Khai mạc Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Lào-Việt Nam-Campuchia
Lãnh đạo 3 cơ quan tư pháp Việt Nam-Lào-Campuchia và Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoun tại Lễ khai mạc Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Lãnh đạo 3 cơ quan tư pháp Việt Nam-Lào-Campuchia và Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoun tại Lễ khai mạc Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Sáng 10/8, lễ khai mạc Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ 6 về phòng, chống, đấu tranh và ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia và tương trợ lẫn nhau về lĩnh vực tư pháp đã diễn ra tại thủ đô Vientiane.

Tham dự hội nghị có đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam - do ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Tòa án Nhân dân Tối cao Lào do Chánh án Viengthong Siphandone làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Campuchia do Phó Chánh án Tòa án Tối cao Campuchia - ông Chiv Keng làm trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Kikeo Khaykhamphithoune - Phó Thủ tướng Lào cho biết việc tổ chức Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Lào-Việt Nam-Campuchia lần này không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng đối với cơ quan tư pháp của 3 nước trong việc trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, trợ giúp pháp lý, mà còn góp phần hỗ trợ Lào trong công tác triển khai 2 chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết vấn đề khó khăn về kinh tế-tài chính và giải quyết vấn đề ma túy.

Phó Thủ tướng Lào nhấn mạnh mặc dù dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, việc các cơ quan tư pháp của 3 nước tổ chức sự kiện này không chỉ thể hiện quyết tâm cao mà còn thể hiện được sự phát triển lớn mạnh và tình đoàn kết gắn bó của cơ quan tư pháp 3 nước trong việc hợp tác trên các lĩnh vực, để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia đang ngày càng phát triển tinh vi và phức tạp hơn.

Ông bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi, chủ động chia sẻ kinh nghiệm, điểm lại những việc đã thực hiện trong thời gian qua và cùng nhau phân tích các vấn đề một cách khách quan, để tiến tới việc thống nhất các nội dung liên quan và thông qua kế hoạch hợp tác trong tương lại, nhằm tăng cường khuyến khích hợp tác trong các công tác của tòa án, nâng cao tinh thần đoàn kết hữu nghị, hàng xóm láng giềng tốt để ngày càng thắt chặt hơn nữa, đồng thời đảm bảo những thành quả của sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để làm cho khu vực của 3 nước được ổn định, an toàn và người dân có sự giàu có, hạnh phúc và công bằng.

Trong phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã đánh giá cáo kết quả hợp tác giữa 3 cơ quan tư pháp Việt Nam-Lào và Campuchia trong thời gian qua.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Ông khẳng định mặc dù các cơ quan chức năng nói chung và tòa án ba nước nói riêng đã nỗ lực trong việc phòng, chống tội phạm và giải quyết các tranh chấp dân sự xuyên biên giới nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, chính vì vậy các cơ quan tư pháp 3 nước cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam nhấn mạnh hội nghị là sự kiện thể hiện sự nỗ lực của tòa án 3 nước trong việc thực hiện cam kết phòng, chống tội phạm, là cơ hội để tòa án 3 nước, đặc biệt là tòa án các tỉnh biên giới đánh giá những thành tựu đạt được, một số khó khăn và trao đổi về cách thức, biện pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác, khẳng định đây cũng là dịp để tòa án 3 nước tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng thông qua các chủ đề thảo luận lần này, tòa án 3 nước sẽ tìm ra một số định hướng phù và giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ đi sâu thảo luận về 2 chủ đề quan trọng là “Đánh giá kết quả thực hiện Thông cáo chung Hội nghị lần thứ 5 năm 2018” và “Nâng cao chất lượng phòng, chống, đấu tranh và ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia và tương trợ lẫn nhau về lĩnh vực tư pháp," qua đó cùng nhau nghiên cứu, tìm kiếm phương hướng và các giải pháp khách quan, tiến tới thống nhất các nội dung và thông qua kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, nhằm đối phó các loại tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất