'Việt Nam: Lịch sử không biên giới': Tập hợp nghiên cứu của các học giả quốc tế
Cuốn sách tập hợp nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam học trên thế giới. (Ảnh: Vietnam+)

Cuốn sách tập hợp nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam học trên thế giới. (Ảnh: Vietnam+)

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Công ty Omega Plus sắp ra mắt cuốn sách “Việt Nam: Lịch sử không biên giới” quy tụ tham luận của các nhà Việt Nam học lừng danh trên thế giới tại hội thảo “Việt Nam: Bên ngoài những đường biên” tháng 5/2001.

Cuốn sách như một cuộc đối thoại quốc tế về Việt Nam giữa những nhà sử học ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ…, mở ra những tri thức sâu và mới mẻ về sự tương tác giữa bản sắc Việt Nam, Chăm, Khmer, Pháp trên bán đảo Đông Dương trong hơn 1.000 năm.

Nổi bật trong đối thoại này là Giáo sư Phan Huy Lê, một bậc lão thành trong giới sử học Việt Nam và hậu duệ của một gia tộc trí thức nổi tiếng, với sự nghiệp trải suốt tiến trình của nền sử học thời Việt Nam độc lập.

Một đại diện khác của thế hệ đi trước là học giả đầu ngành về nghiên cứu Việt Nam, Yu Insun người Hàn Quốc, được đào tạo về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á ở Nhật Bản, Mỹ và đã mang đến một quan điểm độc đáo về các nguồn sử liệu.

Trong cuốn sách này, Giáo sư Phan Huy Lê (1934-2018) có bài

Trong cuốn sách này, Giáo sư Phan Huy Lê (1934-2018) có bài "Nghiên cứu làng Việt: thực trạng và triển vọng". (Ảnh: TTXVN)

Sách gồm 4 chương. Trong chương 1 - Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê đưa ra một tóm lược các nghiên cứu về sở hữu đất đai tại làng, nhấn mạnh vai trò của làng trong cách mạng và bản sắc Việt Nam.

Chương 2 - Kiến tạo Việt đối lập Hán gồm nhóm bài viết thách thức các trần thuật truyền thống về bản sắc và quyền lực Việt Nam so với Trung Quốc, thông qua các nghiên cứu của Insun Yu, Sun Laichen, và Trần Tuyết Nhung.

Trong chương 3 - Sự đa dạng của vùng đất phương Nam, các tác giả xem xét lịch sử của Đàng Trong và sự tương tác với người Chăm, Khmer, và Thượng. Các tác giả như Li Tana, Charles Wheeler, và Wynn Wilcox tranh luận về vai trò của các vùng biên giới và sự đa nguyên trong lịch sử của khu vực này.

Phần cuối cùng - những cuộc chạm trán Việt-Âu có nhóm bài viết gợi ra vài nét phức hợp nơi những cuộc chạm trán và phát hiện ra nhau giữa người Việt và người Âu.

Sách do hai tác giả Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid chủ biên, dày gần 500 trang, có giá bìa 325.000 đồng./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất