|
Không gian xanh trong một khu công nghiệp ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương). (Ảnh: Hồng Đạt)
|
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhằm chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang kinh tế xanh; trong đó, việc phân loại, thu gom, tái chế bao bì là một trong những giải pháp vừa giúp tái tạo sản phẩm vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Đây là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/10.
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Nestle Vietnam cho biết kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế; trong đó, đặt mục tiêu kéo dài tuổi thọ vật chất và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường.
Kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược, nhất là khi nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới đã cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Theo tính toán của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng, cuối cùng là loại bỏ thì nhu cầu về sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay và vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất. Lượng chất thải cũng sẽ vượt giới hạn chịu tải của môi trường.
Thực tế đó dẫn đến yêu cầu rất cấp bách là phải tìm ra một mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, giảm suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trên thế giới, nhiều thoả thuận, cơ chế về môi trường, chống biến đổi khí hậu được ban hành; các hiệp định thương mại tự do cũng quy định chi tiết về hàm lượng phát thải khí nhà kính nhằm xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Đây là tiền đề thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn ở quy mô toàn cầu. Trong thời gian dài, Việt Nam đi theo mô hình kinh tế tuyến tính dựa trên khai thác, sản xuất, sử dụng và sau đó loại bỏ.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế này không còn nhiều dư địa tài nguyên để phát triển, các thị trường, đối tác thương mại, đầu tư cũng yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững hơn.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam từng bước đưa ra chính sách nhằm thúc đẩy về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Có thể kể đến như quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có thêm hai trách nhiệm gồm tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Trong số đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo lộ trình; nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền lựa chọn một trong hai phương án: tổ chức tái chế, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Sau gần một năm thực thi, cơ chế EPR đã tạo ra những tác động tích cực nhất định. Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân thông tin, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy và tổ chức thu gom, tái chế chai nhựa nhiều năm nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm không đơn giản.
Với chi phí sản xuất cao hơn sản phẩm nhựa nguyên sinh từ 20-25%, chai nhựa tái chế của Duy Tân chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên từ khi cơ chế EPR có hiệu lực, nhu cầu chai nhựa tái chế của các doanh nghiệp trong nước đã tăng lên rất nhiều, công suất nhà máy nhựa tái chế đã tăng lên gấp 4 lần và tỷ lệ tiêu thụ nội địa hiện chiếm 50% sản lượng.
“Hoạt động tái chế chai nhựa, bao bì tại Việt Nam đã có từ 40-50 năm trước nhưng chủ yếu dưới hình thức thô sơ. Hiện nay, với việc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, công nghệ hiện đại, ngành công nghiệp tái chế dần hình thành. Sản phẩm tái chế hiện nay có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn bao bì dùng cho thực phẩm và mỹ phẩm, do đó dư địa tăng trưởng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Lê Anh nhận định.
|
Những chai nhựa được bố trí, tận dụng làm hệ thống trần chiếu sáng đẹp mắt. (Ảnh: Hoàng Hiếu)
|
Tuy nhiên, theo ông Lê Anh, hoạt động thu gom, tái chế tại Việt Nam gặp không ít thách thức do rác thải chưa được phân loại tốt tại nguồn. Khi thu gom 100 tấn chai nhựa, nhà máy có cùng công nghệ ở Việt Nam chỉ có thể tái chế được 60-65%, trong khi tỷ lệ này ở các nước châu Âu có thể đạt trên 80%.
Tỷ lệ tái chế thấp khiến giá thành sản phẩm tái chế cao, khó tiếp cận khách hàng hơn.
Bà Karin Greve, Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cho rằng việc Việt Nam thực thi cơ chế EPR là một bước tiến tích cực, giúp thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế bao bì, rác thải.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của cơ chế EPR cần ưu tiên việc nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho người dân cách thức phân loại rác thải đúng cách tại nguồn. Có thể xây dựng quy trình phân loại rác cơ bản thành các nhóm thực phẩm, thuỷ tinh, nhựa, kim loại để người dân dễ thực hiện.
“Đối với hoạt động thu gom, tái chế, cần xây dựng mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị để phối hợp vận hành một cách nhịp nhàng. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam vẫn còn mới, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Về lâu dài, Việt Nam cần có lộ trình để nâng cao tỷ lệ tái chế bao bì, rác thải áp dụng cho doanh nghiệp với mục tiêu tái chế càng nhiều càng tốt; đồng thời thúc đẩy việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tái chế để tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu phần thải ra môi trường”, bà Karin Greve khuyến nghị./.
Xuân Anh
Nguồn: vietnamplus.vn