|
Ông Hoàng Quần (thứ hai từ trái sang) phiên dịch tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong thăm Việt Nam, tháng 11/1956. (Ảnh: NVCC)
|
Vào những năm đầu thế kỷ XX, tại Pháp cũng như tại Quảng Châu, Trung Quốc, nhiều thanh niên yêu nước của Trung Quốc và Việt Nam đang trên đường tìm tòi phương pháp cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách thống trị của thực dân và chế độ phong kiến. Những thanh niên yêu nước ấy đã gặp nhau, kề vai chiến đấu trên những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, chông gai.
Bước sang những năm 40-50 của thế kỷ XX, hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiếp tục kề vai chiến đấu để giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, tạo ra lợi thế lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, do hai nước có đường biên giới chung dài, thuận lợi cho việc chi viện và giúp đỡ lẫn nhau.
Lúc này, hai dân tộc đều ở trong phong trào cộng sản quốc tế do Đảng Cộng sản lãnh đạo với tinh thần chủ nghĩa quốc tế, theo yêu cầu của Đảng cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục sát cánh chiến đấu đánh bại kẻ thù chung, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử nhiều cán bộ quân sự và chính trị giàu kinh nghiệm sang giúp nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cử chỉ giản dị và nỗ lực đấu tranh cho nông dân
Tôi là một học sinh Hoa kiều, vì chiến tranh phải rời thành phố di tản lên Việt Bắc và tham gia vào bộ đội tự vệ đầu năm 1947. Năm 1948, tôi được cử lên chiến khu Trung ương học lớp vô tuyến điện, sau đó làm việc ở một trạm điện đài có nhiệm vụ liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời thu và dịch tin tức của Tân Hoa xã cung cấp cho các vị lãnh đạo của Việt Nam theo dõi tiến triển của cách mạng Trung Quốc và tin tức thế giới.
Năm 1950, sau khi đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam kháng chiến, các cán bộ Hoa kiều và cán bộ điện báo đã được chuyển giao cho đoàn cố vấn chính trị. Cùng với tiến triển của cuộc kháng chiến, các cán bộ điện báo như chúng tôi, vì biết hai thứ tiếng Trung Quốc và Việt Nam, chuyển dần sang làm công tác phiên dịch cho chuyên gia Trung Quốc.
Năm 1953-1954, tôi được cử sang làm phiên dịch cho Tổ cố vấn công tác nông thôn. Ai cũng hiểu rằng, sau chiến dịch biên giới, khu giải phóng ngày càng được mở rộng, việc phát triển sản xuất nông nghiệp và củng cố vùng nông thôn để làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài là việc làm hết sức quan trọng, có tầm chiến lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác nông thôn lúc bấy giờ. Cứ vài ba tháng, Bác lại đến thăm Ban lãnh đạo và các cán bộ làm công tác nông thôn, theo dõi tình hình và chỉ đạo công tác. Mỗi khi đến, Bác đều quan tâm thăm hỏi tình hình sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của các đồng chí cố vấn trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ.
Có lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đúng lúc đoàn sắp đến bữa cơm, Bác đã ở lại dùng cơm cùng các đồng chí cố vấn. Tôi còn nhớ, bữa cơm hôm đó có món trứng rán, thịt vịt luộc, rau muống xào và canh mồng tơi.
Cuối bữa, Bác lần lượt cầm đĩa lên sẻ vào bát cho mọi người, bảo ăn cho hết, tránh lãng phí. Mọi người đều vui vẻ làm theo lời Bác. Cử chỉ giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho mọi người rất khâm phục tinh thần tiết kiệm của Bác.
Lần khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi với đồng chí La Quý Ba, Trưởng đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc. Khi đến con suối nằm chắn ngang đường đi, lòng suối có đặt những tảng đá cuội lớn để người đi qua không phải lội xuống nước. Có một quãng suối không có tảng đá nào, ai muốn đi qua bắt buộc phải lội xuống nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh nhẹn bước lên trước, cúi xuống dùng tay vần những tảng đá lại gần để mọi người bước qua. Thấy vậy, bà Lý Hàm Trân, phu nhân của đồng chí La Quý Ba đã vô cùng xúc động, nói liền mấy câu “cảm ơn Hồ Chủ tịch”.
Sinh trưởng ở nông thôn thời Pháp thuộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu những khó khăn của nông dân Việt Nam. Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Người luôn lên tiếng phê phán ách cai trị, áp bức, bất công mà người nông dân Việt Nam dưới chế độ cũ phải chịu đựng.
Tháng 7/1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Trung tâm cách mạng của phong trào cộng sản lúc bấy giờ là Mạc Tư Khoa. Tháng 10/1923, Người là đại diện các dân tộc thuộc địa Pháp tham gia Hội nghị quốc tế nông dân lần thứ nhất. Tại Hội nghị, Người đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với các thuộc địa, nêu lên nỗi thống khổ của người nông dân Việt Nam. Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu vào Ban Chấp hành Hội đồng quốc tế nông dân.
Việt Nam và Trung Quốc, trước ngày giải phóng, là những nước thuộc chế độ thuộc địa và nửa thuộc địa, nông dân là tầng lớp đông đảo và nghèo nhất. Do đó, giải quyết được vấn đề của nông dân là việc làm hết sức quan trọng của cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ ở cả hai nước.
“Ông Hoàng Quần là người nối nhịp cầu cho tình hữu nghị cách mạng giữa nhân dân hai nước, có những đóng góp tích cực, cũng là người chứng kiến nhiều mốc son lịch sử quan trọng của mối quan hệ ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’ giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng
Vừa là đồng chí, vừa là anh em
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Geneva, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tháng 10/1954, Chính phủ Việt Nam và các đoàn cố vấn chuyển về làm việc tại thủ đô Hà Nội.
Bước sang giai đoạn lịch sử mới, Đoàn cố vấn chính trị Trung Quốc đã tách số cán bộ trong đoàn làm hai bộ phận, một bộ phận chuyển sang làm công tác ngoại giao, thành lập Đại sứ quán đầu tiên tại Hà Nội và đồng chí La Quý Ba trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đầu tiên.
Một số cán bộ chuyển sang làm công tác viện trợ và khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Chính phủ Trung Quốc đã cử Thứ trưởng Bộ Tài chính Phương Nghị đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Kinh tế đối ngoại Trung Quốc tại Việt Nam. Tôi nằm trong số những cán bộ được chuyển sang công tác tại Ban này.
Những ký ức sâu đậm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
|
Tổng lãnh sự Nguyễn Việt Dũng và các cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu thăm ông Hoàng Quần ngày 11/8. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
|
Các cán bộ làm công tác kinh tế ở Ban Kinh tế đối ngoại được gọi là chuyên gia Trung Quốc. Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần của các chuyên gia.
Cứ cách vài tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mời các chuyên gia vào Phủ Chủ tịch, cùng ăn cơm hay xem biểu diễn văn nghệ, nhất là những khi có đoàn văn công nước ngoài đến biểu diễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó vẫn ăn mặc giản dị, chân đi dép cao su và nơi ở của Người tại Phủ Chủ tịch vẫn là ngôi nhà sàn có chân cao như hồi ở chiến khu Việt Bắc.
Mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh của một vị lãnh tụ hiền từ, giản dị, chất phác lại hiện lên trong đầu tôi, không bao giờ phai nhạt, bởi vì hình ảnh đó đã thấm sâu trong lòng.
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng cùng chung biên giới, có nền văn hóa Phương Đông giống nhau. Trải qua hơn 100 năm, hai nước đều từng cùng lâm vào hoàn cảnh bị đế quốc đô hộ và chia cắt, có nhiều nét tương đồng. Do vậy, trong quá trình đi tìm đường giải phóng dân tộc, những người thanh niên yêu nước của hai dân tộc đã gặp nhau trên con đường cách mạng, cùng nhau chiến đấu giải phóng dân tộc.
Từ thời ở Pháp, Moscow (Nga), hay ở những địa phương của Trung Quốc như Quảng Châu, Diễn An, Quế Lâm, với một lý tưởng chung, họ đã kết thành những người bạn chiến đấu tình nghĩa, cùng vượt qua thử thách, sóng gió. Trong những tác phẩm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần ghi lại những chặng đường lịch sử đó.
Câu nói “Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em” được phát ra từ đáy lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là câu nói tình nghĩa, đúc kết cả cuộc đời của Người trong suốt các chặng đường cách mạng Người đã đi qua.
Ông Hoàng Quần là nguyên Ủy viên Thường vụ Nhân đại (Hội đồng đại biểu nhân dân) tỉnh Quảng Đông, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Ngoại sự Nhân đại tỉnh Quảng Đông và nguyên Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Sở Ngoại Vụ tỉnh Quảng Đông.
Ông từng có thời gian dài sinh sống, học tập tại Việt Nam, tham gia Trung đoàn Tự vệ chiến khu Việt Bắc (năm 1947) và công tác tại Đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, Ban Kinh tế đối ngoại Trung Quốc tại Việt Nam trong giai đoạn 1950-1957. Đặc biệt, ông đã có thời gian làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.
Hồng Quân
Nguồn: baoquocte.vn