Cần có cái nhìn khách quan về vấn đề môi trường ở Việt Nam
Không gian khu trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Không gian khu trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Trong những năm gần đây, an ninh môi trường đã trở thành một trong những mục tiêu chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Song hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế, các quốc gia cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến môi trường như biến đổi khí hậu làm nhiệt độ Trái đất tăng lên, gây lũ lụt, hạn hán…đe dọa cuộc sống của hàng tỉ người trên Trái đất. Ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề toàn cầu - một thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là việc một số cơ quan truyền thông nước ngoài, các trang mạng xã hội, các hội, nhóm "xã hội dân sự" đã lợi dụng những sự cố, sự kiện liên quan đến môi trường ở nước ta để xuyên tạc, vu cáo, kích động, lôi kéo quần chúng biểu tình nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thậm chí, một số trang mạng, blog của các tổ chức, cá nhân, các phần tử bất mãn núp bóng "đấu tranh vì môi trường" còn sử dụng công nghệ cắt ghép ảnh và thông tin, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực; lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước để xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, quy kết thành vấn đề chính trị.

Họ công kích Nhà nước bưng bít thông tin, chính quyền không quan tâm đến đời sống người dân, phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động biến đổi khí hậu, hòng làm mất niềm tin của nhân đối với Đảng, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...

Có thể khẳng định: đây là những "sản phẩm" của một kiểu tư duy lỗi thời, lạc lõng, không phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước và xu thế chung của thời đại hiện nay. Thực tế cho thấy, kể cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt hay những thời điểm khó khăn trong thời bình, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường và an ninh môi trường.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, giữa bộn bề khó khăn, phức tạp, vừa phải chống giặc đói, giặc rét, giặc ngoại xâm, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống mới cho nhân dân. Trong tác phẩm "Đời sống mới", Người kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ gắn với giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Người nhấn mạnh: "Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng... Luôn luôn cố gắng, làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng", "làm cho làng mình thành một làng phong thuần tục mỹ". Cách đây 63 năm, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên báo Nhân dân với nhan đề "Tết trồng cây", phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng, mở đầu cho phong trào "Tết trồng cây" ở Việt Nam.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường, Đảng ta luôn coi bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính chiến lược. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ năm 1991, (bổ sung sửa đổi năm 2011) khẳng định: "Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau". Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân...; bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục bổ sung: "bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững".

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/08/2004, ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam nhằm "phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường". Năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005; năm 2020, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi bổ sung tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua.

Trước yêu cầu ngày càng cấp bách về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên, ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg; ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, nhấn mạnh: "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước".

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững của toàn cầu.

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bổ sung quan điểm rất quan trọng: "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế".

Kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra quan điểm, chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu: "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường".

Văn kiện cũng chỉ rõ những mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới như: "Đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, và nông thôn là 93-95%,; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy hoạch quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%".

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được tiếp tục hoàn thiện; công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế các nguồn tài nguyên được tích cực triển khai thực hiện. Hoạt động khai thác tài nguyên, xuất khẩu khoáng sản thô được kiểm soát chặt chẽ. Năng lượng tái tạo được chú trọng đầu tư phát triển. Công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường được tăng cường, một số vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý nghiêm theo pháp luật. Chất lượng môi trường sống không ngừng được cải thiện; người dân ở các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh môi trường. Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu. Năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu được nâng cao. Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta còn có những yếu kém, bất cập cần khắc phục. Môi trường thiên nhiên nước ta ngoài bị ảnh hưởng tác động của các cuộc chiến tranh trước đây, hiện nay còn bị phá hoại bởi hoạt động vô ý thức của con người đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có mặt còn hạn chế; hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các làng nghề, lưu vực một số dòng sông. Tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển; biến đổi dòng chảy ở các con sông xuyên biên giới; xâm nhập mặn và phèn hóa ở các tỉnh ven biển tiếp tục diễn ra. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn trên biển còn nhiều khó khăn, thách thức; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao, thiếu kết nối hạ tầng giao thông giữa các vùng, miền. Việc đầu tư các công trình hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm; hạ tầng công nghệ thông tin ở một số địa phương chưa đồng bộ; trang thiết bị bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn chưa được đầu tư cơ bản. Quy hoạch các thành phố, khu đô thị, khu kinh tế chưa quan tâm đúng mức đến thế trận khu vực phòng thủ, an sinh xã hội và xây dựng hệ thống công trình ngầm lưỡng dụng cho phòng, tránh thiên tai, thảm họa...

Như vậy, có thể thấy rằng, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước, dù trong chiến tranh hay hòa bình, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ môi trường luôn nhất quán; luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, những nhận xét núp dưới danh nghĩa "người yêu nước" hay chiêu bài góp ý, phản biện như: "Đảng và Nhà nước Việt Nam không quan tâm bảo vệ môi trường", hay Việt Nam "đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế"…, chỉ là những luận điệu vu khống, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm kích động nhân dân xuống đường biểu tình. Thực chất âm mưu của họ là muốn tạo cớ để thúc đẩy "cách mạng đường phố", "cách mạng cây", "cách mạng màu"… gây bất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nước ta.

Thực trạng môi trường ở nước ta cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang và sẽ tạo ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến vấn đề môi trường phải giải quyết, nhưng không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quan tâm khắc phục những yếu kém, bất cập về môi trường để phát triển bền vững đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đồng thời, phải luôn nêu cao cảnh giác, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của một số cơ quan truyền thông nước ngoài, các phần tử cơ hội, phản động, lợi dụng vấn đề môi trường để chống phá cách mạng nước ta./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất