(TTĐN) - Ngày 21/7/1954, Pháp đã buộc phải ký Hiệp định Genève (Thụy Sĩ) về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. 70 năm đã qua, nhưng tinh thần Hiệp định Genève vẫn luôn có giá trị đối với thực tiễn công tác ngoại giao trong tình hình hiện nay.
|
Các bản giữa hai nước Việt Nam và Lào thường xuyên có những cuộc trao đổi, gắn kết tình cảm đồng bào hai bên. (Ảnh: VGP)
|
Thắng lợi ngoại giao to lớn của Việt Nam
Hội nghị Genève được khai mạc vào ngày 8/5/1954, chỉ một ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa bước vào bàn đàm phán với tư thế của người chiến thắng. Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề, Hội nghị Genève kết thúc với nhiều kết quả quan trọng. Các văn bản được ký kết tại hội nghị, gồm: 3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; 1 bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị; 2 bản tuyên bố riêng của đoàn Mỹ và đoàn Pháp; các công hàm trao đổi giữa Việt Nam và Pháp. Những văn bản này tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Hiệp định Genève là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng đầu tiên ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam tại một hội nghị đa phương. Với Hiệp định Genève, lần đầu tiên, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị "cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ", "tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị" của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ ba nước Đông Dương.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự nhấn mạnh: “Hiệp định Genève còn thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng, nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn hội nghị. Trải qua 70 năm, những giá trị lịch sử và thời đại từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Genève vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới”.
Phát huy tinh thần Hiệp định Genève trong tình hình mới
70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng chiến thắng của Hiệp định Genève vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Thượng tá Nguyễn Quang Tạo, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự cho rằng: “Trong các cuộc đàm phán của Hội nghị Genève, Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh anh dũng, kiên cường nhưng cũng rất mềm mỏng; đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, buộc đối phương phải ngồi vào đàm phán và ký kết hiệp định. Trong khi khẳng định và kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hoạt động đàm phán vẫn luôn uyển chuyển, linh hoạt “ứng vạn biến”, “lấy nhu khắc cương” để đạt được mục đích cuối cùng. Việt Nam đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể nhưng không từ bỏ các nguyên tắc chiến lược và đã chiến thắng”.
|
Thực hiện đường lối ngoại giao của Đảng, BĐBP đã tăng cường công tác đối ngoại Biên phòng, mở rộng hợp tác với các nước nhằm bảo vệ từ xa, từ sớm. Trong ảnh: Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc tuần tra, kiểm soát biên giới. (Ảnh: Mí Vừ)
|
Phát huy bài học thắng lợi của “ngoại giao cây tre” từ Hiệp định Genève trong bối cảnh hiện nay, Thượng tá Nguyễn Quang Tạo cho rằng, cần kiên trì, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Cùng với đó, cần phát triển đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước trong tình hình mới. Kịp thời nhận diện và tích cực đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc “ngoại giao cây tre” Việt Nam.
Từ bài học lịch sử của Hiệp định Genève, soi chiếu vào tình hình hiện nay, Đại tá, Thạc sĩ Lê Ngọc Tân, Ban Nghiên cứu xã hội học quân sự, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự cho rằng, để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và phát huy có hiệu quả nguồn lực bên ngoài cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vừa hợp tác, vừa đấu tranh hiện nay đòi hỏi các quốc gia, các chính đảng cầm quyền phải thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng giữ vững nguyên tắc: đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên hàng đầu. Do đó, để giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước bền vững, cùng với việc huy động tối đa nguồn lực trong nước, phải tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài trên cơ sở chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng, ổn định, lâu dài; mở rộng những điểm tương đồng, thu hẹp những điểm khác biệt về lợi ích, phấn đấu không để những khác biệt ấy biến thành mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích” - Đại tá, Thạc sĩ Lê Ngọc Tân đề xuất.
Ở góc nhìn khác, theo Đại tá, Thạc sĩ Cấn Thanh Niên, Ban Nghiên cứu xây dựng Quân đội về chính trị, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, để xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cần tăng cường công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần Hiệp định Genève. Theo ông, trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức vè giá trị, ý nghĩa của đối ngoại nhân dân trong Hiệp định Genève. Tiếp đó, cần tăng cường sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới. Phát huy vai trò đối ngoại nhân dân góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phát triển lý luận về đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới./.
Thu Hằng
Nguồn: bienphong.com.vn