Thư chung 2023 của Giáo hoàng Francis khẳng định vị thế và thành quả của Việt Nam

Hội thảo do Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tổ chức ngày 23/7 với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Giám mục Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều nhà khoa học, chức sắc, tu sỹ.

Minh chứng cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển

TS Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

TS Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Trong phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thời gian qua đồng bào Công giáo cả nước đón nhận niềm vui lớn lao khi quan hệ Việt Nam - Vatican nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện Thường trú, Tòa thánh mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam, Lãnh đạo Nhà nước đã gửi Thư mời Đức Giáo hoàng Francis sang thăm Việt Nam. Đây là minh chứng cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới; thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo; quan tâm, tạo điều kiện cho các nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo.

“Trong tương quan đó, phải kể đến việc Giáo hoàng Francis gửi Thư cho Cộng đồng Công giáo Việt Nam vào tháng 9/2023, đây là thông điệp quan trọng không chỉ với Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đặc biệt tạo thêm cơ sở thuận lợi để chức sắc, tu sỹ, giáo dân Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, cùng góp phần xây dựng và phát triển đất nước”, ông Nguyễn Tiến Trọng khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ ý tưởng để giúp cho người Công giáo Việt Nam sống đạo tốt hơn, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội và Giáo hội theo đường hướng mà Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã viết, đó là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; giới thiệu về tinh thần yêu thương bác ái của Công giáo, cũng như những chỉ dẫn tốt đẹp của Giáo hoàng đối với Công giáo Việt Nam…

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ nhận định, thấy được những đóng góp quan trọng về mọi mặt của Công giáo đối với đất nước, từ mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội theo tinh thần Thư chung năm 1980, từ những kết quả đạt được trong quan hệ Vatican và Việt Nam, đặt trong viễn cảnh mới, Giáo hoàng ghi nhận giới Công giáo Việt Nam "... đồng hành với sự phát triển của xã hội và đóng góp vào sự phát triển ấy với tư cách là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin’.

Ông Nguyễn Thanh Xuân cũng nhắc lại, vì nhiều lý do, có thời kỳ ở một số nơi, trong một số cán bộ nhận thức và ứng xử với tôn giáo nói chung, nhất là đối với Công giáo, chưa đúng như chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhưng giờ đây chúng ta đã vượt qua và có mối quan hệ tốt đẹp. Những giá trị của Thư chung năm 1980, những đóng góp của giới Công giáo đối với đất nước theo đường hướng “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, những chuyển biến trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội, bước tiến trong quan hệ giữa Vatican với Việt Nam và tác động tích cực của giáo triều, nhất là Giáo hoàng Vatican đối với đời sống của tôn giáo và xã hội của người Công giáo Việt Nam cần được ghi nhận, khẳng định, nâng đỡ và phát huy.

Từ phía Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Đỗ Mạnh Hùng - Tổng Thư ký cho biết, Giáo hoàng Francis đã khuyến khích các tín hữu Công giáo thực hiện giới răn bác ái yêu thương với những công việc yêu thương cụ thể; trong tương quan yêu thương đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ và trong tương quan đối thoại, tôn trọng với chính quyền.

“Ý tưởng cuối cùng mà Đức Giáo hoàng Francis đề cập đến trong Thư là hy vọng rằng việc thực hiện các chỉ dẫn này sẽ giúp phát triển đất nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Việc này được coi là một bước quan trọng trong việc đẩy mạnh hòa bình và phát triển trong khu vực”, Giám mục Đỗ Mạnh Hùng nói.

Chia sẻ Thư của Đức Giáo hoàng gửi cho Cộng đồng Công giáo Việt Nam nhân dịp Giáo hội chính thức có vị Đại diện của Tòa thánh thường trú tại Việt Nam là một tin vui rất lớn, Nữ tu Nguyễn Thị Hồng, Dòng Thánh Phao lô Thành Chartes, Tỉnh dòng Hà Nội cho biết, đó là một bước ngoặt mới, một sự khởi đầu mới. Nhà nước và Giáo hội đã có những cố gắng xích lại gần nhau, có được thỏa thuận công nhận sự hiện diện thường trú của vị Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam.

Bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam - Vatican

TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định, Công giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đang cùng các tôn giáo bạn và cộng đồng không tôn giáo xây dựng, phát triển đất nước. Đây là cộng đồng được Đảng, Nhà nước quan tâm cả về đời sống kinh tế, xã hội và đảm bảo quyền tự do tôn giáo.

Quan hệ giữa Nhà nước và Vatican luôn được củng cố và đang trên đà phát triển tốt đẹp. Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cùng toàn dân tộc xây dựng đất nước, xây dựng giáo hội trong lòng dân tộc.

Thư chung của Giáo hoàng Francis là một dấu mốc lịch sử quan trọng, mang thông điệp, ý nghĩa to lớn đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, động viên chức sắc, tu sỹ, giáo dân Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Quan điểm chủ trương của Thư chung năm 2023 đã chính thức xóa bỏ, vô hiệu hóa và chấm dứt hoàn toàn thái độ xung đột ý thức hệ trong lịch sử đã diễn ra. Đây là sự thừa nhận của đôi bên, Đảng Cộng sản Việt Nam công nhận Tòa thánh Vatican là bạn bè, đối tác và ngược lại Vatican công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đối tác hợp tác, không phải mối đe dọa đối với Công giáo và Nhà nước Vatican”, theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng.

Điều này cho thấy một bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam - Vatican sau gần một thế kỷ “đóng băng” do những xung đột về ý thức hệ. Đó chính là thành tựu to lớn, xứng đáng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam.

Hội thảo Thư của Giáo hoàng Francis gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Hội thảo Thư của Giáo hoàng Francis gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Giáo hoàng thừa nhận và khẳng định vị thế đất nước cũng như thành quả mà Việt Nam đã đạt được. Khi Giáo hoàng đã trân trọng hai lần sử dụng cụm từ Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho thấy Tòa thánh khẳng định thể chế “chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều đó có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi nhận thức của người Công giáo về xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mà toàn dân tộc Việt Nam đã và đang cố gắng để phấn đấu thực hiện, nỗ lực hơn để xóa bỏ những hệ lụy lịch sử để lại.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, trong Thư, Giáo hoàng ghi nhận mối quan hệ giữa Vatican và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tin tưởng tương quan hai bên sẽ tốt đẹp, dù có những khác biệt nhưng sẽ tìm được hướng đi chung vì lợi ích của dân tộc Việt Nam và Tòa thánh Vatican.

“Điều này có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn dẹp bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu trong và ngoài Giáo hội lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước; thậm chí Giáo hội có thể sẽ can thiệp để các thành phần chống đối không thể xuyên tạc về Đảng Cộng sản Việt Nam như trước nữa”, ông nói./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất