Thủ tướng kiểm tra một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn). (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn). (Ảnh: TTXVN)

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.

Khu kinh tế Nghi Sơn có tổng diện tích 106.000 ha, nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Khu kinh tế Nghi Sơn được chia thành 55 phân khu, trong đó, có 25 phân khu công nghiệp, diện tích khoảng 9.057,9 ha. Tại Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án đã đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng, nhiệt điện, gang thép, lọc hóa dầu, cảng biển quốc tế… Năm 2023, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 265 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 26 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10 nghìn lao động.

Tái cấu trúc để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động hiệu quả hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính với kỹ sư, công nhân Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn)). (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với kỹ sư, công nhân Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn). (Ảnh: TTXVN)

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong bốn thành viên góp vốn vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tỷ lệ góp vốn là 25,1%. Ba thành viên góp vốn còn lại gồm Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI).

Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam hiện nay. Hiện Nhà máy đang cung cấp cho khoảng 35% thị phần xăng dầu trong nước. Tổng thuế đã nộp ngân sách Nhà nước đến nay là 85.236 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế những năm vừa qua, nhất là năm 2023 có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Đến nay lỗ lũy kế của Công ty vẫn là 4,378 tỷ USD…

Sau khi thăm Nhà máy, làm việc với lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, do tình hình thế giới thời gian qua và thời gian tới có những diễn biến phức tạp, việc thăm, làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm nắm tình hình, có tính toán nhằm chủ động an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời chuẩn bị nội dung cho các cuộc gặp giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với lãnh đạo Chính phủ các nước Nhật Bản, Cô-Oét tới đây.

Đánh giá cao thiện chí của Chính phủ Nhật Bản và Cô-Oét trong việc ủng hộ, hợp tác xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng khi xây dựng, triển khai dự án các bên không dự báo hết những khó khăn có thể xảy ra.

Do đó, đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tái cấu trúc, cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức quản trị, trong đó nâng tỷ lệ người Việt Nam trong ban lãnh đạo, điều hành Nhà máy hơn để đảm bảo quản trị, điều hành hợp lý, ổn định, tối ưu về chi phí; Công ty phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa trong điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh; xây dựng quy định, quy trình khoa học, cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các khó khăn, hạn chế nảy sinh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để người Việt Nam dần làm chủ công nghệ, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả.

Cho rằng, việc xây dựng Nhà máy với tổng số vốn vay lớn, lãi suất cao, nên khi tình hình khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa đạt công suất thì việc lỗ là khó tránh khỏi. Do đó, cần phải tái cấu trúc về tài chính và lãi suất, trên tinh thần chia sẻ khó khăn, phù hợp tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn). (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn). (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tái cấu trúc về sản xuất, trong đó thay đổi việc sử dụng điện chạy dầu vận hành nhà máy như hiện nay bằng sử dụng điện lưới quốc gia nhằm đảm bảo sự ổn định, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xem xét, đàm phán lại về giá và thỏa thuận chỉ nhập dầu thô của Cô-Oét phục vụ Nhà máy; tổ chức quản lý các chi phí đầu vào khác, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai dự án.

Kết nối Tây Bắc với Cảng Nghi Sơn

Cảng biển Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Theo quy hoạch, hệ thống Cảng Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 - 100.000 DWT. Tính đến tháng 7/2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các lực lượng Khu vực Cảng biển Nghi Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các lực lượng Khu vực Cảng biển Nghi Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi nghe báo cáo về quy hoạch, ý tưởng phát triển Cảng Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu kỹ các Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các quy hoạch, chiến lược phát triển khác để quy hoạch không gian phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và cảng Nghi Sơn trong tương lai.

Thủ tướng lưu ý nghiên cứu nguồn hàng ra vào cảng, trong đó nguồn hàng không chỉ của Thanh Hóa, Nghệ An mà nghiên cứu kết nối để khai thác nguồn hàng từ các tỉnh Tây Bắc như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông cha ta đã chọn tuyến đường từ Thanh Hóa lên Tây Bắc vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.

Riêng về ý tưởng xây dựng Tổ hợp quốc phòng, kinh tế đảo Hòn Mê, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh mô hình kinh tế kết hợp quốc phòng này, với cảng nước sâu, dịch vụ logictics, dịch vụ, du lịch… vì đảo Hòn Mê chỉ cách đất liền khoảng 10 km; yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; xây dựng cơ chế chính sách huy động, thu hút đầu tư; tổ chức triển khai đầu tư phân kỳ, từng bước.

Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn. Dự án được chia làm hai gian đoạn, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy luyện cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu công suất 980.000 tấn/năm.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư nhà máy kết cấu thép, sản xuất các sản phẩm kết cấu thép dùng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp, công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy cán nguội và sản xuất ống thép định hình dùng trong xây dựng, công suất 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.

Diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án trên khoảng 51 ha, với vốn đầu tư của dự án là 5.500 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Mỗi người dân khỏe thì cả dân tộc khỏe

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực. (Ảnh: TTXVN)

Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực được Tổng công ty cổ phần Hợp Lực quyết định đầu tư năm 2017, tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh viện có tổng mức đầu tư xây dựng gần 600 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh, trong đó giai đoạn 1 hơn 300 tỷ đồng với quy mô 250 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện hiện có 330 cán bộ nhân viên, trong đó có 66 bác sĩ, 128 điều dưỡng, 26 kỹ thuật viên, 16 dược sĩ được đào tạo chuyên sâu.

Tới từng phòng bệnh thăm động viên các bệnh nhân, phát biểu với lãnh đạo, y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước ta lấy con người là trung thâm, chủ thể, nguồn lực, động  lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn  thuần; đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, “mỗi người dân khỏe thì cả dân tộc khỏe”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ, bác sĩ, y sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ, bác sĩ, y sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực. (Ảnh: TTXVN)

Theo Thủ tướng, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được Đảng, Nhà nước chú trọng, đầu tư và đạt nhiều tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa y tế cũng được đẩy mạnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có mô hình bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực.

Thủ tướng yêu cầu các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, nêu cao sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn diện, chất lượng cao cho người dân, với tấm lòng nhân ái, tận tình vì người bệnh “thầy thuốc như mẹ hiền”; đáp ứng đúng theo chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, bệnh viện phải quan tâm xây dựng môi trường trong sạch, ứng xử văn hóa trong bệnh viện.

Thủ tướng mong muốn mô hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực được nhân rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân về các dịch vụ y tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất