 |
Hội cồng chiêng của dân tộc Giá Rai, huyện Chư Prông(Gia Lai). (Ảnh:TTXVN)
|
Hướng đi mới nhiều triển vọng
Theo nghiên cứu của tác giả Đinh Việt Hà (Viện Nghiên cứu
Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), việc khai thác hiệu quả các chất
liệu đa dạng của văn hóa truyền thống, kế thừa và sử dụng sáng tạo giá trị di sản
văn hóa các tộc người thiểu số là cách thức bảo tồn di sản và cũng là một hướng
đi mới mẻ, nhiều triển vọng cho các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các
ngành điện ảnh, âm nhạc, thời trang, du lịch văn hóa…
Theo đó, các di sản có vai trò quan trọng trong phát triển
kinh tế - xã hội, giúp hình thành và bồi đắp đời sống tinh thần của các tộc người
thiểu số, góp phần vào sự phát triển chung của từng địa phương, từng vùng và đất
nước; gia tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh mềm
cho dân tộc. Trong 15 Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi
danh, có nhiều di sản thuộc về cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó là Không gian văn
hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật
Xòe Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Du lịch đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những
vùng, địa phương khu vực miền núi. Du khách đến với các vùng này cùng với ngắm
cảnh, thưởng thức ẩm thực sẽ được trải nghiệm lối sống, nét văn hóa của từng tộc
người, tìm hiểu tri thức địa phương. Du khách có thể được khám phá kỹ thuật
canh tác miền núi (ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Y Tý, Hoàng Su Phì…); tham
gia nghề thủ công (dệt thổ cẩm của người Mông, Dao, Tày, Thái…). Du khách cũng
là những người tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của điểm đến, mang lại giá trị
kinh tế cao.
Ở các vùng dân tộc thiểu số, loại hình du lịch cộng đồng,
homestay đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của du khách. Điển
hình là du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên,
tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); người
Hà Nhì ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng
Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); người Mông ở bản Cát Cát (xã San Sả Hồ,
huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ,
tỉnh Hà Giang)... Nhà nước và chính quyền các địa phương đã xây dựng nhiều điểm,
tuyến du lịch như tuyến vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc; "Qua những
miền di sản Việt Bắc", tuyến du lịch tìm hiểu Không gian văn hóa cồng
chiêng Tây Nguyên...để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa của đồng
bào.
Trong phim ảnh, các tác phẩm lấy chất liệu từ văn hóa các tộc
người thiểu số còn ít nhưng cũng có một số bộ phim ghi dấu ấn đặc biệt đối với
công chúng như "Chuyện của Pao" (phim điện ảnh), "Lặng yên dưới
vực sâu" (phim truyền hình) hay "Những đứa trẻ trong sương"
(phim tài liệu)…Việc khai thác chất liệu văn hóa tộc người thiểu số lên phim mở
ra hướng bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa này một cách hiệu quả.
Từ sau phim "Chuyện của Pao", làng Lũng Cẩm (thôn Lũng Cẩm, xã Sủng
Là, huyện Đồng Văn) - địa điểm quay phim đã trở thành một điểm đến không thể
thiếu trong các tour đến Hà Giang.
Tác giả Đinh Việt Hà nêu rõ, việc sử dụng chất liệu âm nhạc
truyền thống của các tộc người thiểu số không phải là việc làm mới. Trước đây,
âm nhạc Việt Nam đã có "Chiếc khăn piêu", "Trước ngày hội bắn"…
nay các nhạc sĩ trẻ tiếp tục kế thừa, nỗ lực khai thác chất liệu đặc trưng của
văn hóa các tộc người thiểu số để sáng tạo những sản phẩm mới. Có thể kể đến
các ca khúc có chủ đề, âm điệu hay bối cảnh là vùng dân tộc thiểu số như
"Tình yêu màu nắng", "Nhà em ở lưng đồi", "Lời ca gửi
Nọong" hay "Để Mị nói cho mà nghe"...
Việc khai thác chất liệu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
trong âm nhạc, sản xuất video âm nhạc là hướng đi nhiều thử thách nhưng rất
đáng khích lệ, sẽ tạo ra dấu ấn cho nghệ sĩ, chỗ đứng riêng cho âm nhạc Việt.
Thực tế cũng cho thấy, để có sản phẩm cuốn hút, người nghệ sĩ phải "nhọc
công" hơn để khai thác được tinh túy từ kho tàng văn hóa các tộc người.
 |
Trình diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên tại thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. (Ảnh:TTXVN)
|
Nhiều nhà thiết kế thời trang đã góp phần gìn giữ và quảng
bá vẻ đẹp đặc sắc trong văn hóa truyền thống các tộc người thiểu số qua sản phẩm
thời trang mang tính ứng dụng, nhất là hoa văn thổ cẩm. Nhiều chương trình thời
trang lớn đã kết hợp trình diễn với tôn vinh di sản thiên nhiên hoặc văn hóa
dân tộc. Có thể kể đến, Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam lần thứ 14 chủ đề
"Cảm hứng di sản" (Taste of Heritage) đã giới thiệu hơn 30 thiết kế
trong bộ sưu tập "Ký gửi người Mông vào tương lai". Đây là bộ sưu tập
của nhà thiết kế Vũ Việt Hà lấy cảm hứng từ vẻ đẹp văn hóa vùng cao, nhất là
trang phục thổ cẩm của dân tộc Mông tại Sa Pa (Lào Cai) đã để lại nhiều ấn tượng
với người xem...
Phát triển theo hướng bền vững
Tại Diễn đàn "Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, 54 dân tộc anh em đang sinh sống
trên dải đất hình chữ S, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên
sự thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam. Đó là đặc trưng nhưng cũng là quy
luật phát triển của văn hóa nước nhà; làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh
quốc gia, sức hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam; góp phần định vị bản sắc văn
hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến văn hóa và di sản
văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các thế hệ con người Việt Nam đã không ngừng xây
dựng, bồi đắp, hun đúc để tạo nên sức mạnh văn hóa dân tộc ngày càng giàu bản sắc.
Những thành quả của văn hóa - nghệ thuật, sáng tạo luôn được giữ gìn, trao truyền,
kết thành kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và đồ sộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, việc khai thác, phát huy
nguồn lực văn hóa cộng đồng các dân tộc là việc cần phải làm theo hướng bền vững,
thực hiện từng bước, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ trưởng đề nghị
ngành Văn hóa phải đề cao vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí
thức đóng vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của tất các bên liên quan,
đóng góp vào sự phát triển nguồn lực văn hóa các dân tộc, vì sự phát triển
chung của đất nước.
Phía cộng đồng các dân tộc - chủ thể sáng tạo cần đề cao
trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tham gia tích cực vào các
hoạt động sáng tạo, truyền dạy cho thế hệ sau. Đồng bào cần tiếp thu, bổ sung
những giá trị mới phù hợp để phát triển.
Theo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, giá trị di sản
văn hóa các tộc người thiểu số là chất liệu, cảm hứng dồi dào, phong phú để
khai thác phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác
tiềm năng này, các chủ thể sáng tạo và nhà sản xuất cần phải chú ý để hạn chế tối
đa các tác động tiêu cực tới hệ thống các di sản văn hóa.
Bởi lẽ, các di sản văn hóa phi vật thể như hát then, múa
khèn, cồng chiêng... khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình
"hàng hóa hóa" di sản, được sân khấu hóa, cắt gọt phần nghi lễ, tách
khỏi không gian của đồng bào, khiến cho tính cộng đồng, tính thiêng của các di
sản có nguy cơ bị mai một dần. Thực tế cũng cho thấy, tại một số điểm du lịch,
lượng du khách đến tham qua, trải nghiệm thường rất đông, mang lại nguồn thu
cho cộng đồng, địa phương nhưng cũng dẫn đến tình trạng quá tải, gây ra những hệ
quả không mong muốn với môi trường, nếp sống văn hóa của cộng đồng địa phương.
 |
Đồng bào các dân tộc cùng du khách tham gia nhảy múa chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2019. (Ảnh:TTXVN)
|
Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc
gia Việt Nam đưa ra rất nhiều giải pháp mang tính ứng dụng nhằm bảo tồn, phát
huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Trong đó, ông đề cập đến việc tổ
chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc từ cấp xã đến
tỉnh, để họ hiểu và học tập lẫn nhau. Các đơn vị liên quan cần tổ chức hoạt động
và dịch vụ văn hóa, khôi phục, khai thác làng nghề văn hóa các dân tộc, tiến tới
giới thiệu rộng rãi sản phẩm đó ra các vùng, miền và cả nước. Quan trọng hơn cả
là phải gắn văn hóa của đồng bào các dân tộc với hoạt động du lịch để vừa quảng
bá văn hoá vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng bào người
dân tộc thiểu số bản địa cần được đào tạo thành các hướng dẫn viên du lịch để tự
giới thiệu, quảng bá, lan tỏa chính xác nhất giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Mặt khác, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn
vinh các nghệ nhân tiêu biểu trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá các
dân tộc thiểu số, coi họ là "những báu vật nhân văn sống" như cách định
danh của UNESCO (2005). Các nghệ nhân hiện nay hầu hết đã cao tuổi, khi họ ra
đi về với tổ tiên cũng là lúc nguồn di sản quý báu vô tình bị chìm vào quên
lãng. Các tri thức bản địa, kỹ năng của loại hình di sản văn hóa phi vật thể sẽ
mất dần.
Kiến tạo văn hóa đồng bào các dân tộc Việt Nam thông qua các
sản phẩm đậm đà bản sắc là một hướng đi mới mẻ, nhiều triển vọng của ngành công
nghiệp văn hóa. Đây cũng chính là cách thức làm giàu cho đất nước với một nền
kinh tế văn hóa xứng tầm; để văn hóa dân
tộc ta không "hòa tan" trong dòng chảy toàn cầu./.
Thanh Giang
Nguồn: baotintuc.vn