(TTĐN) - Theo bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 đã góp phần củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai Thỏa thuận GCM.
|
Bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị. (Ảnh: Thu Trang)
|
Bên lề Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 ngày 29/10, tại Hà Nội, bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về sự phối hợp giữa IOM và Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền của người di cư.
Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chủ trì biên soạn với sự tham gia của các cơ quan, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng trong bối cảnh di cư xuyên biên giới ở Việt Nam”. Dự án này do Bộ Ngoại giao và IOM phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Quỹ phát triển IOM (IDF). Xin bà đánh giá ý nghĩa của việc công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023?
Có thể khẳng định rằng, việc công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong những năm qua, kể từ Hồ sơ Di cư Việt Nam đầu tiên vào năm 2011, sau đó là năm 2016 và lần thứ ba là năm 2023, chúng ta có thể thấy rõ sự phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng của các chính sách liên quan đến di cư tại Việt Nam. Tài liệu này cũng cho thấy Chính phủ Việt Nam đã đạt được những mục tiêu và thành quả rất rõ rệt trong việc hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ và bảo đảm quyền lợi của người di cư.
Với tư cách là đối tác của Chính phủ Việt Nam, IOM đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc soạn thảo và xây dựng Hồ sơ Di cư. Đồng thời, chúng tôi tin tưởng rằng, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho di cư an toàn và góp phần giúp Việt Nam tiến xa hơn trong công tác triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM), củng cố vị thế là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai thỏa thuận này.
Trong bối cảnh di cư quốc tế tiếp tục diễn ra với quy mô và tốc độ ngày càng mạnh mẽ, những khó khăn, rủi ro mà người lao động di cư thường gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài hiện nay là gì?
Tùy theo từng bối cảnh, từng quốc gia mà người lao động di cư gặp phải những thách thức khác nhau. Ví dụ như tại các nước tiếp nhận hoặc nước trung chuyển di cư, người lao động di cư có thể bị rơi vào bẫy bóc lột sức lao động, đôi khi họ có thể bị tịch thu giấy tờ tùy thân, khiến họ không thể thoát khỏi tình trạng bị bóc lột, gây ra nhiều đau khổ về mặt tâm lý và thiệt hại về vật chất. Đó là một trong những rủi ro hàng đầu mà người lao động di cư thường gặp phải.
Vậy người lao động di cư cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng gì để phòng tránh được những rủi ro đó, thưa bà?
Một trong những cách mà IOM ứng phó và giúp người lao động di cư phòng ngừa rủi ro trong quá trình di cư là trang bị những kỹ năng cơ bản thông qua việc hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người lao động di cư về quyền và những thông tin mà họ có thể tiếp cận và cần thiết khi ra nước ngoài làm việc.
Hiện nay, đa phần người lao động di cư ở trong độ tuổi rất trẻ, họ là tương lai của thế giới và am hiểu công nghệ, sử dụng mạng xã hội nhiều. Đó cũng là một trong những lý do mà chúng tôi đang tích cực sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những thông tin về di cư an toàn và thông qua dự án mang tên “Nghĩ trước bước sau” để giúp lao động di cử trẻ tuổi có thể lường trước những nguy cơ trong từng lộ trình di cư, đồng thời biết được những lợi ích trong quá trình di cư và thông tin cần thiết.
Ngoài ra, một trong những hoạt động khác mà IOM đã và đang triển khai là thúc đẩy sự phối hợp liên ngành. Hiện nay, IOM không chỉ phối hợp với Bộ Ngoại giao mà còn phối hợp với các Bộ Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng nhiều bộ, ban, ngành khác, các đối tác phi chính phủ, để tạo thành một mạng lưới cùng chung tay thúc đẩy nỗ lực tổng hợp nhằm mang lại lợi ích cho người di cư trước khi bước vào hành trình, cũng như trong công tác giải cứu những người di cư đã lỡ rơi vào bẫy mua bán người.
Minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực phối hợp liên ngành này là trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức phi chính phủ giải cứu thành công nhiều trường hợp bị mua bán người tại Campuchia.
Xin cảm ơn bà!
Hồ sơ Di cư được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào năm 2005 với mục đích ban đầu là xây dựng chương trình hỗ trợ ở các nước thứ ba trong lĩnh vực di cư và chiến lược xóa đói giảm nghèo. Hồ sơ Di cư sau đó được IOM phát triển thử nghiệm vào năm 2006 và chỉ trong vòng 5 năm đã có khoảng 70 quốc gia xây dựng.Mục đích chính của Hồ sơ Di cư là đánh giá hiện trạng di cư; tăng cường hiểu biết về di cư và mối liên hệ của di cư với phát triển; đánh giá tác động của di cư đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ chính phủ trong việc thiết lập hoặc tăng cường cơ chế để thường xuyên tổng hợp về các xu hướng liên quan đến di cư; nâng cao việc sử dụng thông tin di cư trong hoạch định chính sách; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, nhất là trong thu thập số liệu và xây dựng chính sách.Chính vì vậy, Hồ sơ Di cư là một công cụ quan trọng, giúp tăng cường sự gắn kết chính sách, thúc đẩy hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và lồng ghép vấn đề di cư vào các kế hoạch phát triển.Việc xây dựng Hồ sơ Di cư cũng đã chính thức trở thành khuyến nghị trong Thỏa thuận GCM. Theo đó, tại mục tiêu số 1 về “thu thập, sử dụng dữ liệu chính xác và tổng hợp làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng”, Thỏa thuận GCM đã kêu gọi các quốc gia định kỳ xây dựng Hồ sơ Di cư.Nhận thức tầm quan trọng của dữ liệu di cư và Hồ sơ Di cư đối với công tác quản lý di cư và xây dựng chính sách về di cư, ngay từ năm 2011, Việt Nam đã phối hợp với IOM xây dựng Hồ sơ Di cư (ấn bản lần thứ nhất) với tiêu đề “Báo cáo về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài”, tiếp đó là Hồ sơ Di cư Việt Nam 2016 và lần thứ ba là năm 2023. |
Thu Trang
Nguồn: baoquocte.vn