70 năm đặc khu Vĩnh Linh: Đất nghèo nuôi những anh hùng
Sau Hiệp định Geneve (1954), cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời thuộc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, chia cắt 2 miền đất nước. (Ảnh: tư liệu)

Sau Hiệp định Geneve (1954), cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời thuộc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, chia cắt 2 miền đất nước. (Ảnh: tư liệu)

Vĩnh Linh (Quảng Trị), miền eo thắt hình chữ S, đến củ sắn củ khoai cũng mang hình đất nước. Ấy là nơi “Đây cồn, đó biển, kia non”. Lần đầu trong đời đi qua đây, nhà thơ Phạm Đình Ân miêu tả “Tưởng có thể một tay vục vào biển cả/Bàn tay kia vươn tới dãy Trường Sơn”. Mùa nóng, nắng “cháy da, cháy thịt”gió Lào thổi ràn rạt, khô khốc như quạt lửa. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, đầm mình trong gió Lào miền Trung phải thốt lên “Gió Lào thổi rạc bờ tre/Chỉ qua tiếng nói đã nghe nhọc nhằn”.

Mảnh đất có tự ngàn năm trước, thời Lê Thánh Tông - 1069 với cái tên Ma Linh. Qua mỗi triều Vua, miền đất hẹp này có mỗi tên khác nhau. Cho đến năm 1889, vua Thành Thái đổi thành Vĩnh Linh cho đến ngày nay. Tên đất thay đổi nhưng cái nghèo đeo đẳng không đổi thay. Ai đã từng sống ở Vĩnh Linh không thể quên câu ca xưa đến thắt lòng “Gánh cực mà đổ lên non/Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo”. Hay như “Áo rách chi lắm áo ơi/Áo rách đến nỗi không nơi rận nằm”. Nhưng trong cái đói, cái rách ấy vẫn còn chút tình thương, tình yêu đến nhọc nhằn mà mặn mòi “Cực chi da diết diết da/Áo em hai vạt trải ra anh nằm”. Thân phận “Ấm no thỉnh thoảng đói nghèo thường xuyên” ấy theo chuỗi ngày dài đến những năm tháng cuối thế kỷ hai mươi.

Đất nghèo, đời khó lại thêm gánh nặng lịch sử, trọng trách với đất nước trĩu hai vai người dân Vĩnh Linh. Theo Hiệp định Geneve từ ngày 20/7/1954 vĩ tuyến 17 vô hình, vô cảm rạch ngang trái đất thành lưỡi dao chia cắt hai miền Nam – Bắc Việt Nam. Ngày 25/8/1954, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh thực sự được giải phóng, hòa bình lập lại trên mảnh đất hẹp “Đây cồn, đó biển, kia non”.

25/8 trở thành ngày truyền thống của người dân Vĩnh Linh. Ngày 16/6/1955, Chính phủ ban hành nghị định 55 thành lập đặc khu với tên gọi Khu vực Vĩnh Linh mang trọng trách là tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày đêm đối mặt trực tiếp đấu tranh với chính quyền Sài Gòn dành lại hòa bình thống nhất cả nước.

Từ năm 1965 đến 1973, 23 xã, thị trấn Vĩnh Linh trằn lưng căng sức chống trả cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trên mảnh đất này, gần 3.000 ngày đêm hứng chịu không thiếu một loại bom đạn nào của kho vũ khí tội ác Hoa Kỳ. Có một con tính đầy hờn căm và nước mắt là mỗi đầu em bé lọt lòng đến ông bà già kề miệng lỗ của Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom đạn các loại của kẻ thù. Mặt đất trở thành bình địa. Nhà văn đại tài thể loại bút ký Nguyễn Tuân đi qua đây phải thốt lên “không còn cành cây cho chim đậu”.

Không thể sống nổi trên mặt đất, người dân Vĩnh Linh đào hầm sâu vào lòng đất để sống, để sinh sôi, để chiến đấu, bảo toàn tính mạng cho mai sau như lời Bác Hồ căn dặn. Lòng dân nguyện rằng “Nhà tan cửa nát cũng ừ/Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau”.

Chỉ trong 3 năm 1966 - 1968, chủ yếu bằng đôi bàn tay gân guốc, chai sạn, sức gan lỳ và trái tim nóng, quân dân tuyến lửa đã đào gần 3,8 tỷ mét khối đất đá làm nên 114 làng hầm với tổng chiều dài 40 cây số. Hầm địa đạo Vịnh Mốc sâu tới 30 mét. Hệ thống giao thông hào liên gia, liên thôn, liên xã dài hơn 2000 km. Một nhà báo nước ngoài ngạc nhiên và khâm phục ví Làng Hầm lũy thép Vĩnh Linh là “Lâu đài cổ giấu kín biết bao điều kỳ lạ của con người đã làm ra nó và của thời đại nó đã sinh ra”. Cuốn từ điển làng xã Việt Nam được thêm một địa danh mới “Làng Hầm”.

Quá trình đào và vận chuyển đất lên mặt đất của quân và dân Vĩnh Linh khi tiến hành đào địa đạo Vịnh Mốc. (Ảnh: Trưng bày ở Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc)

Quá trình đào và vận chuyển đất lên mặt đất của quân và dân Vĩnh Linh khi tiến hành đào địa đạo Vịnh Mốc. (Ảnh: Trưng bày ở Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc)

Còn một điều kỳ lạ nữa của con người Vĩnh Linh không giấu kín trong lòng đất mà lồ lộ trên chặng đường dài ngót 400 cây số đưa hơn 3 vạn học sinh ra sơ tán ở các tỉnh phía Bắc để bảo toàn lực lượng cho mai sau.

Một điều không lạ kỳ mà trở thành bình dị trong cuộc sống ngày và đêm của người dân vĩ tuyến 17 là từ năm 1958 đến 1973, hầu hết nhà dân là ngôi nhà chung của bộ đội, thanh niên xung phong. Ngôi nhà lá của gia đình tôi có 3 gian thì dành gian giữa rộng rãi nhất cho bộ đội, thanh niên xung phong. Mẹ tôi trở thành mẹ nuôi của nhiều đứa con bộ đội, thanh niên xung phong từ Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định.

Trong ngày mới đây, gặp mặt những người từng chiến đấu công tác trên đất giới tuyến tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, đại tá Công binh Đỗ Hữu Kết, quê Hưng Yên không thể quên những ngày đeo quân hàm thiếu úy đầy sức trẻ xông xáo trên đất Bến Quan, Bãi Hà, bắc cầu dã chiến qua sông Bến Hải.

Năm 2002, tình cờ đại tá Đỗ Hữu Kết gặp mẹ tôi ở Hà Nội rưng rưng xúc động, ấm áp trong tình mẹ con lâu ngày gặp lại. Anh Nguyễn Huy Hải, cựu kỹ thuật viên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đầu quân cho trung đoàn 270 của quân khu 4 đặc cách bảo vệ Vĩnh Linh những ngày tháng tám này nhớ chiến trường xưa khôn xiết. Anh đọc cho tôi nghe từ Vĩnh Chấp, Vĩnh Long sang Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạch, những tên đất nơi anh lăn lộn trong bom đạn để sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho từng trận đánh.

Đại tá công an Nguyễn Sơn chiến đấu mưu trí thầm lặng trong từng tín hiệu “tích – tè” bảo vệ an ninh cho tuyến lửa nay đã ngoài 80 gọi điện cho tôi chỉ nói ngắn gọn rưng rưng: “Nhớ bà con Vĩnh Linh, quê hương thứ hai quá anh ơi”. Đại tá Trần Sỹ Quốc, nguyên trưởng phòng Đối ngoại Bộ Công an, người con làng Đơn Duệ đậm đà truyền thống và bản sắc vườn cau “Đất đỏ lòng vàng”, cứ mỗi lần về quê là mỗi lần phấn chấn vì cuộc sống bà con đang đổi thay từng ngày, nhưng không khỏi băn khoăn vì nhiều người tuổi còn trẻ, nhất là ở vị trí lãnh đạo mải mê phát triển kinh tế, chú trọng hình thức bề ngoài mà nhẹ lòng với truyền thống lịch sử, nhạt phai chút đỉnh với tiền bối làm nên chỗ đứng vững chãi cho hôm nay và mai sau.

Nhà báo Ngô Quán, Kim Trạch, Tuyết Mai, cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, nay đã ngoài 80 vẫn nhớ như in những ngày đạp xe vào Vĩnh Linh tác nghiệp, chung hầm, chung bữa ăn đạm bạc, chung giấc ngủ chập chờn trong tiếng bom đạn chát chúa cùng bà con.

Cựu phóng viên phát thanh Phụ nữ Tuyết Mai hay tin bà con Vĩnh Linh bị trận lụt thế kỷ tàn phá đã cùng những người con Vĩnh Linh sống trên đất Hà Nội gửi tiền của vào trợ giúp bà con qua cơn hoạn nạn. Bà tâm sự: “Chút tiền của chả là mấy, nhưng khi hoạn nạn, vui buồn có nhau. Vĩnh Linh tuyến lửa luôn có trong tim chúng tôi, những phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam một thời “chia lửa với bà con trong nớ”.

Ông Trần Cương Thiết, cán bộ kỹ thuật từng cùng đồng nghiệp Trương Công Vinh, Mai Thanh Thụ - Cục Bưu điện Truyền Thanh xây dựng “cụm loa Tuyến” từ Cửa Tùng đến Vĩnh Sơn những năm 1960 thế kỷ trước vẫn không quên tấm lòng những người mẹ, người chị Hiền Lương đã cưu mang, đùm bọc và mong muốn thế hệ trẻ đừng bao giờ quên những con người, những tháng ngày của Vĩnh Linh gian khó, liệt oanh làm nên những chiến công.

Bom đạn Mỹ xóa sổ làng mạc, nhưng người dân Vĩnh Linh không rời quê nhà nửa bước. Trong ảnh, người dân Vĩnh Linh khoác lên mình áo bện bằng rơm để chống mảnh bom, pháo trong quá trình lao động, sản xuất. (Ảnh: Trưng bày ở Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc)

Bom đạn Mỹ xóa sổ làng mạc, nhưng người dân Vĩnh Linh không rời quê nhà nửa bước. Trong ảnh, người dân Vĩnh Linh khoác lên mình áo bện bằng rơm để chống mảnh bom, pháo trong quá trình lao động, sản xuất. (Ảnh: Trưng bày ở Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc)

Kể không ngoa khi nói đến Vĩnh Linh “ra ngõ gặp anh hùng”, hay “đất nghèo nuôi những anh hùng”. Mảnh đất hẹp 623 km2 với 7 vạn dân sinh sống trên 23 xã, thị trấn thời chống Mỹ cứu nước có 748 Mẹ Việt Nam anh hùng, 48 tập thể, 22 cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động.

Anh hùng thật đấy, vẻ vang thật đấy, nhưng người dân Vĩnh Linh không chịu và không bao giờ ngủ quên trên chiến công mà biết mình phải làm gì để thay đổi cuộc sống, đổi thay cuộc đời từ thân phận “ăn cơm bữa diếp”, nghĩa là hai ngày mới được một bữa cơm, còn lại là sắn khoai đắp đỗi.

Năm 1973, từ K8, K10, từ Tân Kỳ, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình trở về quê nhà, người dân Vĩnh Linh lại cày cuốc, lật từng thước đất đầy bom đạn chưa nổ để khai hoang, phục hóa làm nên mùa vàng. Mảnh đất mà có nhà báo tính ra “một phần đất ba phần sắt thép” ấy ẩn dấu bao cái chết sau chiến tranh. Hơn 600 con người đã bỏ mạng trên cánh đồng hoang, nương khoai sắn ngập cỏ dại và bom đạn. Và chừng ấy người còn mang thương tật vì bom đạn sau chiến tranh. Ấy là chưa kể chất độc hóa học còn ngấm vào từng thớ đất, gieo bệnh tật cho con người. Mẹ tôi cuốc đất trồng khoai, chợt thấy bom bi quả dứa, lặng lẽ hất xuống bờ mương. Bom nổ, mọi người lo lắng hỏi “Mạ có sợ không”. Mạ cười xởi lởi “Nỏ sợ. Quen rồi!”.

Năm 1984, nhà báo Đoàn Quang Long, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam vào Vĩnh Linh công tác đến thăm gia đình tôi. Nhà báo hỏi chuyện làm ăn, mẹ cười hồn nhiên: “Nhờ ơn Đảng, Chính phủ, nhà tui được vài sào khoán trăm, một ít khoán mười, mua được con trâu, con bò, nuôi được ổ heo nái, làm lại cái nhà, sống cũng tạm ổn”. Nhà báo Đoàn Quang Long cười to, hồ hởi: “Ai cũng thuộc chỉ thị 100, nghị quyết 10 của Đảng như mệ thì đúng là nghị quyết đã vào cuộc sống”. Người Vĩnh Linh là thế, cần cù, chịu khó, không cam chịu sống khổ, sống cực mà biết đi lên làm ăn, ngày mai phải khác “bữa qua, bữa diếp”.

Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh hôm nay

Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh hôm nay

Đến nay, năm thứ 70 kể từ ngày “hai lăm tháng tám năm tư” miền đất tuyến đã thay da đổi thịt. Thu nhập toàn huyện và mỗi con người đã tăng cả chục, cả trăm lần. Năm 2024 của thế kỷ XXI này, Vĩnh Linh thu gọn đầu mối hành chính 15 xã và 3 thị trấn Hồ Xá, Cửa Tùng, Bển Quan. Ba trung tâm miền biển, miền đồng, miền núi thu hút và lan tỏa cho Vĩnh Linh đi lên hiện đại.

Chỉ còn dăm ngày nữa là kỷ niệm 70 năm đặc khu Vĩnh Linh, các em tôi từ Vĩnh Linh, Nam Đông Khe Tre, Thừa Thiên Huế ra thăm. Các em nói vui: “Ai quên thì quên chớ chúng em và bà con trong nớ không quên anh đâu”. Tôi ứa nước mắt. Không buồn mà rưng rưng xúc động vì bởi lẽ người quê mình không quên ai bao giờ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất