Giáo sư Igor Panfilov: Đưa tình yêu Việt Nam đến tương lai

Cơ duyên nào khiến ông quyết định đầu tư vào Việt Nam và lựa chọn Ninh Thuận?

Lần đầu tôi đến Việt Nam là năm 1970, khi MK- Group đang nhận nhiệm vụ in ấn các loại tem cho Bộ Bưu chính viễn thông. Sau đó, từ cuối những năm 70, chúng tôi bắt đầu tham gia vào dự án xây dựng Nhà máy in tiền quốc gia Việt Nam, đào tạo chuyên gia, cung cấp các nguyên vật liệu in tiền theo sự hợp tác giữa hai nước. Thời gian này, tôi cũng là thành viên Hội Hữu nghị Việt-Xô.

Chân dung Viện sĩ, Giáo sư Igor Panfilov - Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình Nga, Chủ tịch Tập đoàn MK-Group (LB Nga), Giám đốc Công ty Appleline (Thụy Sỹ). (Ảnh: NVCC )

Chân dung Viện sĩ, Giáo sư Igor Panfilov - Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình Nga, Chủ tịch Tập đoàn MK-Group (LB Nga), Giám đốc Công ty Appleline (Thụy Sỹ). (Ảnh: NVCC )

Năm 1992, trong một chuyến công tác dọc Việt Nam cùng nhà du hành vũ trụ German Titov (người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên đặt cho một hòn đảo tại vịnh Hạ Long), Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cùng với ông Lê Hồ - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh phía Nam - đã đề nghị tôi và MK-Group đầu tư vào đồng muối Đầm Vua (tỉnh Ninh Thuận) - một nơi nghèo và khó khăn nhất nước.Golf du lịch

Tại thời điểm đó, đây là một quyết định táo bạo bởi Việt Nam mới trải qua chiến tranh chưa lâu, còn vô vàn khó khăn và quá đỗi xa xôi đối với tôi. Ông German Titov cũng ủng hộ quyết định này và đích thân đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên danh dự của Công ty muối Đầm Vua. Sau đó, ông nhiều lần sang thăm và động viên tinh thần nhân viên Công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, quan tâm giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền các cấp, từ Chính phủ tới các Bộ ngành và tỉnh Ninh Thuận, vì tại thời điểm đó cho đến nhiều năm sau, Đầm Vua là Liên doanh nước ngoài đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Ninh Thuận. Cho đến nay, tôi chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định này và luôn thầm biết ơn những người bạn, người đồng chí đã cho tôi cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Tính từ khi tiền thân Xí nghiệp liên doanh muối Đầm Vua được thành lập đến nay đã là 30 năm. Ông có thể chia sẻ về quá trình đầu tư và phát triển của Công ty TNHH Đầm Vua?

Ngày 12/1/1994, Công ty được thành lập lấy tên là Xí nghiệp Liên doanh muối Đầm Vua, trên cơ sở liên doanh giữa Công ty muối Ninh Thuận và Công ty APPLELINE - Thụy Sỹ (một trong những công ty do tôi sáng lập và sở hữu). Với nguồn vốn pháp định là 1,53 triệu USD (phía Việt Nam: 35%; phía Appleline 65%), Công ty Đầm Vua chính thức đưa vào hoạt động sản xuất từ năm 1996 cho đến nay, với thời hạn 50 năm kể từ ngày cấp phép đầu tiên.

Đồng muối Đầm Vua có diện tích là 365,5 ha, tọa lạc tại khu vực xã Tri Hải và xã Nhơn Hải, thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nơi có nhiều lợi thế sản xuất muối theo phương pháp truyền thống do khu vực này nắng nhiều và ít mưa.

Với sản lượng thiết kế đồng muối ban đầu là 30 ngàn tấn/năm, nhưng hầu như năm nào Đầm Vua cũng vượt sản lượng tầm 30-50%, có những năm thời tiết ưu ái, sản lượng có thể vượt tới 100%.

Trong 30 năm qua, công ty không ngừng cải tạo đồng muối, đưa những trang thiết bị tiên tiến áp dụng vào sản xuất và thu gom muối, giúp giảm thiểu sự vất vả của công nhân và nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, công ty đã có 10 ha muối sản xuất trên bạt cho năng suất cao, chiếm 95% muối loại 1. Bên cạnh đó, công ty vẫn gìn giữ được hơn 20 ha muối kết tinh dài ngày theo phương pháp truyền thống, cho ra loại muối hạt lớn, chắc hạt và ngon top 1 Việt Nam, được khách hàng rất ưa chuộng.

Hơn 10 năm gần đây, dưới sự điều hành đầy sáng tạo và những đóng góp nhiệt tình của ông Yunus Gataullin - Người đã đoạt được nhiều bằng sáng chế trong khoa học, Giám đốc điều hành Công ty muối Đầm Vua - các quy trình sản xuất được đổi mới, lao động thủ công cũ thay thế bằng công nghệ mới và cơ giới hóa. Nếu trước đây phải khó khăn lắm mới đạt được tiêu chuẩn chất lượng do nhà nước Việt Nam phê duyệt, thì ngày nay tình hình đã khác: Trước 2015, muối loại 1 chỉ thu được 10-12% tổng sản lượng thu hoạch mỗi năm, nhưng ngày nay chúng tôi đã thu được tới 90%. Năng suất của đồng muối đã tăng gần gấp đôi. Công nghệ “vùng sạch” đã được phát triển để sản xuất muối có chất lượng cao nhất, được kiểm soát từ khâu chuẩn bị nước, lưu trữ, kết tinh và thu hoạch, cho đến khâu lưu trữ tại các kho bê tông.

Là công ty sản xuất muối duy nhất tại Việt Nam nhận Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm (nguyên liệu thô) mang số 001, công ty có cơ hội thâm nhập thị trường muối quốc tế nhưng chủ yếu cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động chúng tôi đạt được Bằng sáng chế cho công nghệ mới sản xuất muối trên bạt sử dụng năng lượng mặt trời, cho phép tăng năng suất muối lên 70%/m2.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam (phải) và ông Yunus Gataullin, Giám đốc Công ty Đầm Vua. (Ảnh: NVCC)

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam (phải) và ông Yunus Gataullin, Giám đốc Công ty Đầm Vua. (Ảnh: NVCC)

Ba mươi năm, hẳn là không phải lúc nào con đường cũng “trải bằng hoa hồng”, đã có không ít những thăng - trầm. Đã khi nào ông phải đứng trước những quyết định khó khăn?

Đúng là không phải lúc nào cũng thuận lợi, có rất nhiều khó khăn mà chúng tôi đã trải qua. Nghề sản xuất muối gắn chặt với điều kiện thời tiết, khí hậu. Trước kia, khi chưa cải tổ đồng muối thì thường xuyên phải đối mặt với nạn vỡ đê, lụt lội do cánh đồng được bao quanh hai phía là núi. Mưa lũ tràn xuống tàn phá, làm hư hại nước mặn và những ô muối đang kết tinh. Sau này, chúng tôi đã cải tổ hệ thống đê điều và mương thoát nước, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thiên tai. Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, hiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngành muối.

Nhưng với chúng tôi, khó khăn do thiên tai chung không dễ làm cho nhụt chí. Duy nhất một lần, tôi đã thực sự phải đối mặt với khó khăn trong việc ra quyết định đi tiếp hay dừng lại. Đó là vào năm 2012, khi Giấy phép đầu tư đầu tiên với thời hạn 20 năm của công ty sắp hết hạn, để được gia hạn tiếp thì phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Khi đó phía đối tác Việt Nam có ý kiến muốn dừng lại.

Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc đàm phán, thương thảo trong vòng 6 tháng để đi đến kết quả cuối cùng là tiếp tục phát triển dự án thêm 30 năm nữa, tổng cộng là 50 năm. Thời điểm đó có những lúc gần như vô vọng và tôi đã từng nghĩ sẽ phải đóng lại dự án. Tôi có thể tiếp tục đầu tư nơi khác nhưng nghĩ đến những nhân viên, công nhân đã gắn bó 20 năm với công ty sẽ mất việc làm, tôi quyết tâm trụ lại. Cho đến nay, chúng tôi đang có rất nhiều nhân viên, công nhân cùng kỷ niệm 30 năm gắn bó với Đầm Vua. Đó là niềm tự hào của lãnh đạo công ty.

Thời gian tới, chắc hẳn công ty TNHH Đầm Vua đã có kế hoạch của riêng mình để thúc đẩy quy mô phát triển?

Vâng, tất nhiên sự phát triển luôn là mục tiêu và điều kiện tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Chúng tôi luôn phấn đấu, hoàn thiện và đầu tư bài bản hơn mỗi ngày để đạt được mục tiêu sản xuất muối sạch đạt tiêu chuẩn cao cho các ngành công nghiệp trong nước, tiến tới xuất khẩu muối cao cấp và các sản phẩm từ muối ra thế giới.

Cánh đồng muối tại Công ty TNHH Đầm Vua. (Ảnh: Minh Hòa)

Cánh đồng muối tại Công ty TNHH Đầm Vua. (Ảnh: Minh Hòa)

Ba mươi năm đầu tư vào Việt Nam, hẳn ông có không ít kỷ niệm với đất nước và con người nơi đây. Đâu là những điều ấn tượng và đáng nhớ nhất?

Việt Nam đối với tôi như quê hương thứ hai. Từ con người đến cảnh quan đều hết sức gần gũi, thân thương. Thời gian tôi gắn bó với Việt nam kể từ ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất xinh đẹp này đến nay đã là 54 năm, như vậy cũng đủ thấy tình cảm của tôi dành cho Việt Nam như thế nào.

Trong suốt thời gian 30 năm đầu tư vào Ninh Thuận, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền các cấp từ xã, huyện cho đến tỉnh, đặc biệt là các Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Chủ tịch UBND hiện nay, ông Trần Quốc Nam, luôn hỗ trợ chúng tôi hết lòng, từ trước khi ông đảm nhiệm chức vụ hiện thời. Bất cứ khi nào khi doanh nghiệp gặp khó khăn về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Tỉnh đều được ông sẵn sàng lắng nghe và giúp tháo gỡ. Chúng tôi thật sự biết ơn và trân trọng điều đó!

Đáp lại, công ty luôn tham gia các hoạt động thiện nguyện của địa phương, xây nhà tình nghĩa, tặng học bổng và quà thường niên cho các trẻ em và hộ nghèo. Chúng tôi luôn chăm lo cho đời sống của công nhân, tổ chức những chuyến thăm quan nước Nga cho nhân viên, công nhân gắn bó lâu năm với công ty. Đối với những người từ thời Xô Viết mang lối tư duy truyền thống như chúng tôi, con người là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Con người có hạnh phúc thì mới gắn bó và đưa công ty phát triển.

Tôi yêu Việt Nam và sẽ tiếp tục "thổi" tình yêu ấy vào các thế hệ tiếp theo. Hiện nay, với cương vị là Viện sĩ, Giáo sư, tôi vẫn hướng dẫn và đưa các đoàn sinh viên sang thực tập tại Việt Nam. Tôi muốn các em làm quen, biết, hiểu và yêu Việt Nam như các thế hệ trước.

Xin cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất