|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Sân bay quốc tế Trường Thủy, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. (Ảnh: Dương Giang)
|
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 (GMS 8) từ ngày 5 đến 8/11/2024.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 10 (ACMECS 10), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11) và làm việc tại Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên các Hội nghị hợp tác GMS, ACMECS và CLMV được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm, là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận định hướng hợp tác, giúp các cơ chế vững vàng bước sang kỷ nguyên phát triển mới.
Một khu vực phát triển thịnh vượng ở Đông Nam Á
Khu vực Mekong bao gồm 5 quốc gia gắn kết bởi dòng sông Mekong là Camphuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là khu vực có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên phong phú và Mekong là con sông có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người dân các nước thuộc lưu vực sông.
Từ đầu những năm 1990 đến nay, trong xu thế khu vực hóa và trước nhu cầu đẩy mạnh liên kết kinh tế, hợp tác tại Mekong đã có sự chuyển mình to lớn. Năm 1992, dưới sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Chương trình GMS) được khởi xướng, bao gồm các thành viên: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
Mục tiêu của GMS là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); hỗ trợ các nước GMS thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Với tầm nhìn phát triển một tiểu vùng GMS hội nhập, thịnh vượng, bền vững và toàn diện hơn, hiện nay hợp tác trong GMS về cơ bản dựa trên 3 trụ cột, hay còn gọi là “3C”, đó là: Community - Kết nối cộng đồng (phát triển cộng đồng GMS lành mạnh và bền vững về môi trường, mang lại phúc lợi cho tất cả người dân trong tiểu vùng); Connectivity - Kết nối (tăng cường kết nối giao thông và năng lượng); Competitiveness - Năng lực cạnh tranh (nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua khôi phục và thúc đẩy thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, phát triển đô thị theo cách thân thiện với khí hậu, xây dựng một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử).
Khu vực Mekong là khu vực có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên phong phú và Mekong là con sông có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người dân các nước thuộc lưu vực sông. |
Hợp tác trong GMS tập trung vào 10 lĩnh vực, bao gồm: Nông nghiệp, Năng lượng, Môi trường, Y tế, Nguồn nhân lực, Công nghệ thông tin, Du lịch, Giao thông, Cạnh tranh thương mại, Phát triển đô thị.
Tháng 10/2002, chính phủ 6 nước thuộc GMS (Trung Quốc tham gia với tư cách là một quốc gia) đã tiến hành Hội nghị cấp cao đầu tiên (GMS-1) tại Phnom Penh (Campuchia), đưa ra những nguyên tắc chung trong hợp tác kinh tế của tiểu vùng; xây dựng và thực hiện tầm nhìn của một tiểu vùng thịnh vượng, hài hòa và thống nhất, tăng trưởng kinh tế nhanh, tiến bộ xã hội và phát triển môi trường bền vững.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7. (Ảnh: Dương Giang)
|
Đến nay, GMS đã tổ chức được 26 Hội nghị Bộ trưởng và 7 Hội nghị Thượng đỉnh. Tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 7 tổ chức ngày 9/9/2021 do Campuchia chủ trì theo hình thức trực tuyến, các nước GMS đã thống nhất thông qua Khung chiến lược Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng 2030 (GMS-2030) nhằm xác định hướng phát triển của tiểu vùng trong thập kỷ tới dựa trên thế mạnh của GMS là tập trung vào kết nối và thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên triển khai các dự án cụ thể.
Sau hơn 3 thập kỷ phát triển, GMS đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong hỗ trợ tiểu vùng Mekong kết nối cơ sở hạ tầng và phát triển các hành lang kinh tế.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 7 (tháng 9/2021) đến nay, GMS đã đạt được một số kết quả quan trọng trong triển khai Khung chiến lược Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng 2030 (GMS-2030), trong đó đã huy động được khoảng 107 tỷ USD vốn đầu tư vào 435 dự án của tiểu vùng cho giai đoạn 2021-2026.
Có thể khẳng định, các cơ chế hợp tác Mekong đã có đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển của khu vực. Các khuôn khổ hợp tác Mekong đã trở thành diễn đàn để các nước Mekong củng cố lòng tin, tăng cường đối thoại để cùng nhau xử lý các thách thức chung trên cơ sở hài hoà lợi ích các bên. Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác Mekong, thông qua các chương trình, dự án cụ thể, cũng đóng góp thiết thực cho kết nối khu vực, thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế của các nước Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tiếp nối thành công của GMS, một số cơ chế hợp tác khác sau đó cũng đã được thành lập như: Hợp tác 4 nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) giữa Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ các nước Mekong hội nhập hơn vào kinh tế khu vực và tăng cường hợp tác trong ứng phó các thách thức chung.
GMS 8: Hướng tới một cộng đồng tốt đẹp hơn thông qua phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo
Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 8 diễn ra tại Trung Quốc có chủ đề “Hướng tới một cộng đồng tốt đẹp hơn thông qua phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo”.
Hội nghị Thượng đỉnh GMS 8 sẽ bao gồm Phiên họp hẹp và Phiên họp toàn thể. Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình hợp tác từ hội nghị GMS lần thứ 7 đến nay, cũng như phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, các chiến lược và kế hoạch định hướng hợp tác GMS bao gồm: Kế hoạch hành động số hoá GMS 2025-2027; Hiệp định thuận lợi hoá vận tải xuyên biên giới; Mạng lưới tri thức GMS; Chiến lược y tế 2024-2030; Khung chiến lược GMS nhằm thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường đến năm 2030, Chiến lược Giao thông vận tải GMS 2030, Kế hoạch Thực hiện Chiến lược Giới GMS 2025-2030...
Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 8 diễn ra tại Trung Quốc có chủ đề “Hướng tới một cộng đồng tốt đẹp hơn thông qua phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo” |
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, tại các Hội nghị lần này, bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo.
Những lĩnh vực hợp tác mới là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV không chỉ là các cơ chế hạt nhân truyền thống trong hợp tác tiểu vùng; mà còn là những cơ chế tiên phong đưa tiểu vùng Mekong lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
\
|
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS 8, các lãnh đạo tham dự sẽ thông qua Tuyên bố chung của hội nghị và Chiến lược đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS năm 2030, ghi nhận 6 văn kiện về đầu tư, môi trường và biến đổi khí hậu, số hóa, bình đẳng giới, y tế, khung số hóa tài liệu thương mại. Các kết quả quan trọng này của hội nghị sẽ góp phần tạo động lực mới cho hợp tác tiểu vùng nói chung, cũng như cho hợp tác GMS nói riêng.
Việt Nam - thành viên chủ động và tích cực của GMS
Việt Nam tham gia tích cực Chương trình hợp tác kinh tế GMS ngay từ khi Chương trình này được thành lập vào năm 1992. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Mekong, Việt Nam đã và đang tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mekong, cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.
Từ năm 1992, khi bắt đầu tham gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì và phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu chủ trương, nội dung, hình thức tham gia hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong.
Trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam tham gia các sáng kiến hợp tác GMS như Hiệp định Vận tải xuyên biên giới (CBTA) các nước GMS; Chiến lược Ngành Giao thông tiểu vùng; Khung Chiến lược thúc đẩy Thương mại và Đầu tư; Diễn đàn Kinh doanh GMS; Kế hoạch Tổng thể Khu vực về Liên kết điện năng trong GMS; Hiệp định giữa các Quốc gia về Thương mại điện năng khu vực, Hiệp định Thương mại điện năng khu vực; Chiến lược Năng lượng tiểu vùng Mekong; Nghiên cứu về xoá bỏ ma tuý trong GMS; Chương trình xây dựng năng lực cho các cán bộ GMS theo Kế hoạch PhnomPenh về Quản lý Phát triển; Khung Chiến lược Môi trường và Chương trình môi trường trọng tâm, bao gồm Sáng kiến Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học.
Đặc biệt, năm 2018, Việt Nam đã lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6, nhân dịp kỷ niệm 25 năm cơ chế hợp tác GMS được thành lập. Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị với việc thông qua 2 tài liệu mang tính định hướng lớn cho GMS là: Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 và Khung đầu tư khu vực; chính thức khởi động quá trình xây dựng tầm nhìn dài hạn cho GMS sau 2022; và lần đầu tiên Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài khu vực.
Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các kế hoạch, chiến lược trong tiểu vùng, như: Tham gia và triển khai có hiệu quả Chiến lược Giao thông vận tải GMS 2030. Theo đó, các dự án hạ tầng đã và đang được triển khai, hoàn thành do ADB và các đối tác phát triển hỗ trợ gồm: cao tốc Nội Bài-Lào Cai, dự án nâng cấp mạng lưới giao thông GMS phía Bắc (nâng cấp mở rộng Quốc lộ 217 - giai đoạn 2), dự án kết nối đồng bằng sông Mekong, dự án kết nối hành lang ven biển phía Nam, góp phần tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các nước GMS, hình thành các tuyến hành lang GMS như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam; Tham gia Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hoá qua lại biên giới giữa các nước GMS (Hiệp định CBTA), và thông qua việc Gia hạn hiệu lực Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định CBTA đến 31/12/2026; triển khai Bản ghi nhớ bổ sung tuyến đường, cặp cửa khẩu vào Nghị định thư số 1 Hiệp định CBTA.
|
Hội nghị GMS 6 - CLV 10: Cuộc họp Quan chức Cấp cao Tiểu vùng Mekong mở rộng. (Ảnh: TTXVN)
|
Về du lịch, Việt Nam đã tiếp nhận 2 dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện tiểu vùng Mekong mở rộng” giai đoạn 1 từ 2014-2019 và giai đoạn 2 từ 2019-2024 với tổng số vốn ODA là khoảng 95 triệu USD triển khai tại 10 tỉnh (gồm: Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Kiên Giang, Hoà Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
Trong Khung đầu tư khu vực, giai đoạn từ năm 2021-2025, Việt Nam đã huy động được khoảng 106 dự án trị giá khoảng 10,47 tỷ USD (trên tổng số 535 dự án trị giá 133 tỷ USD).
Chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 8 tại Trung Quốc lần này là sự kiện quan trọng để Việt Nam thể hiện thiện chí hợp tác trên tinh thần cởi mở, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam với các nước thành viên GMS, cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng toàn diện.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự các sự kiện lần này nhằm thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các cơ chế GMS, ACMECS và CLMV nói riêng và hợp tác tiểu vùng Mekong nói chung. Trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng sẽ chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới. Qua đó, khẳng định tư duy đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS 8 khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác tiểu vùng, trong đó có hợp tác GMS. Các sáng kiến của Việt Nam tại hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh các nội dung và trụ cột hợp tác của cơ chế GMS, trong đó có tăng cường kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý bền vững nguồn nước. Đây cũng là sự khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên sáng lập của GMS, đóng góp hiệu quả vào thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn chung của GMS.
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, sự tham gia của đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị cũng sẽ đẩy mạnh quan hệ giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương các nước láng giềng. Các nước thành viên của GMS có khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, do đó hợp tác giữa các địa phương trở thành một phần quan trọng trong tổng thể hợp tác giữa các nước GMS. Diễn đàn Tỉnh trưởng dọc hành lang kinh tế GMS dự kiến cũng sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 8…/.
Trọng Đức
Nguồn: vietnamplus.vn