(TTĐN) - Nhân dịp diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thông Séc đã có hàng loạt bài đánh giá cao những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong những năm gần đây cũng như sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa CH Séc và Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt tại Séc.
|
Đại biểu tham dự phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 26/1/2021. (Ảnh: TTXVN)
|
Báo halonoviny.cz ngày 25/1 đăng bài viết nhan đề “Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: Kỳ vọng phát triển của Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2 là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm 2021 của Việt Nam.
Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam được biết đến là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có vai trò, vị thế ngày tăng trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam được quốc tế ca ngợi vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa đạt tăng trưởng kinh tế gần 3%.
Bài viết nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII là đề ra định hướng chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đáng chú ý, bài viết nêu bật tầm quan trọng cũng như nền tảng vững chắc để tăng trưởng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, nhất là thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới CH Séc (tháng 4/2019). CH Séc là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tích cực ủng hộ thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), coi Việt Nam là thị trường tiềm năng và cửa ngõ để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường ASEAN.
Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Séc ngày càng đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Lãnh đạo các cấp và nhân dân Séc ghi nhận và đánh giá cao tình cảm và sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng người Việt Nam tại khắp nơi trên toàn CH Séc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu, nhất là tự nguyện may khẩu trang tặng các cơ cơ y tế và chăm sóc xã hội.
|
Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu của Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (KCN Việt Yên, Bắc Giang) tăng mạnh. (Ảnh: TTXVN)
|
Trong khi đó, trang parlamentnilisty.cz ngày 24/1 đăng bài viết với tiêu đề “Ấn tượng phát triển kinh tế của Việt Nam”, cho rằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1-2/2 là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, vì mặc dù bị tàn phá nặng nề sau các cuộc chiến tranh, nhưng đến nay Việt Nam được biết đến là quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tăng trưởng kinh tế cao và vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.
Theo bài viết, trong 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Bài viết nhắc lại nếu như trong giai đoạn đầu Đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, GDP đạt khoảng 262 tỷ USD vào năm 2019, tăng 18 lần so với năm đầu Đổi mới, thu nhập bình quân đạt khoảng 2.800 USD/người và thuộc các nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới.
Bài viết nhấn mạnh bên cạnh tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cải thiện đời sống người dân và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đánh giá của Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới thành công trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, đáp ứng các yêu cầu Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ . Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 9,45% năm 2010, dưới 3% năm 2020.
Cũng theo bài viết, một trong những thành tựu nổi bật nữa là Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia ký kết 15 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, trong đó có những hiệp định rất quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Bài viết nhấn mạnh những thành tựu trong 35 năm qua chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và cho thấy Việt Nam được coi là mô hình thành công./.
Nguồn: TTXVN