(TTĐN) - Nhờ có Đảng, có Bác Hồ, đồng bào dân tộc Mông từ thân phận nô lệ đã vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh. Chính cuộc đổi đời vĩ đại ấy đã lý giải vì sao đồng bào coi trọng việc đón Tết Độc lập 2/9, bên cạnh Tết cổ truyền mừng năm mới hằng năm của dân tộc.
|
Người Mông trên cao nguyên Mộc Châu rộn ràng đón Tết Độc lập. (Ảnh:Tư liệu)
|
Trên rẻo cao, Tết Độc lập 2/9 trùng vào thời gian đẹp nhất trong năm. Đồng bào vừa thu hoạch xong vụ ngô Xuân, cây lúa cũng bắt đầu ngả sang màu vàng no ấm trên những thửa ruộng bậc thang, chờ đến ngày “già đồng” để đưa lúa về nhà, cất vào bồ. Các cháu học sinh chỉ còn vài hôm để tận hưởng nốt mùa Hè trước khi bước vào năm học mới khai giảng vào ngày 5/9. Trong không khí mùa Thu lịch sử, bà con hứng khởi ăn mừng Tết Độc lập.
Một trong những địa điểm mừng Tết Độc lập tưng bừng nhất là tỉnh Sơn La - nơi được chọn làm bối cảnh sáng tác trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. Ở Sơn La, dân tộc Mông chiếm khoảng 15% dân số. Dịp Tết Độc lập, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao rất sôi nổi, đặc sắc. Nổi bật nhất là ở huyện Mộc Châu - một địa danh du lịch nổi tiếng.
Người già ở Mộc Châu kể lại, từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã coi đó là Tết Độc lập của dân tộc mình. Hơn 20 năm trở lại đây, Tết Độc lập của người Mông ở Mộc Châu không chỉbó hẹp trong phạm vi thôn, bản nữa, mà còn có thêm người Mông ở Việt Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào sang chơi. Các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các bản lân cận cũng kéo về vui Tết cùng bà con. Dần dần, Tết Độc lập trở thành tết chung, thấm đẫm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc nơi vùng cao.
Năm nay, Tết Độc lập ở Mộc Châu được gắn với Tuần Văn hóa du lịch Mộc Châu, diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 4/9. Trong đó, không gian văn hóa dân tộc Mông là một điểm nhấn rất quan trọng, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: 25 bản dân tộc Mông giao lưu biểu diễn dân ca, dân vũ vào các buổi tối; giới thiệu nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; thi kéo co, đẩy gậy giữa các xã, thị trấn có người Mông sinh sống, các trò chơi dân gian đánh yến, ném pao, vật gậy, thả tu lu; trưng bày, giới thiệu món ăn thắng cố, mèn mén... của đồng bào Mông.
Tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, không khí đón mừng Tết Độc lập cũng được đồng bào Mông tổ chức từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Từ năm 2012, huyện bắt đầu tổ chức điểm Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông trong 2 ngày 1 và 2/9, với chủ đề “Người Mông ơn Đảng”, gồm nhiều hoạt động phong phú như triển lãm ảnh, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, liên hoan nghệ thuật quần chúng, biểu diễn trang phục dân tộc...
Từ đó đến nay, Tết Độc lập gắn với Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch được duy trì tổ chức, trở thành nét văn hóa truyền thống của huyện. Vào ngày này, đồng bào dù ở bản xa xôi đến đâu cũng nô nức xuống núi kéo về trung tâm huyện từ ngày hôm trước để kịp đón Tết diễn ra vào sáng sớm 2/9. Không phân biệt già trẻ, gái trai, ai nấy đều mặc những bộ trang phục truyền thống thật đẹp, nụ cười rạng rỡ, tay bắt mặt mừng, thổi khèn, múa hát... thể hiện niềm hạnh phúc của mình.
Bà Hoàng Thị Liễu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông huyện Than Uyên cho biết, trong các hoạt động văn hóa dịp Tết Độc lập diễn ra từ ngày 30/8 đến 2/9/2024, có phần trưng bày chuyên đề di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mông gắn với “Lễ hội Gầu tào và trò chơi dân gian” cùng nhiều hoạt động tại không gian văn hóa dân tộc Mông.
Năm nay, không khí đón mừng Tết Độc lập ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái kéo dài hơn, gắn liền với các hoạt động của Lễ hội mùa vàng và Lễ hội sơn tra - loại cây gắn liền với cuộc sống của đồng bào Mông, lần đầu tiên tổ chức, khai mạc vào ngày 6/9. Tâm điểm của sự kiện là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại sơn tra” với sự tham gia của 6 đoàn diễu diễn đường phố biểu diễn các điệu dân vũ mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông, Thái của địa phương.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết, Lễ hội sơn tra diễn ra với các hoạt động như: Hội thi "Hương sắc sơn tra”, Hội thi ẩm thực "Hương vị sơn tra", thi trang trí không gian trưng bày sơn tra đẹp; thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải... Cùng đó là Lễ mừng cơm mới của đồng bào Mông và các tour du lịch trải nghiệm được tổ chức ở các xã, thị trấn của huyện.
Ngoài những hoạt động mang tính cộng đồng, Tết Độc lập là dịp để người Mông ở miền Tây Thanh Hóa quây quần, sum họp trong những bữa tiệc gia đình, dòng họ. Ông Lầu Minh Pó, ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát cho biết, dịp này, các gia đình mổ trâu, lợn, gà... dâng lễ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ tiên. Ở nhiều bản, đồng bào còn góp thực phẩm mở tiệc ăn mừng, rồi nhảy múa, ca hát; sau đó, cùng nhau xuống phố huyện chơi, giao lưu thăm hỏi bạn bè, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Trên những thôn bản của người Mông hôm nay vẫn đang vang lên lời ca dạt dào cảm xúc: “Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/Bao đời nay sống nghèo lam lũ/Nay cuộc sống dân Mèo từđây sáng rồi/Nhớơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no, không bỏ rẫy đốt nhà, mà lang thang nghèo suốt đời/Từ nay dân Mèo sống chung, bản Mèo vui trong tiếng khèn, người Mèo ơn Đảng suốt đời” trong nhạc phẩm “Người Mèo ơn Đảng” của nhạc sĩ Thanh Phúc. Những giai điệu tha thiết ấy là tiếng lòng của một dân tộc luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ mỗi dịp mừng đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do./.
Phương Liên
Nguồn: bienphong.vn