(TTĐN) - Khi nghèo đói cùng cực gần như đã được xóa bỏ, Việt Nam đang chuyển sang giải quyết các nguy cơ nghèo khác liên quan đến biến đổi khí hậu, già hoá dân số, thay đổi công nghệ, bất bình đẳng giới...
|
Mô hình du lịch cộng đồng đã giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. (Ảnh: TTXVN)
|
Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo 17/10 năm nay với chủ đề “Chấm dứt sự ngược đãi về xã hội và thể chế”, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đã có bài viết “Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo: Những hình thức nghèo đói mới”, nhìn lại những thành tựu và thách thức trong quá trình giảm nghèo ở Việt Nam.
Thành công về giảm nghèo được công nhận rộng rãi
Bà Ramla Khalidi đánh giá thành công của Việt Nam trong các chương trình giảm nghèo được công nhận rộng rãi. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo cùng cực ở Việt Nam đã giảm từ 45% năm 1992 xuống chỉ còn 1% hiện nay.
Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc tích hợp các biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia, không chỉ về thu nhập mà còn bao gồm cả các yếu tố như tiếp cận y tế, giáo dục, vệ sinh và nước sạch. Từ năm 2016, Chính phủ đã theo dõi chặt chẽ các chỉ số nghèo đa chiều, sử dụng các chỉ số đó để thực hiện các chương trình giảm nghèo khu vực và quốc gia.
Theo nghiên cứu của UNDP và Sáng kiến Nghèo đói và Phát triển Con người của Oxford, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã giảm 50% chỉ số nghèo đa chiều (MPI). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm xuống còn 2,9% dân số.
|
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
|
Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bền vững cùng với việc tạo công ăn việc làm chính là động lực giảm nghèo. Sự chuyển dịch ổn định từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ đã gia tăng tỷ lệ người lao động có thu nhập ổn định, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp.
Chính phủ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc giảm nghèo thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển nông thôn, cũng như các chương trình chính thống nhằm đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục và y tế.
Còn nhiều thách thức
Bà Ramla Khalidi cho rằng Việt Nam có nhiều điều đáng tự hào về giảm nghèo. Những lợi ích của phát triển kinh tế đã được chia sẻ công bằng và chỉ còn một số ít người đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên những mối đe dọa mới đối với cuộc sống của người dân liên tục xuất hiện, cần kịp thời điều chỉnh chính sách để có thể ứng phó với những thách thức này.
“Giờ đây, khi nghèo đói cùng cực gần như đã được xóa bỏ, Việt Nam chuyển sang giải quyết các nguy cơ khác liên quan đến biến đổi khí hậu, thách thức môi trường, thay đổi cơ cấu dân số, thay đổi công nghệ và bất bình đẳng giới”, bà nói.
Theo bà Ramla Khalidi, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và lũ lụt. Siêu bão Yagi là một lời cảnh tỉnh về sức tàn phá của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt với thiệt hại to lớn về cơ sở hạ tầng, sinh kế và điều kiện sống, đặc biệt đối với người dân ở nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Việc đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến và cơ sở hạ tầng cũng như nhà ở chống bão lũ có thể giúp bảo vệ các cộng đồng này không bị rơi vào nghèo đói do thiên tai. Việt Nam cần củng cố các chương trình bảo trợ xã hội để có thể hỗ trợ kịp thời cho các cộng đồng và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nỗ lực phục hồi thông qua các biện pháp tài khóa như giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính ngay sau thiên tai.
Thay đổi cơ cấu dân số cũng là một thách thức đáng chú ý. Việt Nam sẽ được hưởng giai đoạn dân số vàng cho đến khoảng năm 2040, với tỷ lệ phụ thuộc thấp, dân số trong độ tuổi lao động nhiều hơn người già và trẻ em. Tuy nhiên, khi số lượng người cao tuổi tăng lên, các hộ gia đình sẽ phải dành nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ cho các thành viên không lao động. Điều này có thể gây áp lực tài chính đối với các hộ gia đình không có lương hưu. Với phần lớn người dân Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức, ước tính chỉ có khoảng một phần ba các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định sau khi nghỉ hưu.
|
Việt Nam cần có thêm sự đầu tư vào dạy nghề cũng như giáo dục bậc đại học nhằm giúp lực lượng lao động chuẩn bị sẵn sàng cho các công việc trong tương lai. (Ảnh: TTXVN)
|
Tại Việt Nam, tác động của tự động hóa lên việc giảm nghèo vẫn chưa được đánh giá. Ví dụ, hiện có hơn ba triệu người đang làm việc trong ngành dệt may tại Việt Nam, nhiều người làm các hoạt động lắp ráp lao động nặng. Với việc trí tuệ nhân tạo được tích hợp nhanh chóng vào các hoạt động công nghiệp, có thể thấy số lượng lao động cần thiết để thực hiện các hoạt động lắp ráp đơn giản sẽ giảm trong tương lai gần.
Để chuẩn bị cho kịch bản này, bà Ramla Khalidi kiến nghị Việt Nam cần có thêm sự đầu tư vào dạy nghề cũng như giáo dục bậc đại học nhằm giúp lực lượng lao động chuẩn bị sẵn sàng cho các công việc trong tương lai, với nhiều vị trí sẽ đòi hỏi bằng trung cấp và kỹ năng nâng cao; cần cải cách thủ tục pháp lý để kích thích đầu tư và tạo việc làm trong các lĩnh vực đang nổi lên như khoa học máy tính và dữ liệu, kỹ thuật, an ninh mạng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Một yếu tố góp phần vào tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong việc xóa đói giảm nghèo là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ cao, đạt 68% vào năm 2023. Tuy nhiên, những định kiến và khuôn mẫu truyền thống vẫn là rào cản đối với phụ nữ. Sự phân công lao động theo giới tính đã ngăn cản phụ nữ tiếp cận một số công việc mà họ mong muốn và ngay cả khi họ được phép làm những công việc giống như nam giới, họ thường nhận mức lương thấp hơn. Bạo lực giới là một mối quan ngại lớn, với UNFPA ước tính gần hai phần ba phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 từng hứng chịu tình trạng bạo lực từ nam giới.
|
Người dân vui mừng nhận tiền vốn vay từ điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt)
|
Theo bà Ramla Khalidi, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 về bình đẳng giới. Chính phủ đã củng cố các khung pháp lý và chính sách nhằm loại bỏ những rào cản đối với phụ nữ và trẻ em gái trong việc tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và công lý. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử và định kiến vẫn là những trở ngại đối với nỗ lực đạt được sự bình đẳng hoàn toàn.
Nam giới và các bé trai không chia sẻ việc nhà một cách công bằng với phụ nữ và trẻ em gái, và chưa nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao, cả trong khu vực công lẫn khu vực tư nhân. Ở một số vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, nạn tảo hôn, mang thai tuổi vị thành niên và sự thiệt thòi tiếp tục ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lứa tuổi.
“Quan trọng là chúng ta cần nâng cao cảnh giác, nỗ lực loại bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong các thể chế, tập quán văn hóa và hành vi ứng xử. Là các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, chúng ta cùng nhắc lại điều đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, đó là niềm tin của chúng ta vào các quyền cơ bản của con người, vào phẩm giá và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các quốc gia lớn và các quốc gia nhỏ. Chính cam kết đảm bảo mọi công dân và thành viên trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật này là tinh thần mà chúng ta kỷ niệm Ngày Xóa đói Giảm nghèo năm nay”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh./.
Hồng Kiều
Nguồn: vietnamplus.vn