Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá, nguồn sức mạnh to lớn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào diễn ra ngay sau khi đồng chí Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với hai Đảng, hai nước, diễn ra trong bối cảnh hai Đảng, hai nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, chuẩn bị tốt Đại hội các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, dự kiến trong chuyến thăm, lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ thông tin cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi về tình hình quốc tế; đánh giá kết quả đạt được trong hợp tác thời gian vừa qua, đặc biệt, đề ra phương hướng để nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Qua chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định sự coi trọng đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Lào; khẳng định nhận thức chung về truyền thống lịch sử đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau là một tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và cũng là nguồn sức mạnh to lớn của hai nước.

“Trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam và Lào, thành công rất quan trọng là quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy tiếp tục được phát triển mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện rất rõ qua những chuyến thăm và trao đổi cấp cao diễn ra dưới các hình thức linh hoạt, trao đổi những vấn đề có tính chất chiến lược, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và phối hợp làm tốt hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng ở mỗi nước cũng như phối hợp các vấn đề quốc tế”, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi nước. Hai bên triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định, kế hoạch, chương trình hợp tác song phương...

Quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy tiếp tục được tăng cường, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hai nước. Hai bên luôn khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, cần được giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Hai bên đã phát huy những cơ chế hợp tác sẵn có, đồng thời rà soát, điều chỉnh các cơ chế hợp tác và triển khai những có chế hợp tác mới; tập trung trao đổi về hợp tác trong các vấn đề chiến lược, chủ trương, chính sách liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước; thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Hai bên đã tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước; ký nhiều văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng giữa hai Đảng, hai nước. Trong các chuyến thăm, làm việc, hai bên đã trao đổi thực chất, thẳng thắn, định hướng trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, vững chắc và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lãnh đạo chủ chốt của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp tham dự các diễn đàn đa phương.

Các ban của Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã tích cực triển khai các Thỏa thuận cấp cao, Hiệp định giữa hai Chính phủ; các nội dung đã thỏa thuận tại Kỳ họp lần thức 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác Việt Nam - Lào; các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương.

Hai bên phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ các cấp của Lào về lý luận cao cấp chính trị, giảng viên các trường chính trị, công tác quản lý hành chính; phối hợp với Campuchia tổ chức Chương trình bồi dưỡng cán bộ trẻ các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào tại Campuchia.

Hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi lý luận, thông tin tình hình, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, quốc phòng, an ninh được giữ vững, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và những thành tựu nổi bật của mỗi nước; phối hợp triển khai xây dựng và tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ Việt Nam - Lào ở mỗi nước.

Nhân dịp các ngày lễ lớn, sự kiện đặc biệt, Tết cổ truyền của mỗi nước, lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các ban, bộ, ngành đã gửi thư, điện chúc mừng lẫn nhau. Hai bên phối hợp tặng thưởng huân chương, huy chương cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Hợp tác quốc phòng - an ninh và đối ngoại tiếp tục được duy trì, là một trong những trụ cột quan trọng và quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường trong quan hệ Việt - Lào. Hai bên phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước, phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư về hợp tác giai đoạn 2020 - 2024 và Kế hoạch hợp tác năm 2024 về quốc phòng và an ninh.

Hai bên tiếp tục bảo đảm an ninh, duy trì biên giới hòa bình, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm về ma túy; thúc đẩy hợp tác trong công tác phòng thủ, tác chiến, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng lực lượng vũ trang, đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Lào hy sinh trong thời kỳ chiến tranh.

Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Lào về vật chất, trang thiết bị cũng như kinh nghiệm để Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA trong năm 2024.

Hai bên triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tham vấn thường niên cấp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, CLV, CLMV, ACMECS và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật đã có những chuyển biến tích cực. Hai bên tích cực triển khai Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025; các Hiệp định giữa hai Chính phủ và Thỏa thuận hợp tác tại Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tìm hướng đi mới thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế. Hai bên đã phối hợp trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý điều hành kinh tế vĩ mô.

Về đầu tư, Việt Nam có 256 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm sữa…

Trong 7 tháng năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào của Việt Nam là 36,7 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hai bên đã hoàn thành và bàn giao cho Lào 4 dự án đưa vào khai thác và sử dụng gồm: Nâng cấp Đài phát thanh Quốc gia Lào; nâng cấp Đài phát thanh tỉnh Xaysomboun; trường Trung học phổ thông tại tỉnh Houaphan; xây dựng 4 hệ thống thủy lợi quy mô nhỏ tại 2 huyện thuộc tỉnh Xaysomboun.

Về thương mại, hai bên đã đàm phán, ký kết nhiều văn kiện góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại; chủ động tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho thương mại song phương phát triển bền vững. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2023 đạt 1,6 tỷ USD. Bảy tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ước 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,3 tỷ USD.

Hai bên tiếp tục tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm. Hai bên tiếp tục tích cực triển khai Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước.

Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Năm 2024, Việt Nam dành cho Lào 1.120 học bổng và Lào cấp 60 học bổng dành cho Việt Nam. Năm 2022 - 2023 có 14.050 lưu học sinh Lào đang học tập tại hơn 170 cơ sở giáo dục của Việt Nam. Công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân của Lào tại Việt Nam, nhất là các tỉnh có chung biên giới và phối hợp khám chữa bệnh từ xa tiếp tục được quan tâm triển khai và tiến hành tốt; giúp Lào đào tạo cán bộ y tế, cung cấp thuốc cai nghiện ma túy.

Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, Ủy ban của Quốc hội, đoàn thể, các địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng, hiệu quả và thiết thực. Hai bên đã trao đổi các đoàn, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là địa phương có chung biên giới tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xóa nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Hoạt động đối ngoại nhân dân được hai nước quan tâm thường xuyên; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần đưa mối quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith là một trong những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, mang lại sự phồn vinh cho nhân dân mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất