|
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Nhà vua Lào Sisavang Vatthana thăm Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ngày 12/3/1963 (Nguồn: TTXVN)
|
Sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký, ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước thời kỳ hiện đại. Trải qua cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung đầy gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào đã giành được độc lập.
Dấu mốc Việt Nam thống nhất đất nước (30/4/1975) và nước CHDCND Lào ra đời (2/12/1975) đã biến năm 1975 trở thành năm bản lề đưa quan hệ Việt Nam-Lào bước sang một trang sử mới, trang sử của quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước từ đó đến nay.
Lâu dài, bền vững và hiệu quả
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng chỉ ra rằng, thành tựu quan trọng nổi bật nhất trong 60 năm qua của hai nước là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam đã giúp cho cách mạng hai nước đứng vững trước nhiều khó khăn, thách thức ngày càng tăng, giúp đưa cuộc chiến chống ngoại xâm của hai dân tộc đi đến thành công, giành lại độc lập tự do của Tổ quốc.
Hai nước đã xây dựng thành công cơ chế hợp tác toàn diện đúng như tinh thần của Hiệp ước Hữu nghị-Hợp tác đã nêu: “Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Đồng quan điểm, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đánh giá, việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đã ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước sang một trang mới.
Trên cơ sở đó, trong những năm qua, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được tăng cường và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Đề cao ý nghĩa của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1977, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng tin rằng, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và Lào, không có hiệp ước nào mà mỗi nước ký với nước ngoài tồn tại lâu dài, bền vững và hiệu quả như Hiệp ước này.
"Hiệp ước này được đặt trong bối cảnh lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhìn thấy những thách thức lớn đối với các quốc gia và nhu cầu chiến lược phải thắt chặt đoàn kết và tình đoàn kết hữu nghị ấy giữa Việt Nam-Lào phải được cụ thể hóa bằng một thể chế hợp tác lâu dài bền vững, điều này thể hiện một tư duy chiến lược xuyên suốt của lãnh đạo hai nước và bám sát thực tiễn phát triển quan hệ mỗi nước", Đại sứ Việt Nam tại Lào nhận định.
Dấu mốc ý nghĩa
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cả Đại sứ Nguyễn Bá Hùng và Đại sứ Sengphet Houngboungnuang đều cho rằng, hai nước cần thể hiện quyết tâm và trách nhiệm cùng nhau tiếp tục gìn giữ và phát huy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam-Lào ngày càng hiệu quả, đơm hoa kết trái hơn nữa.
Theo Đại sứ Sengphet Houngboungnuang, Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022 là một dấu mốc vô cùng ý nghĩa để ôn lại truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam.
Đại sứ tái khẳng định đây là yếu quan trọng trong việc quyết định thắng lợi của cách mạng Lào-Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cứu quốc trước kia cũng như xây dựng phát triển của cả hai nước hiện nay.
Đây cũng là dịp để phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bộ đội, công an và nhân dân các dân tộc hai nước Lào-Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu đúng đắn, sâu sắc và tiếp tục nâng niu, duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Đồng thời, Đoàn kết Hữu nghị 2022 còn là dịp để tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, chiến sĩ và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam đã hy sinh ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh cứu quốc, cũng như ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đề cao việc hai nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022 từ cấp Trung ương đến địa phương với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, trong đó việc tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Đoàn lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và ký kết các Thỏa thuận hợp tác tích cực thực hiện các thỏa thuận cấp cao, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân… Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhận định rằng, năm nay có ý nghĩa vô cùng trọng đại trong quan hệ hai nước, là dấu mốc mới của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Qua đó, các tầng lớp nhân dân hai nước có cơ hội cùng ôn lại, tăng cường hiểu biết sâu sắc hơn nữa về truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào từ giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Từ đó, nhân dân hai nước thấy rõ trách nhiệm của mình để cùng nhau bảo vệ, phát triển và nâng tầm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trên tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi bên vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
“Giáo dục thế hệ trẻ ở cả hai nước thấm nhuần lịch sử và giá trị cao đẹp của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giữ gìn vun đắp quan hệ giữa hai nước. Đây cần là việc làm thường xuyên, liên tục của hai Đảng và hai Nhà nước”, Đại sứ Việt Nam tại Lào chỉ rõ.
|
Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022 là dịp để phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng nhân dân Việt Nam-Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu đúng đắn, sâu sắc và tiếp tục nâng niu, duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp (Ảnh: Nguyễn Hồng)
|
Vun đắp tình hữu nghị mãi xanh tươi
Trong thời gian tới, nhằm củng cố và phát huy những thành quả đạt được, hai vị Đại sứ đã chỉ ra những phương hướng hợp tác cần chú trọng.
Theo đó, hai nước trước hết nên tiếp tục tăng cường, thắt chặt hợp tác chính trị, duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước và các bộ ngành cấp Trung ương và địa phương của hai bên.
Thứ hai, cần tăng cường và nâng cao nhận thức chung của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước về tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho Lào cũng như quan tâm tăng cường hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư nhằm tương xứng với quan hệ hợp tác tốt đẹp về chính trị.
Đặc biệt, hai vị Đại sứ đều đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ nhằm lan tỏa sâu rộng tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Các Đại sứ mong rằng, thanh niên trẻ hai nước sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hợp tác cụ thể với những hình thức phong phú, sinh động và thiết thực, đi vào chiều sâu, chú trọng tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu hữu nghị thanh niên;
Hai nhà ngoại giao cũng đề cao việc tổ chức thêm nhiều hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin, kinh nghiệm; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; hoạt động thanh niên tình nguyện, hợp tác giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…
Thông qua những hoạt động cụ thể và thiết thực đó, tuổi trẻ hai nước không chỉ tạo thêm nhiều cơ hội trong việc trau dồi bản thân cả về kiến thức và kinh nghiệm, mà còn góp phần vào giữ gìn, củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết gắn bó, tin cậy, tương hỗ giữa thế hệ trẻ hai nước nói riêng và nhân dân hai nước nói chung.
Trên cơ sở đó, hai nước sẽ tiếp tục phát huy mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam mãi mãi tươi đẹp như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam mãi mãi bền vững”.
Huyền Trâm
Nguồn: baoquocte.vn