Một số vấn đề rút ra về tín ngưỡng, tôn giáo dân tộc Mông ở khu vực biên giới
Đồng bào Mông ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tham gia buổi tuyên truyền về thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Cục Trinh sát BĐBP)

Đồng bào Mông ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tham gia buổi tuyên truyền về thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Cục Trinh sát BĐBP)

Trước năm 1980, cũng như đồng bào Mông ở Việt Nam nói chung, đồng bào Mông ở KVBG thờ cúng đa thần, quan niệm sống có phần xác, chết có phần hồn, vật dụng cũng là những thứ linh thiêng nên họ thờ cúng “ma cột nhà”, “ma cửa”, “ma xó”... Người Mông thờ cúng tổ tiên cùng với những vị thần bản mệnh của dòng họ. Tín ngưỡng truyền thống có vai trò cố kết cộng đồng, song chứa đựng nhiều tập tục phiền phức, lạc hậu, tốn kém trong đời sống sinh hoạt, trở thành gánh nặng kinh tế đối với đồng bào.

Bên cạnh đó, trình độ văn hóa, dân trí của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, tệ nạn nghiện hút còn nhiều. Từ năm 1986, các tôn giáo bắt đầu xâm nhập, tuyên truyền, lôi kéo người Mông bỏ bàn thờ tổ tiên theo các tín ngưỡng, tôn giáo lạ. Qua khảo sát, đến nay, ở KVBG phía Bắc và Tây Bắc đã có 11.485 hộ/63.170 tín đồ người Mông theo 11 hệ phái Tin lành, sinh hoạt tại 289 điểm, nhóm ở 197 bản thuộc 55 xã/20 huyện biên giới (chiếm 22,34% dân số dân tộc Mông ở KVBG) và có 1.126 hộ/5.874 tín đồ theo đạo Công giáo (chiếm 2,07% dân số dân tộc Mông ở KVBG). Cùng với các tôn giáo Tin lành, Công giáo, hiện có 224 hộ/1.333 nhân khẩu người Mông theo 8 tà đạo, đạo lạ (chiếm 0,47% dân số dân tộc Mông ở KVBG).

Như vậy, hiện nay có 68.329 người Mông ở KVBG theo các tôn giáo, kể cả tà đạo, đạo lạ, chiếm 24,12% dân số dân tộc Mông ở KVBG đất liền của nước ta. Với tỉ lệ này cho thấy, phần lớn người Mông ở KVBG vẫn duy trì tín ngưỡng dân gian, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, do sự tác động của quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế, sự tác động của môi trường xã hội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là sự du nhập của các tôn giáo đã làm thay đổi đáng kể tập quán, tín ngưỡng truyền thống dân gian của người Mông.

Qua nghiên cứu, tác giả rút ra một số tình hình liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng dân tộc Mông ở KVBG:

Về chính trị - tư tưởng: Các đối tượng cực đoan, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động ly khai, tự trị trong người Mông; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền. Tôn giáo xâm nhập vào vùng đồng bào Mông làm đảo lộn trật tự xã hội truyền thống, làm phân hóa cộng đồng người Mông, gây mất niềm tin của quần chúng với Đảng, gây mâu thuẫn, chia rẽ giữa người theo đạo và không theo đạo. Ở những nơi có đông người Mông theo đạo thì những người Mông không theo đạo hoặc cán bộ thôn bản là người Mông thường bị cô lập, tách biệt khỏi cộng đồng, dòng họ.

Về kinh tế: Do nhận thức mơ hồ, mê muội của một số người dẫn đến không yên tâm lao động sản xuất, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của “Vàng Chứ”. Một số đối tượng lợi dụng để trục lợi cá nhân dưới hình thức quyên góp, làm cho đời sống kinh tế của đồng bào đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Về văn hóa - xã hội: Tôn giáo đã làm thay đổi phong tục, tập quán sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống; làm phai nhạt các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, suy giảm các thiết chế xã hội. Vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ vốn được kính trọng, nay đã phải nhường vị thế chi phối cho các đối tượng cầm đầu đạo, làm nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, dòng họ, làng bản; phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở công tác vận động quần chúng. Các vấn đề về xã hội như di cư tự do, tranh chấp đất đai, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn dòng tộc ở một số địa bàn nhạy cảm thường bị các đối tượng cực đoan trong tôn giáo lợi dụng xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào tham gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở KVBG.

Về quốc phòng - an ninh: Tôn giáo du nhập, phát triển vào vùng đồng bào Mông không còn là tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy, mà nằm trong mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch, phản động. Vấn đề người Mông theo tôn giáo là theo “Vàng Chứ”, theo “Vua Mông”, theo “Châu Phạ”, qua đó, chúng đã gây ra một số vụ tập trung đông người đòi yêu sách, gây phức tạp về an ninh, trật tự ở KVBG. Trong thời đại đa phương tiện, khoa học công nghệ phát triển, các đối tượng ở nước ngoài đã và đang triệt để sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet để tiếp cận đối tượng trong nước tuyên truyền, lôi kéo phát triển đạo, qua đó, tập hợp lực lượng thực hiện mưu đồ “chính trị hóa tôn giáo”, thành lập “Vương quốc Mông”, “Nhà nước Mông độc lập”.

Qua những nội dung nêu trên, có thể rút ra một số nguyên nhân làm cho tôn giáo, nhất là một số tà đạo, đạo lạ có điều kiện xâm nhập, phát triển vào vùng người Mông như sau:

Về khách quan: Đó là nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng, phát triển tín đồ của các tôn giáo thời kỳ cải cách, mở cửa, đổi mới đất nước và đồng thời là sự tiếp tay, móc nối, hỗ trợ của các thế lực thù địch, phản động quốc tế chỉ đạo chức sắc tăng cường xâm nhập vùng đồng bào dân tộc để tuyên truyền, lôi kéo, một mặt vừa phát triển tín đồ; mặt khác, tập hợp lực lượng tham gia lập “Vương quốc Mông”, chống phá cách mạng Việt Nam. Trong khi đó, trình độ dân trí của người Mông ở KVBG còn thấp, bản tính thật thà, tâm lý nhẹ dạ cả tin, dễ bị phần tử xấu lôi kéo, kích động. Hiện nay, mới có 33,25% tỉ lệ dân số người Mông ở KVBG đạt trình độ phổ thông, 3,13% tỷ lệ đạt trình độ trung cấp trở lên; trong khi đó, tỉ lệ dân số dân tộc Mông trong KVBG ở độ tuổi lao động là 45,56% so với tổng nhân khẩu Mông ở KVBG nước ta. Tập quán tín ngưỡng của người Mông còn lạc hậu đã trở thành gánh nặng kinh tế, tinh thần đối với đồng bào. Do vậy, khi tôn giáo đến với người Mông đã có sự khỏa lấp đáng kể khoảng trống về mặt tinh thần cũng như giảm bớt các hủ tục tốn kém về kinh tế, lôi cuốn được đồng bào tin theo.

Về chủ quan: Chính quyền địa phương và cán bộ làm công tác tôn giáo chưa nhận thức đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công tác tôn giáo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, do vậy, việc tổ chức thực hiện cũng nhiều bất cập, lúng túng. Chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa tinh thần cho đồng bào. Các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể ở vùng dân tộc Mông còn yếu, việc quản lý dân cư của chính quyền một số địa phương còn lỏng lẻo; thậm chí có một số cán bộ thôn, bản còn dung túng, bao che, tiếp tay cho hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Ngoài ra, các lực lượng chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, chưa làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những hoạt động phát triển đạo trái pháp luật để ngăn chặn từ đầu, cũng như chưa quyết liệt trong đấu tranh, bóc gỡ tà đạo./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất