Đại sứ Phạm Quang Vinh: 'Độc lạ', gay cấn bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 và câu chuyện với Việt Nam
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018, chia sẻ tại talkshow về bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 của Báo Thế giới và Việt Nam

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018, chia sẻ tại talkshow về bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 của Báo Thế giới và Việt Nam

Trước thềm tổng tuyển cử Mỹ 2024, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018, đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam những điểm nhấn đáng chú ý của cuộc bầu cử Mỹ năm nay và dự báo về quan hệ Việt Nam-Mỹ khi có tân Tổng thống.

Thưa Đại sứ, xin ông cho biết những điểm nhấn đáng chú ý của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay?

Có thể nhận thấy rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay rất khác lạ và đặc biệt.

Thứ nhất, cuộc bầu cử này có rất nhiều tình tiết và biến động. Trong đó phải kể đến việc ông Trump quay trở lại đường đua; đảng Dân chủ phải thay người "giữa dòng" khi bà Kamala Harris đã thay ông Joe Biden vào tháng 7 vừa qua; ông Trump 2 lần bị ám sát; hay là câu chuyện nước Mỹ phải ứng phó với 2 cơn bão lớn vừa qua gây ra nhiều thiệt hại và việc cứu trợ cũng có thể tác động đến cuộc bầu cử.

Thứ hai, nước Mỹ bây giờ đã rất khác: một nước Mỹ phân hóa, một nước Mỹ đã qua khỏi đại dịch, tuy đã kiểm soát được lạm phát nhưng vẫn đang có nhiều khó khăn trong nước và cảm nhận của người dân về những khó khăn kinh tế vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, nước Mỹ còn đang phải ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra trên thế giới, trong đó có Trung Đông và Ukraine.

Thứ ba, cho đến lúc này, khi chỉ còn vài ngày thì cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn sát sao, chưa phân định được thắng bại. Do đó, cuộc cạnh tranh khốc liết đang dồn vào các bang chiến trường. Có thể thấy, đây là một cuộc bầu cử chắc chắn sẽ sít sao tới tận phút cuối.

Với Đại sứ Phạm Quang Vinh, dự đoán của ông về kết quả bầu cử chung cuộc sẽ như thế nào?

Như tôi vừa nói, cuộc bầu cử này rất sít sao, có nghĩa rằng độ chênh lệch về tỷ lệ ủng hộ không quá lớn. Khoảng cách của các cuộc thăm dò đều nằm trong độ sai số và kết quả thực tế bất cứ lúc nào cũng có thể đảo chiều. Điều đó cho thấy, cuộc bầu cử này sẽ kịch tính cho đến phút chót, tức là đến ngày 5/11 vẫn còn khó khăn để đoán định kết quả.

Với lá phiếu phổ thông, dựa trên những thăm dò dư luận hiện nay cũng như dự đoán của cá nhân, tôi cho rằng bà Kamala Harris có thể đạt được nhiều hơn. Tuy nhiên, với lá phiếu đại cử tri, để có thể xác định người thắng cử còn rất sít sao.

Hiện sự chú ý đang dồn vào 7 bang "chiến trường" và cuộc đua ở các bang này vẫn đang rất quyết liệt. Đặc biệt không khí đua tranh tại bang Pennsylvania đang "nóng" nhất do ở đây có 19 phiếu đại cử tri - nhiều nhất trong số 7 bang "chiến trường" nên cả hai ứng viên đều đang tập trung vào đây. Tuy nhiên, mỗi ứng cử viên đều có những điểm mạnh, điểm yếu ở khu vực này.

Lịch sử bầu cử Mỹ năm 2016 và năm 2020 cho thấy, đôi khi chỉ hơn vài chục ngàn phiếu là giành được cả bang cùng với số phiếu đại cử tri ở đó.

Đáng chú ý, dù nhiều cuộc thăm dò dư luận trong thời gian qua cho rằng bà Kamala Harris chiếm ưu thế nhỉnh hơn một chút, nhưng chỉ là 1-2 điểm phần trăm và nằm trong khả năng sai số. Dường như "sự hưng phấn" đối với bà Kamala Harris đã chững lại.

Trong khi đó, ông Donald Trump lại có được nhiều cử tri rất nhiệt tình ủng hộ, nhưng cũng không mở rộng thêm nữa vòng tròn ủng hộ của mình, bởi vì chủ thuyết của ông khá cực hữu và khó để tăng cường lực lượng ủng hộ nòng cốt.

Quay trở lại các bang "chiến trường", có hai điểm đáng chú ý có thể tác động đến kết quả ở đây. Một là, khả năng cử tri trên thực tế bỏ phiếu và thành phần của các cử tri này. Bởi không phải ai đăng ký đi bỏ phiếu, không phải ai thăm dò dư luận nói rằng ủng hộ bên nào thì cuối cùng họ sẽ bỏ phiếu cho bên đó. Nhiều khi họ nói ủng hộ bên A khi thăm dò nhưng cuối cùng lại bỏ phiếu cho bên B. Đây vốn là bài học kinh nghiệm đã xảy ra nhiều lần ở bầu cử Mỹ.

Hai là, bà Kamala Harris thay ông Joe Biden là vào tháng 7, trên thực tế thì thực sự vào cuộc là tháng 8. Do đó, nữ Phó Tổng thống chỉ có 3 tháng cho đến ngày bầu cử để củng cố liên minh của mình. Bởi vậy, tôi e rằng liệu liên minh này có đủ nhiệt tình, đủ nhiệt huyết để đi bỏ phiếu trên thực tế hay không.

Về câu chuyện tranh chấp ở các bang "chiến trường", cá nhân tôi cho rằng sẽ rất sít sao, nhưng lo ngại phần nhiều hơn có lẽ nằm ở phía bà Kamala Harris.

Ông Trump và bà Hariss đang bám đuổi rất sít sao, đặc biệt là ở 7 bang

Ông Trump và bà Hariss đang bám đuổi rất sít sao, đặc biệt là ở 7 bang "chiến trường". (Nguồn: Gettty)

Theo Đại sứ, những yếu tố nào có thể tác động đến giai đoạn phút chót này và kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay?

Trong lịch sử bầu cử Mỹ, người ta hay nói đến "bất ngờ tháng 10". “Bất ngờ tháng 10” (October surprise) là một sự kiện xảy một cách cố ý hoặc ngẫu nhiên vào tháng trước cuộc bầu cử, có thể làm thay đổi lộ trình và kết quả cuộc đua do không còn đủ thời gian để đưa ra các giải pháp ứng phó.

Thời gian qua, bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đã trải qua nhiều biến động lớn, chẳng hạn như việc thay ứng cử viên của đảng Dân chủ, các vụ mưu sát đối với ông Trump và những sự cố khác. Sau tất cả những biến động đó, nếu có một sự cố nào khác vào thời điểm phút chót này cũng không làm đảo chiều những xu hướng ủng hộ của các cử tri đang diễn ra hiện nay.

Như tôi đã nói ở trên là vài chục ngàn phiếu có thể quyết định thành bại của một ứng cử viên ở một bang, đặc biệt là bang "chiến trường". Vậy thì vài chục ngàn phiếu đó liệu có thể ảnh hưởng bởi điều gì?

Bất cứ điều gì xảy ra cũng có thể tác động đến một bộ phận dân cư, một bộ phận cử tri đi bỏ phiếu. Chẳng hạn như câu chuyện ở Trung Đông, nếu xung đột leo thang, thảm họa nhân đạo gia tăng, thì có lẽ bộ phận cử tri người Arab, người Palestine, nhất là ở bang chiến trường Michigan, có thể đảo chiều quyết định hoặc thậm chí là không tham gia bỏ phiếu thì có thể sẽ tạo ra thay đổi chung cuộc. Do đó, nhiều yếu tố có thể tác động đến tỷ lệ cử tri thực tế đi bầu.

Đồng thời, thành phần của bộ phận đi bầu trên thực tế cũng rất quan trọng. Ví dụ, nếu cử tri thuộc phe Dân chủ nhưng lại chẳng mặn mà gì với ứng cử viên của đảng thì có ủng hộ nhưng không đi bầu cũng khiến ứng viên của đảng mất phiếu, hay là đảng Cộng hòa cũng vậy.

Do đó, tỷ lệ cử tri thực sự đi bầu và thành phần cử tri sẽ mang tính quyết định đối với 7 bang "chiến trường" nói riêng và với cả cuộc bầu cử này nói chung.

Trong những năm qua, Việt Nam và Mỹ duy trì đà phát triển tích cực, ổn định và thực chất. Hai nước đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái. Điều mà chúng ta quan tâm hiện nay là việc Mỹ có tân Tổng thống sẽ tác động thế nào đến quan hệ song phương, thưa Đại sứ?

Chúng ta cần hình dung ra các kịch bản khác nhau của cuộc bầu cử lần này. Bà Kamala Harris hay ông Donald Trump thắng cử thì "màu sắc" chính sách đối ngoại sẽ khác nhau, nhưng tựu chung vẫn có một số điểm chung.

Thứ nhất, nước Mỹ ngày càng trở nên hướng nội hơn và thực dục hơn. Dù là bà Kamala Harris hay là ông Donald Trump lên cầm quyền, đều đang tính đến lợi ích của nước Mỹ nhiều hơn, dù là cách tiếp cận của mỗi người có thể khác biệt.

