Chuyên gia Trung Quốc: Các chuyến thăm cấp cao tăng cường hợp tác thực chất Việt - Trung
Giáo sư Lưu Anh trả lời phỏng vấn trực tuyến

Giáo sư Lưu Anh trả lời phỏng vấn trực tuyến

Ngay sau khi thông tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được hai nước công bố, dư luận Trung Quốc đã bày tỏ trông đợi sự kiện này. Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi tới phóng viên VOV thường trú tại Bắc Kinh và đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn bộ này cho biết, Trung Quốc mong đợi thông qua chuyến thăm này, hai nước sẽ tiếp tục phát huy tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc thêm việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam, cùng nhau đi tốt con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc của riêng mình, cùng thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. 

Từ góc độ của một học giả, Giáo sư Lưu Anh thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, những năm gần đây, việc lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau, đã cho thấy truyền thống hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai bên.

“Việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thăm viếng lẫn nhau giúp giữ vững định hướng cho quan hệ hai nước, dẫn dắt quan hệ song phương phát triển theo hướng chặt chẽ hơn. Trung Quốc và Việt Nam hiện đang tăng cường mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kết nối giữa ‘Vành đai và Con đường’ với ‘Hai hành lang, một vành đai’, không ngừng tăng cường hợp tác thiết thực giữa hai nước”, GS Lưu Anh phân tích.

Bà nhấn mạnh, Việt Nam luôn là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Quan hệ Việt - Trung duy trì đà phát triển đã được thể hiện qua các Tuyên bố chung mà lãnh đạo hai nước ký kết những năm gần đây: “Trong các chuyến thăm lẫn nhau, lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã ra các Tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác, không ngừng nâng cao chất lượng và nâng cấp quan hệ song phương. Nếu nhìn lại các bản Tuyên bố chung từ khoảng năm 2000, tức từ đầu thế kỷ đến nay, sẽ thấy cứ vài năm hai nước lại ra một Tuyên bố chung. Số từ và độ dài của các bản Tuyên bố chung ngày càng dài hơn, nội dung ngày càng phong phú hơn”.

Là một chuyên gia kinh tế, Giáo sư Lưu Anh dành sự quan tâm đặc biệt đến hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Bà ghi nhận những kết quả đạt được giữa hai bên thời gian gần đây. Trong đó, đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, với tốc độ tăng trưởng đạt hơn 24% trong 7 tháng đầu năm, theo số liệu mới nhất của phía Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Theo bà, tăng cường xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới và kết nối hạ tầng nên là ưu tiên trong hợp tác giữa hai bên: “Tôi cho rằng, ưu tiên hàng đầu của hai nước Trung Quốc và Việt Nam nên là tăng cường hợp tác toàn diện và thực chất, nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc tăng cường kết nối giữa ‘Hai hành lang, một vành đai’ với ‘Vành đai và Con đường’. Trên thực tế, nội dung hợp tác hết sức phong phú, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới”.

Giáo sư Lưu Anh cũng cho rằng, trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường hợp tác kinh tế số, kinh tế xanh, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, tài chính, tiền tệ, cũng như kinh tế và thương mại địa phương…, nhằm góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất