|
Cột cờ Lũng Cú (Ảnh: TTXVN)
|
Dọc theo dải đất hình chữ S Việt Nam từ Cực Bắc ở Lũng Cú, tỉnh Hà Giang, đến Cực Nam ở mũi Rạch Tàu, tỉnh Cà Mau, không chỉ có núi rừng biển cả, mà còn có những cột cờ nổi tiếng bởi sự linh thiêng, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và những giá trị lịch sử mà chúng chứa đựng và thể hiện sự tự hào của dân tộc khi những lá cờ Tổ quốc mạnh mẽ bay trong gió.
Bất kỳ ai có dịp đến những cột cờ tại các địa danh nổi tiếng của Việt Nam cũng đều không thể bỏ qua việc check-in thay cho lời khẳng định mình đã đặt chân đến nơi đây.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là địa điểm thu hút du khách check-in khi đến Hà Giang. Công trình thiêng liêng nơi điểm cực Bắc đất nước có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ hiện tại cao hơn 30m, kiểu dáng bát giác, trang trí trống đồng Đông Sơn, trên đỉnh là quốc kỳ diện tích 54m2.
Cột Cờ Lũng Cú nằm ở độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km đường chim bay, cách thị trấn Đồng Văn 24km.
Cột cờ được xây dựng theo mô hình Cột cờ Hà Nội, có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam.
Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh minh hoạ các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang.
Để lên được đỉnh cột cờ, du khách phải đi qua 839 bậc thang. Trong đó, chặng đầu gồm 425 bậc đá, từ chân núi đến nhà chờ; chặng thứ 2 gồm 279 bậc đá, từ vị trí nhà chờ lên đến chân cột cờ, chặng thứ ba là 135 bậc bằng thép nằm trong lòng cột cờ. Trên đỉnh là cột bằng inox cao khoảng 8m, treo cờ tổ quốc có chiều dài 9m, chiều rộng 6m.
Phía dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm, trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.
|
Cột cờ Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)
|
Cột cờ Hà Nội
Kỳ đài “Cột cờ Hà Nội” nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê.
Đây là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía nam trục chính tâm của tòa thành, từ đây theo đường “ngư đạo," qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng thành là điện Kính Thiên. Cột cờ Hà Nội nay là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.
Cột Cờ được xây dựng bao gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên.
Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa, cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), cửa Tây với hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với hai chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề.
Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8m; cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột Cờ, cao 18,2m; hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt. Đỉnh Cột Cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh. Giữa lầu là một hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cán cờ cao 8m). Toàn bộ Cột Cờ cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ thì là 41,4m.
Cột cờ Hà Nội là một trong những công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2010.
|
Cột cờ Nam Định. (Ảnh: Vietnam+)
|
Cột cờ Nam Định
Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu, thành phố Nam Định, là di tích quốc gia ở thành phố Nam Định, công trình được hoàn thành năm 1843 dưới thời Nguyễn, nằm ở trung tâm thành cổ Nam Định.
Cột cờ Nam Định còn gọi là kỳ đài, là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn. Từng bị đạn bom phá hủy, Cột cờ Nam Định được phục dựng theo đúng nguyên trạng vào năm 1997.
Cột cờ được xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm, chiều cao tổng thể 23,84m, gồm 3 phần chính là chân đế, thân đài và vọng lâu. Trong thân Cột cờ có cầu thang gồm 54 bậc xoáy ốc đi lên vọng lâu.
Đứng trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy toàn cảnh trung tâm thành phố Nam Định. Gần hai thế kỷ qua, cột cờ Nam Định đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của đất nước, quê hương. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước.
Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.
|
Cột cờ Hiền Lương. (Ảnh: Vietnam+)
|
Cột cờ Hiền Lương
Cột cờ Hiền Lương thuộc di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải tại tỉnh Quảng Trị. Ngoài cột cờ, nơi đây còn có cầu Hiền Lương, nhà Liên hợp, các bến đò, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”...
Cụm di tích này nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Bến Hải và Quốc lộ 1A (km 735), trong đó phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương (huyện Vĩnh Linh), phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa (huyện Gio Linh).
Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước.
Theo thống kê, tính từ 19/5/1956 đến 8/10/1967, Việt Nam đã treo hết 267 lá cờ các cỡ, trong đó riêng năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ-ngụy phá hỏng.
Đến năm 2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương nguyên mẫu (xây dựng từ năm 1963) với lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 75m2 có chiều cao 38m, trong đó phần đài cao 11,5m tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (bờ Bắc sông Bến Hải.
Với những giá trị đặc biệt, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
|
Kỳ đài Huế lung linh về đêm. (Ảnh: TTXVN)
|
Kỳ đài Huế
Kỳ Đài (còn gọi là Cột cờ) là di tích kiến trúc thời Nguyễn. Kỳ Đài được xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807) ở vị trí chính giữa trên mặt nam của Kinh thành, thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh.
Kỳ Đài gồm hai phần là đài cờ và cột cờ. Đài cờ là một cái đài đồ sộ gồm 3 tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao gần 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m. Tổng cộng của ba tầng đài cao khoảng 17,5m. Chung quanh mỗi tầng đều có xây lan can, mặt nền của các tầng đài đều lát gạch Bát Tràng. Lối đi từ tầng dưới lên tầng trên cùng trổ ở mặt Bắc, ở tầng trên cùng, xưa có hai điếm canh và pháo xưởng để bố trí các khẩu đại bác.
Cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm 2 tầng, cao gần 30m. Năm Thiệu Trị 6 (1846), Cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài suốt hơn 32m. Đến năm Thành Thái 16 (1904), Cột cờ này bị một cơn bão lớn thổi gãy, nên sau phải đổi làm bằng ống gang.
Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, Cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa. Năm 1948, Cột cờ bằng bêtông cốt sắt với tổng chiều cao 37m hiện thấy mới được xây dựng.
Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ còn đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu. Thỉnh thoảng, lính canh phải trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển.
Cùng với những bước thăng trầm của Huế, Kỳ Đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 23/8/1945, lần đầu tiên lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tung bay phất phới trên đỉnh Kỳ Đài, báo hiệu sự chấm dứt của chế độ quân chủ. Kỳ Đài không chỉ là vị trí trung tâm của thành phố Huế mà còn là một biểu tượng của mảnh đất Cố đô.
|
Cột cờ Thủ Ngữ. (Ảnh: TTXVN)
|
Cột cờ Thủ Ngữ
Cột cờ Thủ Ngữ nằm tại đường Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Cột cờ được người Pháp xây dựng vào tháng 10/1865 với tên gọi lúc đầu là Mât des signaux, có nghĩa là cột tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn-Gia Định.
Đứng bên dòng chảy của lịch sử, cột cờ là nhân chứng cho các sự kiện lịch sử của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những sự kiện nổi bật nhất diễn ra là vào ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng. Tháng 5/2016 cột cờ Thủ Ngữ được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích lịch sử.
|
Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau. (Ảnh: Vietnam+)
|
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được khởi công xây dựng vào ngày 16/01/2016 và khánh thành vào ngày 10/12/2019. Công trình đặt trong khuôn viên Khu du lịch Mũi Cà Mau có tổng diện tích hơn 16.000m2, cao 45m (tính từ chân đế cột cờ đến đỉnh tháp) với kết cấu gồm 3 tầng.
Tầng trệt mang chủ đề “Quá trình hình thành và diễn thế tự nhiên," với diện tích trưng bày khoảng 400m2, trưng bày 83 ảnh, 2 mô hình Làng rừng cùng Hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau và các tiêu bản động vật tiêu biểu tồn tại ở vùng Đất Mũi.
Tầng 1 có diện tích trưng bày khoảng 320m2, là nơi trưng bày hơn 55 ảnh với chủ đề “Đất Mũi Cà Mau trên đường phát triển”.
Tầng 2 có diện tích trưng bày khoảng 152m2, do Bảo tàng thành phố Hà Nội trưng bày các hình ảnh với chủ đề “Cà Mau - Tấm lòng của cả nước"
Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau được xây dựng mô phỏng kiến trúc cột cờ Hà Nội cổ xưa gắn với truyền thống lịch sử của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây chính là món quà do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội dành tặng cho nhân dân tỉnh Cà Mau, thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của thành phố Hà Nội đối với vùng Đất Mũi Cà Mau, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội"./.
Nguồn: vietnamplus.vn