(TTĐN) - Tham quan khu trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, du khách không khỏi ngạc nhiên trước bộ kèn đồng 20 chiếc, gồm các loại kèn Saxophone, Tenor, Coz, Trompét, Connette, những “vật chứng” đặc biệt cho giây phút lịch sử - cử hành Quốc ca trong buổi lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
|
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bộ kèn đồng hiện cùng với bản nhạc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được trưng bày gần nhau
|
Có rất nhiều tư liệu, kỷ vật về ngày Quốc khánh cách đây 78 năm đang được trưng bày tại các bảo tàng lưu giữ những câu chuyện ý nghĩa về ngày Độc lập 2/9/1945. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi lưu giữ những chiếc kèn được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.
78 năm trước, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên là người chỉ huy đội kèn Giải phóng quân tấu bài Tiến quân ca. Quốc thiều nước Việt Nam độc lập lan tỏa đi khắp nơi, báo tin nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời và đến nay bản Quốc ca ấy vẫn trường tồn cùng non sông đất nước Việt Nam.
Ông Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ: Năm 1924, Đội kèn Bảo an binh được thành lập trực thuộc Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Toàn bộ nhạc công đều là người Pháp, số người Việt có thể sử dụng thành thạo nhạc cụ phương Tây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiệm vụ chính của đội kèn là phục vụ các sự kiện của chính quyền thành phố và quân đội Pháp. Theo thời gian, nhiều người Việt Nam học nhạc và được tuyển vào đội kèn, dần thay thế các nhạc công Pháp. Tháng 8/1945, trước cao trào cách mạng ngày càng phát triển, lớn mạnh, anh em nhạc công người Việt trong đội kèn Bảo an binh đồng loạt rời hàng ngũ địch, gia nhập đội quân cách mạng.
|
Bộ kèn đồng - hiện vật đặc biệt tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc
|
Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 20/8/1945, Ban nhạc Giải phóng quân được thành lập với 75 nhạc công do đồng chí Đinh Ngọc Liên làm nhạc trưởng, nòng cốt là các nhạc công của đội kèn Bảo an binh. Ban nhạc có nhiệm vụ luyện tập các ca khúc cách mạng để biểu diễn phục vụ buổi lễ thành lập nước, đặc biệt là được tập luyện và biểu diễn bài hát “Tiến quân ca”.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, giai điệu trầm hùng, hào sảng của các ca khúc: “Diệt phát xít”, “Giải phóng quân”, “Chiến sĩ Việt Nam”... được ban nhạc xướng lên trong niềm tự hào bất tận, khiến không khí buổi lễ thêm rộn ràng, trang trọng. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hàng vạn người đứng im lặng, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trên nền giai điệu bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.
|
Bộ kèn đồng 20 chiếc, gồm các loại kèn Saxophone, Tenor, Coz, Trompét, Connette đã trở thành những “vật chứng” đặc biệt cho giây phút lịch sử
|
Sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Ban nhạc Giải phóng quân tiếp tục phục vụ nhân dân, chiến sĩ ở khắp các mặt trận Khu 3, Khu 4, Việt Bắc... những giai điệu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh.
Ngày 18/3/1959, những chiếc kèn đồng lưu dấu ngày Độc lập -“chứng vật” đặc biệt cho thời khắc lịch sử đã được chính nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên thay mặt cho đoàn Quân nhạc trao tặng Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) lưu giữ, bảo quản.
|
Gần 8 thập kỷ trôi qua, bộ kèn đồng vẫn là hiện vật đặc biệt tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc
|
Gần 8 thập kỷ trôi qua, bộ kèn đồng vẫn là hiện vật đặc biệt tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Hiện bộ kèn đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bảo tàng giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn, trưng bày trong không gian trang trọng gắn với sự kiện Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
|
Các hiện vật được trưng bày trong không gian trang trọng gắn với sự kiện Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9
|
Cùng với bộ kèn đồng lịch sử, bản nhạc bài “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác (ông chép tay lại) cũng được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Năm 1945, trước lễ Tuyên ngôn Độc lập, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với nhạc sĩ Văn Cao sửa hai chữ trong bài “Tiến quân ca” để bản nhạc hoàn hảo hơn. Đó là rút ngắn trường độ nốt rê đầu tiên của chữ “đoàn” và nốt mi ở đoạn giữa trong chữ “xác”, làm cho bản nhạc khỏe khoắn, trầm hùng hơn.
|
Năm 1959, những chiếc kèn đồng lưu dấu ngày Độc lập đã được trao tặng Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) lưu giữ, bảo quản
|
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bộ kèn đồng hiện cùng với bản nhạc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được trưng bày gần nhau giúp cho người dân, du khách dễ hình dung và cảm nhận về không khí hào hùng của ngày Quốc khánh đầu tiên.
|
Mỗi hiện vật, tư liệu về giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 mang trong mình những câu chuyện riêng
|
Mỗi hiện vật, tư liệu về giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 mang trong mình những câu chuyện riêng, được trưng bày trang trọng tại nhiều bảo tàng, như nhắc nhở những người trẻ về một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Gần 8 thập kỷ đã qua đi, những di sản ký ức này không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là thông điệp của thế hệ trước gửi lại cho muôn đời sau.
Như lời Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ, trong suốt chặng đường lịch sử từ ngày Quốc khánh đầu tiên đến nay, những âm thanh hùng tráng của quân nhạc Việt Nam vang lên như tiếng gọi non sông, cổ vũ, thôi thúc những trái tim yêu nước Việt Nam kết thành một khối, vượt qua mọi khó khăn, vững bước tiến lên chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
L. Sơn
Nguồn: baotintuc.vn