Bài 1: Nhận diện hoạt động tuyên truyền chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động 'ly khai', 'tự trị' trong vùng dân tộc thiểu số
Đời sống của bà con dân tộc thiểu số luôn được chính quyền các cấp quan tâm, chăm lo. (Ảnh minh họa: Nguyễn Hồng)

Đời sống của bà con dân tộc thiểu số luôn được chính quyền các cấp quan tâm, chăm lo. (Ảnh minh họa: Nguyễn Hồng)

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa văn hóa với 54 dân tộc anh em; các dân tộc đều bình đẳng với nhau, không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp; quyền lợi chính đáng của các dân tộc được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Song với dã tâm chống phá đất nước, các thế lực thù địch luôn khoét sâu đặc điểm đa dân tộc của nước ta, tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuyên truyền chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động “ly khai”, “tự trị” là hoạt động phổ biến, nằm trong âm mưu xuyên suốt, lâu dài của các thế lực thù địch, phản động nhằm lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng Việt Nam.

Các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng các vấn đề phức tạp nảy sinh trong vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là yếu tố lịch sử tộc người, sự khác biệt về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế, xã hội; nhận thức chính trị hạn chế của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số… để tuyên truyền tư tưởng dân tộc hẹp hòi, gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, đòi lập “nhà nước riêng”, tổ chức “tôn giáo riêng” theo từng dân tộc…

Mục đích ẩn sau các hoạt động tuyên truyền này là tác động tới nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số, hướng lái họ tham gia vào các hoạt động chống chính quyền, tập hợp lực lượng, làm cơ sở xã hôi cho việc hình thành lực lượng chống đối, thành lập các tổ chức chính trị phản động trong dân tộc thiểu số.

Thiếu tướng Hầu Văn Lý, Phó cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động “ly khai”, “tự trị” được các thế lực thù địch, phản động trong dân tộc thiểu số đẩy mạnh tiến hành, thường xuyên, liên tục trên phạm vi rộng, tần xuất dày đặc, tập trung chủ yếu tác động vào một số địa bàn trọng điểm.

Địa bàn Tây Bắc và phụ cận

Hoạt động tuyên truyền chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động “ly khai”, “tự trị” tại địa bàn Tây Bắc và phụ cận gắn liền với âm mưu, hoạt động nhằm lập “Nhà nước Mông”.

Trong 9 tháng đầu năm nay, các đối tượng hoạt động lập “Nhà nước Mông” hiện đang ở bên ngoài đã sử dụng hàng trăm tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter thường xuyên đăng tải tin, hình ảnh xuyên tạc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Đáng chú ý, đối tượng Vừ Thị Dợ (cầm đầu tổ chức “Bà Cô Dợ” bên ngoài) thường xuyên tổ chức họp Zoom để tuyên truyền, lôi kéo, củng cố niềm tin về “tổ chức” cho số trong nước.

Ở trong nước, số đối tượng từng tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông” đã bị bóc gỡ, xử lý tiếp tục nằm im, nghe ngóng, mặc dù chưa phát hiện hoạt động phức tạp song vẫn lén lút tìm hiểu, theo dõi các hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông” trên không gian mạng, chờ thời cơ tái hoạt động.

Tây Nguyên và phụ cận

Tại Tây Nguyên và phụ cận, hoạt động này gắn liền với âm mưu nhằm thành lập “Nhà nước Đêga”. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay, các tổ chức phản động FULRO lưu vong đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua 4 đài phát thanh, 26 fanpage, 8 kênh YouTube và sử dụng hàng trăm tài khoản Facebook đăng tải, chia sẻ trên 4.715 tin, bài viết, hình ảnh, videoclip để tuyên truyền, kích động ly khai, tự trị, khoét sâu mâu thuẫn giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh, kích động người dân tộc thiểu số chống lại việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hoài vọng về “Nhà nước Đêga”.

Bên cạnh đó, từ tháng 6/2023 đến nay, các tổ chức phản động FULRO đã tập hợp lực lượng kêu gọi người dân tộc thiểu số tại nước ngoài tổ chức 5 cuộc biểu tình nhằm kêu gọi chính giới một số nước và các tổ chức quốc tế can thiệp, phản đối chính quyền Việt Nam đàn áp “người Đêga”, “người Thượng”, thả những người đã bị bắt sau vụ khủng bố ngày 11/6, không thực hiện việc dẫn độ các đối tượng chỉ đạo khủng bố ở bên ngoài đã bị Việt Nam truy tố, xét xử và ra quyết định truy nã; đòi trả lại vùng đất Tây Nguyên cho “người Đêga”, xuyên tạc phiên tòa xét xử và các bản án đối với số đối tượng phản động, chống đối người dân tộc thiểu số bị xử lý thời gian qua; đồng thời tổ chức tuyên truyền rầm rộ về các cuộc biểu tình này nhằm khuếch trương thanh thế, tạo ra sự “ảo tưởng”, “ngộ nhận” cho số trong nước về thực lực của các tổ chức FULRO lưu vong.

Vùng dân tộc Chăm

Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động “ly khai”, “tự trị” tại vùng dân tộc Chăm gắn liền với cái mác phục hồi “Vương quốc Champa”.

Thời gian qua, số đối tượng cầm đầu, cốt cán Chăm lưu vong tiếp tục lợi dụng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm như: mâu thuẫn giữa một bộ phận đòi thay đổi tên gọi từ “Hồi giáo Bàni” thành “Tôn giáo Bàni” hoặc “Đạo Bàni” với đa số người Chăm ủng hộ giữ nguyên tê gọi “Hồi giáo Bàni”; việc chính quyền tiến hành khảo sát, triển khai dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận… để đẩy mạnh tuyên truyền, tác động vào vùng dân tộc Chăm trong nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đòi ly khai lập “tôn giáo riêng”, kích động tư tưởng chống đối, thù địch với chính quyền trong người Chăm.

Bên cạnh đó, một số đối tượng ở nước ngoài công khai gửi “Thư yêu cầu” đến Tỉnh ủy, UBND, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đề nghị cho phép vận chuyển sách “Tài liệu Hoàng gia Champa” về Việt Nam để phát cho số trí thức, chức sắc tôn giáo người Chăm nhằm khơi gợi hoài niệm về “Vương quốc Champa”, tập hợp lực lượng, gây áp lực đòi Nhà nước công nhận và thực thi “quyền dân tộc bản địa”, tiến tới đòi quyền “tự trị”, “tự quyết” cho người Chăm.

BBC Tiếng Việt có nhiều bài viết xuyên tạc bản chất vụ việc ở Tây Nguyên

BBC Tiếng Việt có nhiều bài viết xuyên tạc bản chất vụ việc ở Tây Nguyên

Vùng Tây Nam bộ

Từ đầu năm đến nay, tổ chức phản động mang tên Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF) đã cử đại diện tham gia 5 hội nghị, diễn đàn quốc tế; tổ chức 9 cuộc biểu tình, 2 cuộc diễu hành, 1 buổi lễ hưởng ứng “Ngày tị nạn quốc tế”… nhằm cung cấp thông tin sai lệch, xuyên tạc tình hình nhân quyền của đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam bộ, vu cáo chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người “Khmer Krom”, cố tạo ra cái gọi là “thảm họa nhân đạo” trong vùng Khmer tại Tây Nam Bộ.

Không ngừng gieo rắc tư tưởng thù hằn, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, KFF còn kêu gọi Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam với những thông tin bịa đặt, vu cáo, sai sự thật. Đồng thời, KFF còn tuyên truyền xuyên tạc, đăng tải nhiều tài liệu, hình ảnh sai sự thật về vùng đất Tây Nam bộ, công bố “bản đồ nhà nước Khmer Krôm”…

Bên cạnh đó, KKF, các hội, nhóm KKK cực đoan đã thông qua các báo, đài ngoại vi (VOKK, KKCTV, Khmer21, Reahou TV, KKIP TV…) tổ chức 102 cuộc phỏng vấn, 111 buổi hội luận, tán phát 16 video, 6 thông báo, 3 tuyên bố, 1 đơn kiến nghị, 9 thông cáo báo chí có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam.

Các hoạt động này không chỉ gây chia rẽ gây mất đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số, giữa người dân tộc thiểu số với chính quyền, mà còn gây tâm lý hoang mang, dao động trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho các loại hình "tà đạo," tôn giáo mới phát triển vào địa bàn, làm xáo trộn đời sống chính trị, xã hội, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương.

Mục đích cuối cùng trong âm mưu, hành động của chúng là làm mất ổn định đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bôi nhọ hình ảnh Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, tạo cớ cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước; phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia; hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nước ta.

Bài 2: Lật tẩy phương thức, thủ đoạn thâm độc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất