|
Đoàn du khách tham quan, khám phá bên trong Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh
|
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho ngành Du lịch, từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh tập trung triển khai các chính sách đột phá, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, ngành du lịch Tây Ninh đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Thống kê 8 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đứng thứ 1 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ. Riêng du lịch Tây Ninh ước đạt 3,9 triệu khách, tăng 3,6% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.145 tỉ đồng, tăng 37,3% so cùng kỳ, đạt 93,3% so với kế hoạch. Chỉ tính riêng tháng 8/2024, khách tham quan du lịch, điểm du lịch ước đạt trên 276.000 lượt khách, tăng 17,7% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 158 tỉ đồng, tăng 43,6% so cùng kỳ. Dự kiến, 3 tháng cuối năm 2024, ngành du lịch sẽ tiếp tục thu hút mạnh du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đa dạng giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch
Du lịch được Tây Ninh xác định là một trong những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, ngành du lịch Tây Ninh tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư, nâng tầm ngành du lịch, hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Tây Ninh tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ, ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2029 với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group). Đây được đánh giá là cơ hội để Tây Ninh và các địa phương trong vùng đẩy mạnh khai thác thế mạnh các sản phẩm đặc thù, tiêu biểu như: du lịch công nghiệp, đường sông, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí, văn hóa… Tây Ninh cũng đẩy mạnh tổ chức đón các đoàn Famtrip đến khảo sát, kết nối du lịch tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong 2 ngày 6 và 7/9/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức đón đoàn Famtrip với 50 thành viên đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hà Nội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cùng các công ty du lịch lữ hành tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Từ trải nghiệm món đặc sản trứ danh Tây Ninh là bánh canh Trảng Bàng đến khám phá chùa Thiền Lâm - Gò Kén hơn 100 năm tuổi; tham quan kiến trúc độc đáo của Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh hay đến núi Bà Đen thăm ngôi chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà) trên 300 năm tuổi, Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai; Tháp Chót Mạt, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam...
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, đây là cơ hội để Tây Ninh giới thiệu các tiềm năng, các sản phẩm, đặc sản du lịch; đồng thời đẩy mạnh liên kết các tour, tuyến, điểm đến đến trong tương lai.
|
Đoàn Famtrip các tỉnh, thành phố tham gia chuyến khảo sát, kết nối du lịch Tây Ninh với các tỉnh, thành phố trong cả nước
|
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch với các tỉnh, thành phố phát triển của Vương quốc Campuchia, kết nối hợp tác với các địa phương Hàn Quốc. Ngoài ra, để tiếp cận thêm thị trường khách quốc tế, hình ảnh văn hóa, du lịch, đặc sản Tây Ninh cũng xuất hiện trên nhiều tạp chí quốc tế, trên các chuyến bay Vietnam Airlines và cả trên các nền tảng công nghệ số: Travel Blogger, Website, App, Fanpage, Zalo, Youtube…
“Đánh thức” các tiềm năng du lịch
Du lịch Tây Ninh những năm gần đây có được những gam màu sáng nhờ “đánh thức” các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số khu, điểm du lịch hiện đã được đầu tư nâng cấp, các sản phẩm, dịch vụ được cải thiện về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lượng du khách đến tham quan các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hóa, thực phẩm, đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ mang hình ảnh đặc trưng của Tây Ninh.
Theo ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển du lịch, Tây Ninh đã thành lập, kiện toàn Tổ Công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2026. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo để tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể đưa du lịch tỉnh Tây Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thơi, tỉnh cũng thành lập Hiệp hội Du lịch (hiện nay đã có gần 100 Hội viên) – là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, cùng phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ du lịch để góp phần phát triển du lịch tỉnh ngày càng phát triển.
Cũng theo ông Trần Anh Minh, tỉnh cũng đang tập trung phát triển các giá trị di tích lịch sử văn hóa tại các khu, điểm đang thu hút khách du lịch của tỉnh. Đồng thời nâng tầm chất lượng các lễ hội tiêu biểu của tỉnh như Lễ hội Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lễ hội thực phẩm Chay Tây Ninh…
Ông Trần Anh Minh cũng cho biết, kế hoạch năm 2025, để chuẩn bị chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tỉnh Tây Ninh đang tích cực tu bổ, chỉnh trang Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và hoàn thiện các nội dung thuyết minh tái hiện giá trị di tích bằng công nghệ hiện đại.
Đặc biệt, Tây Ninh đang triển khai thực hiện đồng bộ công tác quản lý nhà nước, vận động doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, giữ gìn hình ảnh, uy tín, nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ du lịch trên địa bản tỉnh. Từ đó giúp hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, cho người dân và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch. Từ đó hướng tới khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Giang Phương
Nguồn: baotintuc.vn