Việt Nam luôn là một thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ
Ông Edgar Doerig, Đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Ông Edgar Doerig, Đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Nhân dịp này, Trưởng đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Edgar Doerig đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về sự kiện quan trọng này và những đóng góp của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ.

Xin ông cho biết những nhận xét của mình về chủ đề của Hội nghị lần này: "Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp"?

Chủ đề của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 2024, tổ chức tại Villers-Cotterêts và Paris (Cộng hòa Pháp) rất phù hợp với định hướng chung của Cộng đồng Pháp ngữ năng động, với rất nhiều cơ hội, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và tăng cường cơ hội việc làm cho thanh niên thông qua việc khởi nghiệp.

Hội nghị lần thứ 19 của lãnh đạo các nước nói tiếng Pháp tập trung vào các vấn đề quyết định tới tương lai của các bạn trẻ trong cộng đồng Pháp ngữ. Chúng ta cần cùng nhau tìm ra các giải pháp trong bối cảnh dân số của cộng đồng Pháp ngữ tăng từ 321 triệu người lên 715 triệu người từ nay tới năm 2050. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới việc dạy và học tiếng Pháp và học bằng tiếng Pháp.

Ngoài ra, trong khi một số nơi trên thế giới đang có nguy cơ chia rẽ, cộng đồng Pháp ngữ vẫn là một khối đối thoại đặc biệt, có mặt tại cả năm châu lục, cùng chia sẻ một ngôn ngữ và nhiều lợi ích chung. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo, lãnh đạo các nước, OIF ngày càng lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng ngày càng tăng.

Mặt khác, các quốc gia nói tiếng Pháp tăng cường giao thương với nhau, mở rộng quan hệ đối ngoại. Một trong những định hướng ưu tiên của Chiến lược kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2020-2025 là thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư trong cộng đồng Pháp ngữ thông qua các cơ hội việc làm bền vững dành cho thanh niên và phụ nữ, mang lại các nguồn thu cho các nước.

Theo các thống kê của Cơ quan quan sát kinh tế Pháp ngữ (OFE), tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 3 trong kinh doanh, và khu vực Pháp ngữ chiếm 14% trữ lượng toàn thế giới về năng lượng và khai thác mỏ, 17% tổng sản phẩm quốc nội và 20% thị trường thương mại thế giới, tạo ra vô số các cơ hội qua việc khuyến khích sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp.

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ chính là cơ hội để các quốc gia và chính phủ thành viên kết nối với các đối tác mới, đồng thời là diễn đàn để trao đổi về các chủ đề mang tính quyết định tới người dân, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ. Theo đó, tại diễn đàn lần này, đi cùng với các phái đoàn tham dự còn có các bạn trẻ đến từ 88 quốc gia và chính phủ thành viên của OIF tham gia đối thoại và trao đổi tại hội nghị, để cùng tìm ra các giải pháp trong tương lai cho cộng đồng Pháp ngữ.

Theo ông, các quốc gia Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương cần làm gì để thực hiện chủ đề "Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp" một cách hiệu quả nhất ? Và những triển vọng phát triển sau hội nghị là gì?

Tại châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia và chính phủ thành viên của OIF đều tham gia rất tích cực vào việc phát triển tiếng Pháp và những giá trị Pháp ngữ. Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn và đa dạng với bốn thành viên chính thức gồm Campuchia, Lào, Vanuatu, Việt Nam, một thành viên liên kết là Nouvelle-Calédonie và hai quan sát viên là Hàn Quốc và Thái Lan. Đây là một khu vực trẻ nhưng có kết nối rất tốt, và đặc biệt là có sức sáng tạo, đổi mới vô cùng mạnh mẽ.

Các quốc gia thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về văn hóa, giáo dục, quản trị chất lượng cao trong cộng đồng Pháp ngữ, đầu tư nhiều hơn nữa vào việc phát triển kinh tế bao trùm và bền vững để hỗ trợ các bạn trẻ và phụ nữ. Diễn đàn thanh niên Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-13/9 vừa qua là một ví dụ tiêu biểu. Với chủ đề "Việc làm, sáng tạo và đổi mới là trọng tâm của Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương", diễn đàn này là cơ hội để các bạn trẻ nói tiếng Pháp trong khu vực gặp gỡ, đưa ra các giải pháp cho các vấn đề các bạn đang gặp phải, và để nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong cộng đồng Pháp ngữ.

Các quốc gia nói tiếng Pháp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác cũng như nắm bắt tốt hơn các cơ hội về kinh tế và thương mại trong cộng đồng Pháp ngữ, thông qua hợp tác giữa các quốc gia và tổ chức phía Nam bán cầu (hợp tác Nam-Nam), hợp tác Nam-Bắc và hợp tác ba bên. Các diễn đàn hợp tác kinh tế và thương mại Pháp ngữ (MECA) được tổ chức vào tháng 3 năm 2022 tại Việt Nam và Campuchia là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại các quốc gia Pháp ngữ gặp gỡ để phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tương lai như năng lượng bền vững, công-nông nghiệp và số hóa.

Ông có thể cho biết về các hoạt động và các dự án của Cơ quan đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhằm phát triển hoạt động Pháp ngữ tại khu vực?

2024 là năm quan trọng với chúng tôi, không chỉ bởi đây là năm tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ mà còn là dấu mốc 30 năm thành lập Cơ quan đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (REPAP).

Chương trình hoạt động mới cho giai đoạn 2024-2027 xoay quanh ba chiến lược chính và 20 dự án có tầm ảnh hưởng, một số đó có nhiều dự án liên quan trực tiếp tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ đầu năm nay, rất nhiều các hoạt động được triển khai và chúng tôi rất hài lòng về kết quả đạt được.

Thông qua các hoạt động của Trung tâm Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CREFAP) tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ việc dạy và học tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp nhằm nâng cao khả năng ngôn ngữ và chuyên môn cho giáo viên tiếng Pháp, soạn thảo các giáo trình tiếng Pháp LV1 (langue vivante 1 - tiếng Pháp được lựa chọn là tiếng nước ngoài số 1 trong việc giảng dạy ở trường học) dành cho học sinh lớp 6 và lớp 9.

Ngoài ra, 10.600 bạn trẻ biết tiếng Pháp đã được tham gia vào các hoạt động văn hóa và thể thao do CREFAP tổ chức, góp phần không nhỏ vào sự năng động của môi trường Pháp ngữ.

Để khuyến khích việc dạy và học tiếng Pháp, CREFAP đã tài trợ cho 10 bạn trẻ Việt Nam tham gia cuộc thi sáng tạo các trò chơi điện tử hỗ trợ việc học tiếng Pháp (Hackathon Tôi nói tiếng Pháp) diễn ra tại thành phố Bucarest (Rumani) từ ngày 6 và 8 tháng 9 năm 2024. Tại cuộc thi này, Việt Nam đã giành giải nhất và giải thưởng của Ban Giám khảo. Xin chúc mừng!

Trong khuôn khổ dự án "Phát triển du lịch bền vững" của OIF mà Cơ quan đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đóng vai trò điều phối, đã có 10 khóa đào tạo được tổ chức. Thêm vào đó là một diễn đàn và một hội thảo về việc làm trong ngành du lịch được tổ chức tại 3 thành phố lớn ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh), với sự phối hợp của Đại học Hà Nội.

Việt Nam và Campuchia sẽ tham gia vào giai đoạn đầu của dự án mang tên "Destination EcoTalents" thực hiện thí điểm trong hai năm. Cả hai quốc gia cũng là đối tượng nhận được sự hỗ trợ của OIF qua Quỹ "La Francophonie avec Elles" (Pháp ngữ với Phụ nữ), với 8 dự án, trong đó 5 dự án triển khai tại Việt Nam và 3 dự án tại Campuchia, với mục tiêu tăng cường khả năng tự chủ kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái yếu thế.

Trong lĩnh vực văn hóa, hai sự kiện điện ảnh là Liên hoan phim điện ảnh và truyền hình châu Phi của Ouagadougou tại Hà Nội và Liên hoan phim Pháp ngữ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã trở thành những sự kiện thường niên giới thiệu văn hóa Pháp ngữ và quảng bá những tài năng điện ảnh Pháp ngữ chưa được biết tới rộng rãi tại Việt Nam.

Cuối cùng, tôi dành sự quan tâm tới cuộc thi "Phóng viên trẻ Pháp ngữ 2024" do báo Le Courrier du Vietnam (TTXVN) và OIF tổ chức, với sự phối hợp của các đối tác Pháp ngữ. Chủ đề của cuộc thi năm nay trùng với chủ đề của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ "Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp".

Xin ông chia sẻ rõ hơn về những đóng góp và dấu ấn của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ những năm gần đây?

Việt Nam vẫn luôn là một thành viên tích cực của cộng đồng Pháp ngữ với những cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương, các mục tiêu phát triển bền vững (ODD), chống biến đổi khí hậu và những hoạt động thiết thực đóng góp cho cộng đồng Pháp ngữ.

Tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn thanh niên Pháp ngữ châu Á-Thái Bình Dương 2024 với chủ đề "Việc làm, sáng tạo và đổi mới, trọng tâm của Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương". Tham gia diễn đàn có hàng chục đại biểu tới từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của OIF: Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Mông Cổ, Thái Lan, Vanuatu, Việt Nam, Nouvelle-Calédonie, Polynésie và vùng Wallis-et-Futuna (Cộng hòa Pháp).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ có diễn văn tại lễ khai mạc sự kiện FrancoTech, diễn đàn kinh tế và triển lãm đổi mới Pháp ngữ, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam như FPT, Vinfast và Vietnam Airlines. Bên lề sự kiện, Việt Nam sẽ tổ chức một không gian giới thiệu văn hóa Việt tại Làng Pháp ngữ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất