Từ những bài học kinh nghiệm hội nhập quốc tế, mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, hội nhập quốc tế, nói một cách khác là đặt mình vào dòng chảy của thời đại, phục vụ cao nhất lợi ích của đất nước trong sự hài hòa với những mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, gắn với đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ tiếp tục là một định hướng chiến lược, có vai trò quyết định trong việc tranh thủ các yếu tố thuận lợi, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Định vị Việt Nam
Nhìn lại chặng đường Đổi mới gần 40 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào về những thành tựu mọi mặt của đất nước, về sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập.
Trong những thành tựu đó, hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế đã có những đóng góp to lớn, quan trọng, mang tính đột phá đối với sự phát triển toàn diện, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, góp phần tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam như ngày nay.
Trong những thành quả hội nhập đạt được, có thể nói, ngành Ngoại giao có vai trò quan trọng trong mở đường, phá bỏ bao vây, cấm vận, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Từ chỗ bị bao vây, cô lập, đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế mở ra cục diện quốc tế rộng lớn, thuận lợi cho đất nước để đến hôm nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước có mạng lưới liên kết kinh tế với 230 nước và vùng lãnh thổ, có hệ thống 16 hiệp định thương mại tự do và hàng trăm liên kết quốc tế trong các ngành, lĩnh vực khác nhau.
|
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng. (Ảnh: Bảo Chi)
|
Trong suốt chặng đường gần 40 năm Đổi mới, ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo dựng, phát triển và hoàn thiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước qua từng thời kỳ lịch sử. Khởi đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII năm 1986 với chủ trương “xây dựng một nền kinh tế mới hội nhập với khu vực và thế giới hướng mạnh về xuất khẩu” đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011 là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” và chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, có hiệu quả như hiện nay; những quyết sách lớn về hội nhập quốc tế từng bước được đưa ra và triển khai, thực hiện.
Với tinh thần “kết hợp nội lực với ngoại lực”, ngoại giao đã tích cực huy động nguồn lực và tranh thủ những điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu vươn lên thành nước có thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Trước những thay đổi diễn ra rất nhanh chóng trên thế giới, ngoại giao tiếp tục đóng góp vào việc nhận diện kịp thời các xu hướng phát triển mới, định vị Việt Nam vào dòng chảy của thế giới như các xu hướng toàn cầu hóa, tự do hoá thương mại trước đây hay các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng hiện nay, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước các chính sách phù hợp.
Với tinh thần lấy phục vụ là phương châm hành động, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, ngoại giao đã đóng vai trò mở đường, đồng hành, kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài, là cây cầu hữu nghị thúc đẩy giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc.
Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sự chỉ đạo điều hành trực tiếp và sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua đã được đẩy mạnh triển khai toàn diện, sáng tạo, thực sự trở thành một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, là một động lực quan trọng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.
“Tôi luôn cảm thấy tự hào và tự tin với vị thế ngày càng tăng của đất nước, với tình cảm quý mến của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam và càng chắc chắn hơn về các bước đi hội nhập cũng như những thành quả của hội nhập đối với phát triển đất nước. Chính điều này đã tiếp thêm động lực, truyền thêm niềm đam mê cho chúng tôi, những cán bộ ngoại giao, trong đó có các cán bộ làm công tác đa phương tiếp tục dấn thân, cống hiến, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước cũng như đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển”. (Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Ngoại giao) |
Cần sự đồng hành
Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và xu hướng phân tách, dịch chuyển chuỗi cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đang trải qua những điều chỉnh căn bản, sâu sắc với sự nổi lên của nhiều xu thế mới gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng bền vững, bao trùm. Điều này đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các nước, trong đó có Việt Nam.
Đặt công tác ngoại giao phục vụ phát triển trong tình hình mới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, “cần một tư duy mới để vượt thách thức mới”. Trong đó, “đổi mới”, “hoàn thiện” và “nắm bắt thời cơ” là ba từ khoá xuyên suốt, tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán về con đường hội nhập của Việt Nam theo hướng “thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc”, “phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ký kết biên bản Chương trình phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024-2026.
|
Theo đó, quán triệt văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến 2030, trong quá trình triển khai vừa qua, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ luôn là phương châm chỉ đạo xuyên suốt. Lần đầu tiên, hàng quý, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì Hội nghị với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để thúc đẩy triển khai ngoại giao kinh tế đồng bộ hơn, sáng tạo hơn và thực chất hơn. Đây là cơ chế chỉ đạo, điều phối chưa từng có trước đây.
Tuy nhiên, như Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng chia sẻ, “thực tiễn triển khai giai đoạn vừa qua cho thấy công tác ngoại giao kinh tế không thể hiệu quả và thành công nếu không có sự tham gia tích cực và bám sát nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, địa phương, doanh nghiệp và người dân vừa là mục tiêu chính sách, vừa là đối tượng thụ hưởng nhưng đồng thời cũng là đối tượng triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Ở chiều ngược lại, người dân, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã rất tích cực tham gia thúc đẩy ngoại giao kinh tế, vì sự phát triển của từng địa phương, doanh nghiệp và đất nước”.
|
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng gặp gỡ cộng đồng doanh nhân Việt tham dự Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ từ ngày 10-12/3 tại Boston. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ)
|
Đồng hành với ngành Ngoại giao, mỗi người dân, doanh nghiệp và địa phương đã luôn chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự chủ, tự cường, củng cố nội lực, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh thị trường đầy biến động, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Đánh giá cao các doanh nghiệp, địa phương đã rất chú trọng công tác kết nối, trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết, việc trao đổi thường xuyên là rất cần thiết, giúp nắm bắt các yêu cầu cụ thể của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, việc có thông tin sớm sẽ giúp các cơ quan liên quan hỗ trợ kịp thời và hiệu quả nhất, giúp các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối đối tác đầu tư, kinh doanh cũng như tháo gỡ khó khăn/ vướng mắc…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, “Mỗi người dân, doanh nghiệp, địa phương cũng là các đại sứ thương hiệu cho chính sản phẩm, địa phương mình”. Để tăng tính chủ động, phát huy vai trò tiên phong trong khai phá, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong công tác vận động chính trị - ngoại giao, thẩm tra, xác minh đối tác, kết nối tư vấn pháp lý...
Nhắc tới các bài học đối ngoại đã được đúc kết trong gần 80 năm lịch sử của cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định, bài học kinh nghiệm lớn nhất để con đường hội nhập quốc tế đến đích là “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế”./.
Phong Nhi
Nguồn: baoquocte.vn