Nữ giáo viên người Việt với hành trình nuôi dưỡng tình yêu nước Nga cho học sinh
Cô Nguyễn Thị Yến - giáo viên tiếng Nga tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Thị Yến - giáo viên tiếng Nga tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Năm 2010, khi còn là sinh viên khoa Nga trường Đại học Hà Nội, cô gái Nguyễn Thị Yến đã nhận được học bổng chuyển tiếp một năm tại Viện tiếng Nga Quốc gia mang tên A.S.Puskin (Moscow, LB Nga). Nhờ đó, kỹ năng giao tiếp cũng như vốn từ tiếng Nga của Yến đã được cải thiện đáng kể. Năm 2012, cô nhận được học bổng thạc sĩ tại Đại học tổng hợp Liên bang Ural (Yekaterinburg, LB Nga).

Năm 2015, Yến tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi trở về nước. Biết thông tin trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐHQGHN) đang tuyển giáo viên tiếng Nga, cô đã đăng ký thi và trở thành giáo viên của nhóm tiếng Nga. Thời gian đầu, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Yến cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm tài liệu giảng dạy. Bởi ở thời điểm đó, tiếng Nga dần ít được phổ biến hơn tại Việt Nam nên nguồn học liệu, sách vở không được tái bản, in mới.

Nhưng rồi những nỗ lực không mệt mỏi đó đã đem lại những "quả chín". Năm 2019, cô nhận được giải nhất trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi tiếng Nga “Bài học là niềm vui giao tiếp: Công nghệ tương tác tích cực giữa các cá nhân trong giờ học tiếng Nga” do Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội tổ chức cùng nhiều giải thưởng khác.

Người truyền cảm hứng tới các học sinh tiếng Nga

Tới nay đã gần 8 năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Yến bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Nga. Cô đã hỗ trợ và đồng hành cùng nhiều bạn học sinh thực hiện được ước mơ du học tại Nga.

Cô Nguyễn Thị Yến quan niệm, một phương pháp dạy ngoại ngữ hiệu quả là sự kết hợp dạy ngữ pháp thông qua các bài học về văn hóa, lịch sử nước Nga. “Khi nghĩ về nhu cầu xã hội và mong muốn của học sinh, các giáo viên của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ không chỉ chú ý đến việc đào tạo về ngữ pháp, mà còn luôn cố gắng truyền cảm hứng học tiếng Nga cho học sinh để các em yêu và hiểu hơn về ngôn ngữ, vẻ đẹp tinh thần của con người và văn hóa Nga” - cô Nguyễn Thị Yến cho biết.

Bên cạnh những bài giảng lý thuyết về ngữ pháp, giáo viên nhóm tiếng Nga luôn cố gắng đảm bảo học sinh cảm nhận ngôn ngữ đang học bằng tất cả các giác quan. Ngoài tiết học về phát triển 4 kỹ năng nói: nghe, nói, đọc, viết, giáo viên nhóm tiếng Nga còn tổ chức các tiết học ngoại khóa để học sinh hiểu rõ hơn về các khía cạnh văn hóa, vùng miền của ngôn ngữ đang học.

Khi học về ẩm thực Nga, thay vì đọc sách và tưởng tượng hương vị món ăn, cô Nguyễn Thị Yến cùng các giáo viên khác đưa học sinh đến một nhà hàng Nga, nơi các em không chỉ được thử các món ăn truyền thống mà còn thực hành ngôn ngữ theo chủ đề đang học trong không gian mang đậm bản sắc Nga.

Yến nhận được giải nhất trong cuộc thi giáo viên tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội tổ chức vào năm 2019 (Ảnh: NVCC)

Yến nhận được giải nhất trong cuộc thi giáo viên tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội tổ chức vào năm 2019 (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, cô thường áp dụng phương pháp dạy thông qua hình thức nghe trực tiếp. Bên cạnh những tiết học lý thuyết, Yến tìm kiếm, sưu tầm những bộ phim ngắn có nội dung giáo dục sâu sắc hoặc những clip hài nhẹ nhàng để giải trí, củng cố kiến thức về ngôn ngữ và phát triển từ vựng cho học sinh.

"Chính những câu thoại trong đó là công cụ hỗ trợ dạy học hiệu quả, bởi những đoạn hài này chứa cấu trúc ngữ pháp, từ vựng thường sử dụng. Thay vì phải ghi nhớ những cấu trúc ngữ pháp nhàm chán trong sách giáo khoa, việc xem những clip hay bộ phim thú vị như vậy sẽ giúp học sinh ghi nhớ từ vựng và ngữ pháp tiếng Nga nhanh hơn" - cô giáo tiếng Nga chia sẻ.

Trên thực tế, học sinh lớp tiếng Nga có xuất phát điểm giống nhau là đều chưa biết tiếng, nhưng do định hướng khác nhau nên sau năm học lớp 10, theo yêu cầu của học sinh, Yến thường chia lớp thành hai nhóm nhỏ.

Nhóm đầu tiên: Học tiếng Nga theo hướng làm quen với một ngôn ngữ mới, hiểu biết về một nền văn hóa mới. Mục đích của nhóm này là trong 3 năm học đảm bảo học sinh có được kiến thức cơ bản về ngôn ngữ Nga ở cấp độ A2 - B1 (theo hệ thống cấp chứng chỉ của nhà nước Nga về sự hiểu biết tiếng Nga như một ngoại ngữ). Học sinh có thể giao tiếp bằng những câu đơn giản được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, nhờ việc thông thạo 2 ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Nga) nên việc xin học bổng du học của các em sẽ được ưu tiên hơn.

Kể từ năm 2014 đến nay, số lượng học bổng mà Chính phủ Liên bang Nga cấp cho công dân Việt Nam liên tục tăng. Năm 2014 Liên bang Nga đã cấp 600 chỉ tiêu học bổng, năm 2015 là 795, năm 2019 là 965, năm 2022 và 2023 là 1.000 chỉ tiêu. Cô Yến đánh giá đây là một cơ hội tốt để các bạn học sinh có thêm cơ hội học tập tại xứ sở Bạch dương.

Nhóm thứ hai: Nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Nga, trọng tâm là phát triển 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết ở trình độ nâng cao; nghiên cứu chuyên sâu ngữ pháp và phát triển vốn từ ở trình độ B1 - B2. Ngoài kiến thức cơ bản về đất nước học, mục tiêu của nhóm này là đạt giải ở các kỳ thi như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic tiếng Nga, thi vào các trường đại học có khoa tiếng Nga hàng đầu Việt Nam và nhận học bổng du học Nga. Tất cả các học sinh trong nhóm này đều muốn tiếp tục học tiếng Nga và hầu hết họ muốn học tiếp tại các chuyên ngành có nhiều tiềm năng như kinh tế, luật kinh tế, dầu khí, hải quan, du lịch,.../.

Cô Yến cùng học sinh lớp chuyên Nga trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Ảnh: NVCC)

Cô Yến cùng học sinh lớp chuyên Nga trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Ảnh: NVCC)

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất