Tự hào sứ mệnh Ngoại giao Việt Nam (Kỳ I): Thêm bạn bớt thù, nhân văn và hòa hiếu
Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Đại sứ Ngô Quang Xuân trong tọa đàm tại trường quay của Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn)

Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Đại sứ Ngô Quang Xuân trong tọa đàm tại trường quay của Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn)

Cẩm nang gối đầu giường

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho rằng tất cả các cán bộ ngoại giao của Việt Nam đều có thể “nằm lòng” phương châm ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy, những câu chuyện ngoại giao phần nhiều xoay quanh lời dạy của Bác: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có nghĩa là kiên trì trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược.

Người cũng dạy cán bộ ngoại giao phải vận dụng ngũ tri: Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Với hơn 40 năm trong ngành Ngoại giao, những phương châm đối ngoại cốt lõi đó luôn là “cẩm nang gối đầu giường” với Đại sứ Nguyễn Phú Bình, giúp ông định hướng đường đi trong các nhiệm vụ cụ thể.

Một phương châm ngoại giao khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đại sứ Nguyễn Phú Bình vận dụng nhiều và hết sức tâm đắc đó là “thêm bạn bớt thù”. Đây chính là truyền thống hòa hiếu, khoan dung của dân tộc Việt Nam và có thể vận dụng trong nội bộ cũng như đối ngoại.

Thực tiễn mà Đại sứ Nguyễn Phú Bình đưa ra là công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài – lĩnh vực Đại sứ có nhiều gắn bó. Theo ông, sau khi chiến tranh kết thúc, Nam Bắc thống nhất, một trong những vấn đề cấp thiết nhất đối với đất nước ta là khôi phục tinh thần Đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ chia rẽ, hận thù, mặc cảm nhằm chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho rằng truyền thống hoà hiếu, khoan dung, nhân ái của dân tộc Việt Nam đã góp phần làm nên bản sắc đặc biệt của ngoại giao Việt Nam! “Chúng ta thực hiện tinh thần Đại đoàn kết dân tộc đối với những người từng ở bên kia chiến tuyến, miễn là họ ủng hộ hoà hợp dân tộc, chung tay xây dựng đất nước. Nhiều nhân vật từng trong hàng ngũ đối phương, bỏ nước ra đi vào cuối cuộc chiến, nay trở về thăm đất nước cảm kích trước chính sách hoà hiếu, không phân biệt đối xử của Đảng và Nhà nước! Chính sách đó xuất phát từ tư tưởng hoà hợp dân tộc của Bác Hồ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra hình ảnh đơn giản nhưng cũng rất sinh động và thuyết phục: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng, ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người có người thế này thế khác nhưng đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Đối với các nước đã từng thù địch với nước ta trong quá khứ, cũng theo truyền thống hoà hiếu, khoan dung, chúng ta thực hiện chính sách “thêm bạn, bớt thù, muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, câu chuyện quan hệ Việt - Mỹ là minh chứng cho phương châm này rất rõ nét. Nếu không buông bỏ hận thù chiến tranh thì quan hệ hai nước vẫn trượt dài và không thể có tương lai như ngày nay. Khi công tác nhiệm kỳ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Phú Bình được sở tại quan tâm về cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề quá khứ, những gì Việt Nam thể hiện và hành động cho thấy rõ truyền thống ngoại giao hòa hiếu và nhân văn.

“Như vậy, phương châm ‘thêm bạn bớt thù’ và truyền thống hòa hiếu, khoan dung của dân tộc Việt Nam được Đảng ta vận dụng là nền tảng cho các nhà ngoại giao của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta đều nắm bắt được tinh thần chung, nhưng với đối tượng, đối tác cụ thể, câu chuyện ngoại giao cụ thể thì lại có cách vận dụng riêng”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh.

Đam mê bỏng cháy và ý chí hiến dâng

Hai mươi cái Tết xa nhà, xa quê hương cũng là 20 năm Đại sứ Ngô Quang Xuân “mang chuông đi đánh xứ người”, luôn phải căng mình giải đáp những câu hỏi lớn của chính mình, của ngoại giao đất nước như bài toán “phá vây” tại Liên hợp quốc (LHQ) hay tìm đường vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) giữa mênh mông trắc trở. Với Đại sứ Ngô Quang Xuân, chính niềm đam mê nghề cháy bỏng cùng ý chí hiến dâng cho sự nghiệp chung là động lực thôi thúc ông vượt qua những gian khó, hoàn thành không ít những nhiệm vụ gian nan.

“Trải qua điểm nối của hai thế kỷ, chứng kiến nhiều sự kiện trong nước và thế giới, chúng tôi có cơ hội đóng góp vào nhiều dấu ấn ngoại giao mang tính lịch sử. Đam mê và hiến dâng rất quan trọng với một cán bộ ngoại giao với nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Chính điều đó giúp cho chúng tôi có thêm bản lĩnh, góp phần nâng cao trí tuệ và hiểu biết. Làm ngoại giao là để bảo vệ màu cờ, sắc áo của con người và đất nước Việt Nam. Chúng tôi tự hào, sẵn lòng làm mọi việc để đóng góp vào sứ mệnh của Ngành, củng cố và phát triển thêm nền ngoại giao Hồ Chí Minh”, Đại sứ Ngô Quang Xuân chia sẻ.

Nhất trí với nhận định của Đại sứ Nguyễn Phú Bình, theo Đại sứ Ngô Quang Xuân, mỗi nhà ngoại giao ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử cần thấu hiểu hơn ai hết những triết lý trong ngoại giao hòa hiếu, ngoại giao tâm công, ngoại giao hữu nghị, đoàn kết với tất cả dân tộc trên thế giới. Nắm vững tất cả những điều đó, ngoại giao Việt Nam vượt qua mọi khó khăn và tiếp tục chạm tới nhiều thành công lớn lao hơn nữa.

Trong thời gian bảy năm là Trưởng Phái đoàn Việt Nam ở LHQ, Đại sứ Ngô Quang Xuân có nhiều dịp tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ và người dân Mỹ trong đó có những người còn nhiều hiềm khích, bất đồng thậm chí chưa hiểu Việt Nam. Đại sứ thuyết phục, cảm hóa họ bằng những câu chuyện, hình ảnh rất chân thực và gần gũi.

Đại sứ nói: “Tôi kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình với họ. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất miền Trung nắng gió, là ‘rốn bom’ suốt nhiều năm, bom rơi như vỏ trấu bay trên bầu trời. Nhiều lần khi cắp sách ra khỏi nhà, tôi nhìn lại ngôi nhà, nhìn lại mẹ tôi và nghĩ rằng có thể khi đi học về là chẳng còn gì nữa, có thể mất nhà và mất cả mẹ. Mẹ tôi cũng vậy, bà nhìn tôi âu yếm và nói rằng biết đâu trường học bị trúng bom và con sẽ không về nữa! Nỗi lo sợ đến bình thản đó xuất hiện hàng ngày trong suy nghĩ của chúng tôi”. Câu chuyện của Đại sứ Ngô Quang Xuân khiến những người ấy rất ngạc nhiên, giúp họ hiểu được một bức tranh toàn diện về những nỗi đau của chiến tranh, về sự cởi mở, sẵn lòng gạt đi những đau thương của chiến tranh để bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Đại sứ Ngô Quang Xuân cũng nhớ lại thông điệp hòa hiếu, hòa bình của đất nước và con người Việt Nam, của nền ngoại giao Hồ Chí Minh được Chủ tịch nước Lê Đức Anh truyền tải trong chuyến thăm quan trọng tới Mỹ vào tháng 10/1995.

Tại một cuộc gặp gỡ với đông đảo Việt kiều và bạn bè Mỹ nhân chuyến thăm, mọi người trong khán phòng thể hiện sự kính phục khi nghe Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói chuyện, dặn dò. Câu nói của Chủ tịch nước khi ấy, như một lời nhắn nhủ và khẳng định với nhân dân Mỹ và với cả nhân dân trên toàn thế giới: “Một dân tộc văn minh là dân tộc không bao giờ sống với hận thù. Dân tộc Việt Nam đang làm như vậy!”.

Theo Đại sứ Ngô Quang Xuân, đó là phương châm quan trọng mà các nhà ngoại giao cần nhớ, thẩm thấu từ tư duy đến hành động. Đại sứ Ngô Quang Xuân cho rằng muốn trở thành một nhà ngoại giao giỏi, chuyên nghiệp thì các phương châm quan trọng cần phải ngấm vào máu, trôi chảy như mạch máu trong cơ thể, thể hiện ra bằng lời nói cũng như hành động, chinh phục bạn bè, đối tác và cả đối tượng.

Cả hai nhà ngoại giao kỳ cựu, Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Đại sứ Ngô Quang Xuân đều cảm nhận được ở những thế hệ ngoại giao tiếp nối một ngọn lửa đam mê cháy bỏng với nghề. Có được điều đó cùng với vị thế và uy tín ngày càng đi lên của đất nước, ngoại giao Việt Nam chắc chắn sẽ từng ngày “bay cao hơn, xa hơn” trên bầu trời khu vực và toàn cầu.

Kỳ II: Chuyện xưa khó, nay có dễ?

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất