(TTĐN) - Báo cáo thường niên về Chỉ số Quyền lực châu Á 2024 do Viện nghiên cứu Lowy của Australia mới công bố cho thấy, Việt Nam đứng thứ 12 trong tổng số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.
|
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rực rỡ cờ, băng rôn chào mừng Quốc khánh 2/9. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
|
Theo đó, sức mạnh tổng thể của Việt Nam đã tăng 1,2% so với năm 2023, tạo ảnh hưởng trong khu vực nhiều hơn so với dự kiến.
Thước đo chỉ số quyền lực này dựa trên 8 tiêu chí: năng lực kinh tế, năng lực quân sự, khả năng phục hồi, nguồn lực tương lai, quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa. Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy, trưởng dự án Chỉ số Quyền lực châu Á, Susannah Patton cho biết bảng xếp hạng này nhằm so sánh sức mạnh toàn diện của các quốc gia dựa trên một loạt yếu tố như mức độ tự cường và sự ảnh hưởng, cách thức sử dụng sức mạnh, tài nguyên... Nằm trong nhóm quốc gia hạng trung, sự cải thiện lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 là sức ảnh hưởng về ngoại giao và văn hóa.
So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Bà Patton cho rằng Việt Nam đạt kết quả tốt nhất về ảnh hưởng ngoại giao vì là một trong những nước hoạt động ngoại giao tích cực nhất ở khu vực trong năm qua: Theo bà: “Điều này phản ánh chiến lược ngoại giao với nhiều đối tác của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực đón cả hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc”.
Tính đến cuối tháng 8, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới.
Ngoài lĩnh vực ngoại giao, bà Susannah Patton cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã cải thiện điểm số về quan hệ kinh tế, đang trở thành quốc gia có nền kinh tế kết nối, có thể liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo bà Susannah Patton, so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam có mức độ tham gia kinh tế với Mỹ và Trung Quốc cân bằng hơn.
Mỹ và Trung Quốc hiện là hai nước dẫn đầu bảng xếp hạng lần lượt với 81,7 điểm và 72,7 điểm. Trong khi đó, do tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài, Nhật Bản đã trượt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng, xếp sau Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản để mất vị trí này, kể từ khi viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia bắt đầu công bố đánh giá hằng năm vào năm 2018. Lợi thế công nghệ giảm mạnh trước sự cạnh tranh của Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là nguyên nhân khiến đầu đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này của Nhật Bản đi xuống và kéo theo năng suất lao động giảm sút.
Trong khi đó, Ấn Độ vươn lên vị trí thứ 3 nhờ tài nguyên tương lai từ dân số trẻ. Việc lực lượng lao động tăng nhanh hơn dân số nói chung sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng kinh tế của nước này trong những thập kỷ tới.
Thúc Anh
Nguồn: baotintuc.vn