được Nhà xuất bản FAVRE, Lausanne (Thụy Sĩ) ấn hành, và ra mắt tháng 1/2023 với lời tựa: "Ngày hôm nay, ba người anh hùng, mặc dù họ không bao giờ tự nhận, đã kể lại 30 giờ gia nhập của họ vào cuộc chiến 30 năm của một dân tộc đã thoát được ra khỏi nanh vuốt chủ nghĩa thực dân, kháng cự một cách thắng lợi trước cơn đại hồng thủy của khói lửa và hóa chất chết người của Mỹ, và bước ra khỏi tình trạng kém phát triển".
Ba người quyết định viết cuốn sách kể lại câu chuyện treo cờ thời thanh niên khi chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris bị sụp đổ vì hỏa hoạn năm 2019, tức là 50 năm sau sự kiện gây chấn động truyền thông thế giới vào tháng 1/1969. Tuy nhiên, như lời ông Olivier Parriaux, động lực quan trọng khiến ba người chia sẻ câu chuyện xảy ra trong quá khứ lại gắn với việc một tuần sau vụ hỏa hoạn, báo Quân Đội Nhân dân của Việt Nam đã đăng một bài báo "khiến chúng tôi rất ấn tượng, thích thú và khích lệ chúng tôi làm điều này". Ông Olivier Parriaux tâm sự: "tờ báo đó tuyên bố rằng sự kiện 50 năm trước đó được coi là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử hàng thế kỷ của Nhà thờ Đức Bà. Điều đó cũng chứng tỏ chính quyền Việt Nam đã công nhận rằng hành động của chúng tôi cũng quan trọng đối với lịch sử Việt Nam, và điều này khiến chúng tôi rất hài lòng. Cuốn sách cũng mang một ý nghĩa to lớn khi được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam"./.
Tố Uyên - Văn Tuấn
Nguồn: baotintuc.vn