Phát huy tiềm năng phát triển du lịch ở vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
Trũng Na Dương, huyện Lộc Bình, được hình thành cách ngày nay khoảng 40 triệu năm. (Ảnh: Văn Đạt)

Trũng Na Dương, huyện Lộc Bình, được hình thành cách ngày nay khoảng 40 triệu năm. (Ảnh: Văn Đạt)

Công viên Ðịa chất Lạng Sơn có phạm vi thuộc 8 huyện, thành phố gồm Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn (cùng một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc) với tổng diện tích hơn 4.840km2 và dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.

Công viên địa chất Lạng Sơn có hệ sinh thái đặc biệt, điển hình là ở Khu Dự trữ thiên nhiên Hữu Liên với diện tích 8.293,4ha đã ghi nhận được 794 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 162 họ, với 31 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; 57 loài thú, 23 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư.

Quá trình karst hóa cùng với các điều kiện về địa hình, khí hậu, thủy văn và một số điều kiện khác đã tạo cho vùng Công viên Địa chất Lạng Sơn một hệ thống hang động đá vôi đẹp, đồ sộ, độ dài lớn.

Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn.

Về mặt cấu trúc khối karst hóa nằm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn là một phức nếp lồi lớn bị chia cắt thành những khối riêng lẻ với nhiều vết nứt tạo điều kiện cho sự thâm nhập của sông suối vào hệ thống hang động.

Hang động Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chứa đựng nhiều giá trị khảo cổ, văn hóa, lịch sử. (Ảnh: Văn Đạt)

Hang động Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chứa đựng nhiều giá trị khảo cổ, văn hóa, lịch sử. (Ảnh: Văn Đạt)

Công viên Địa chất Lạng Sơn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập từ năm 2021, bao gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch đó là: Khám phá Thế giới Thượng ngàn; hành trình về miền Thiên giới; cuộc sống dân dã nơi trần thế và đường đến Thủy cung.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, điều tra và khảo sát thực địa nhiều thập kỷ nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định rằng tỉnh Lạng Sơn có đầy đủ các giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất toàn cầu.

Ngày 8/9, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO diễn ra tại tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Việc công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, dự kiến vào năm 2025 tại Chile.

Trong nỗ lực phát huy tiềm năng phát triển du lịch ở Công viên Địa chất Lạng Sơn, trong hai ngày (5-6/11), Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phối hợp với Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions, Thành viên Hiệp hội Hang động Mỹ, tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá xúc tiến kế hoạch hợp tác khai thác tiềm năng phát triển du lịch hang động ở đây.

Trong chương trình, đoàn đã khảo sát thực địa hang Tối và hang Khuôn Bồng (huyện Bắc Sơn); khảo sát hang Nước (huyện Hữu Lũng).

Đoàn chuyên gia UNESCO cùng lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Lạng Sơn thực địa tại hang Keng Tao, Khu Du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. (Ảnh: Văn Đạt)

Đoàn chuyên gia UNESCO cùng lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Lạng Sơn thực địa tại hang Keng Tao, Khu Du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. (Ảnh: Văn Đạt)

Tại các điểm đến, đoàn đã trực tiếp khảo sát một số tuyến đường di chuyển đến các điểm du lịch hang động giàu tiềm năng trên địa bàn huyện Bắc Sơn và Hữu Lũng. Đồng thời, lựa chọn một số điểm nổi bật về phong cảnh, văn hóa kết nối với điểm du lịch hang động để ghi lại hình ảnh đẹp, xây dựng video clip du lịch phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá.

Qua khảo sát, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn, từ đó thống nhất, đưa ra định hướng làm cơ sở hợp tác lâu dài, thúc đẩy phát triển du lịch hang động vùng Công viên Địa chất Lạng Sơn.

Trước đó, tại thành phố Lạng Sơn, Ban Quản lý Công viên Địa chất Lạng Sơn đã giới thiệu với các đại biểu thuộc Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions về quá trình hình thành và phát triển của Công viên Địa chất Lạng Sơn, các tuyến điểm du lịch; tiềm năng, khai thác các hang động trở thành các điểm đến có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế; nhu cầu hợp tác đối với các chuyên gia để phát triển du lịch hang động trong vùng.

Chuyến khảo sát là cơ sở để huy động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch mới. Qua đó, góp phần phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá điểm đến, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Lạng Sơn nói chung và Công viên Địa chất Lạng Sơn nói riêng./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất