|
Toàn cảnh đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024
|
Đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng
Trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị tại đại hội, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết, với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thành phố Hà Nội đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập, phát triển”, đại hội là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm của thành phố trong việc chăm lo mọi mặt đời sống đồng bào DTTS.
Đại hội cũng tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào DTTS vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Tại Đại hội, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Nguyễn Nguyên Quân đã thông tin khái quát về tình hình đồng bào các DTTS trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Đồng bào DTTS Hà Nội đang sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, với khoảng 107.847 người, thuộc 50/53 thành phần DTTS, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố.
Thời gian qua, các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu. Nhờ đó, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
|
Vinh danh các đại biểu có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của thành phố Hà Nội
|
Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá chính xác thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi từ Đại hội lần thứ III năm 2019 đến nay. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc ở các địa phương và của thành phố giai đoạn 2024 - 2029. Đây cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, động viên, cổ vũ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.
Hơn hết, đại hội đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2029 gồm: Thu nhập bình quân của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% - 85% và 100% thôn, làng có nhà văn hóa; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%.
Tại Đại hội, các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Trong đó, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì, ông Bùi Huy Giáp, chia sẻ kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I năm 2021 - 2025; Chương trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bà Hoàng Thu Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội chia sẻ về kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc của các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô góp phần thực hiện thành công Dự án 8 trên địa bàn thành phố.
Khai thác đội ngũ trí thức DTTS
Phát biểu tại Đại hội, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc cho biết, trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội đã có những chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS, triển khai thực hiện toàn diện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, giai đoạn 2019-2024, Hà Nội đã quan tâm dành nguồn lực lớn, bố trí trên 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện kinh tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có trên 265 dự án, công trình điện, đường giao thông, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, khu vui chơi thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời bố trí trên 8.000 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vay phát triển sản xuất và giải quyết một số yêu cầu bức thiết trong cuộc sống.
Những kết quả rất tích cực và toàn diện trong công tác dân tộc của thành phố trong những năm qua cho thấy, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố; nhân tố then chốt và quyết định sự thành công là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của từng cộng đồng các dân tộc, sự linh hoạt, sáng tạo trong hành động của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đồng bào ta.
“Tại Đại hội lần này, tôi đề nghị thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi để người dân phát huy nội lực, vượt qua chính mình hội nhập và phát triển…. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần có giải pháp thiết thực đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn... Vì hơn hết, đội ngũ này hiểu biết, gắn bó mật thiết với người dân; họ biết người dân cần gì và phải làm thế nào để đáp ứng được mong đợi của họ; đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số là tính cố kết cộng đồng rất cao, luôn tin vào những người cùng dân tộc, cùng hoàn cảnh với nhau…”, ông Y Thông đề xuất.
Ngoài ra, ông Y Thông nhấn mạnh, cùng với phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào, cần phải quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, đa dạng, phong phú thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, đây là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
|
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại đại hội
|
Phát biểu đáp từ, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đề nghị đại hội nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Đồng thời đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu: Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc. Xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của Thành phố. Bên cạnh đó tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị....
Các địa phương tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức chính tri- xã hội các cấp. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là ở các thôn, bản; thực hiện tốt chính sách pháp luật dân chủ ở cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước.
Trong khuôn khổ đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trao tặng 4 Kỷ niệm chương, 6 Bằng khen (1 tập thể, 5 cá nhân); Chủ tịch UBND thành phố tặng 50 Bằng khen (14 tập thể, 36 cá nhân); Trưởng ban Dân tộc thành phố tặng 120 giấy khen (20 tập thể, 80 cá nhân) cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của thành phố Hà Nội.
Trung Nguyên - Hồng Phượng
Nguồn: baotintuc.vn