Thứ hai, cá nhân tôi cho rằng, dù một trong hai ứng cử viên đắc cử thì cũng không đảng phái nào có thể nắm trọn cả ba nhánh quyền lực là Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện. Quyền lực sẽ được phân chia dẫn đến việc Tổng thống khó có được những chủ thuyết riêng của mình và được thể hiện hoàn toàn theo khuynh hướng Dân chủ hay Cộng hòa, mà sẽ phải có sự phối hợp, nhân nhượng giữa hai đảng với nhau. Trong bối cảnh phân hóa hiện nay, rất khó để thông qua những quyết sách lớn theo một đảng nhất định.

Thứ ba, nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng, nhiều dự báo cho rằng, bà sẽ đi theo chiều hướng chính sách của ông Joe Biden. Tuy nhiên, bà Harris không phải là ông Biden, bà có một mặt theo chiều hướng chung của đảng Dân chủ, nhưng mặt khác bà lại thiên về hướng tả. Do đó, bà sẽ cân đối ưu tiên chung của đảng Dân chủ và thiên tả như thế nào là điều chúng ta cũng phải chú ý, đặc biệt là trong quan hệ với Việt Nam.

Nhưng nếu người chiến thắng là ông Trump thì nhiệm kỳ tới sẽ không giống với chính quyền Trump 1.0. Bởi sau 8 năm, tình hình quốc tế đã khác, mâu thuẫn của ông Trump với phe Dân chủ cũng khác và những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu, sẽ khiến ông có cách tiếp cận khác.

Do đó, quan hệ Việt Nam-Mỹ hậu bầu cử Mỹ 2024 cần phải đặt trong bức tranh chung của nước Mỹ.

Tuy nhiên, dù là bà Harris hay ông Trump lên nắm quyền, tôi cho rằng tổng quan quan hệ hai nước có ba điểm thuận lợi để tiếp tục phát triển tích cực.

Một là, sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ đem lại lợi ích cho cả hai nước. Mỹ có lợi ích trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cả về kinh tế, thương mại lẫn địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Việt Nam cũng vậy. Do đó, sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ có được sự đồng thuận của cả hai đảng phái ở Mỹ.

Hai là, Việt Nam tiếp tục chính sách coi trọng quan hệ với các nước trong khu vực và các nước lớn, chính sách này cũng phù hợp với cả quan điểm của ông Trump và bà Harris.

Ba là, hai nhân vật này không phải "gương mặt mới" trong quan hệ với Việt Nam. Ông Trump đã có một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ và từng hai lần đến Việt Nam vào năm 2017 và 2019 với những ấn tượng tốt đẹp về đất nước hình chữ S.

Trong khi đó, bà Harris năm 2021 là lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Phó Tổng thống Mỹ đã đến thăm Việt Nam.

Có thể thấy có nhiều cơ sở để lạc quan, tuy nhiên cũng cần phải lưu ý một số điểm khác biệt trong quan hệ với Việt Nam giữa hai ứng cử viên.

Bà Harris, với quan điểm của đảng Dân chủ, cộng với thiên hướng thiên tả, sẽ chú trọng nhiều hơn tới câu chuyện liên quan đến tiêu chuẩn môi trường, lao động, dân chủ, nhân quyền... Và cách tiếp cận các vấn đề này đặt trong tương quan chiến lược quan hệ với khu vực và với Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trump chắc chắn sẽ quan tâm đến kinh tế và thương mại, bao gồm cả việc thâm hụt thương mại đang tồn tại khách quan giữa hai nước.

Tuy nhiên, không chỉ là với Việt Nam mà còn với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi có các đối thủ của Mỹ như Nga hay Trung Quốc, có các đồng minh như là Nhật Bản, Ấn Độ hay Australia, với các thiết chế đa phương ở đây như ASEAN, thì liệu ông Trump sẽ ứng xử thế nào?

Tôi thấy rằng, có rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Dù rằng quan hệ Việt-Mỹ có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy vì nó phù hợp với cả lợi ích của hai nước, phù hợp với địa chiến lược của Mỹ ở khu vực này, nhưng sắc thái, thứ tự ưu tiên và cách tiếp cận của ông Trump sẽ thực dụng hơn, trong khi bà Harris sẽ chiến lược hơn.

Vì vậy, chúng ta phải đánh giá rất kỹ càng các khả năng khác nhau, các ưu tiên khác nhau của cả hai ứng cử viên để có sự chuẩn bị trước. Đồng thời, chúng ta đã có kinh nghiệm trong quan hệ với Mỹ ở những chính quyền của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong những thời kỳ khác nhau.

Với song trùng về lợi ích song phương, song trùng về lợi ích địa chiến lược khu vực, tôi tin chắc chắn rằng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển quan hệ Việt-Mỹ ổn định, tích cực.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất