Người chằm nón lá ở Thới Lai: Còn người dùng thì vẫn sẽ còn người làm nón
Công đoạn làm mô (khung) nón lá Thới Lai. (Ảnh: TTXVN)

Công đoạn làm mô (khung) nón lá Thới Lai. (Ảnh: TTXVN)

Dù thu nhập không cao nhưng hiện vẫn còn nhiều phụ nữ ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) gắn bó với nghề chằm nón lá. Với họ, chằm nón lá vừa giúp kiếm thêm thu nhập, vừa "níu giữ" nghề truyền thống ở xứ này.

Vì thế mà ngày nay, ở thị trấn Thới Lai, len lỏi ở các con đường quê, vẫn còn nhiều phụ nữ miệt mài chằm những chiếc nón lá để bán cho người ra đồng, thăm ruộng, đi vườn.

Nghề kiếm thêm thu nhập

Mùa lúa đã xong, gác lại công việc đồng áng, chị Đặng Thị Hạnh, thị trấn Thới Lai lại cùng mẹ là bà Lê Thị Hai (70 tuổi) cầm mô (khung) chằm nón lá để kiếm thêm thu nhập.

Vừa luồn từng mũi kim để tạo hoa văn cho chiếc nón, chị Hạnh vừa vui vẻ trò chuyện. Là thế hệ thứ 3 của gia đình gắn bó với nghề này, chị năm nay 42 tuổi, đã có thâm niên chằm nón lá hơn 20 năm.

Xóm chị ở cũng còn nhiều người lớn tuổi còn theo nghề chằm nón lá. Thế hệ chị Hạnh, giờ ít người làm nghề bởi lẽ giờ đây nón lá không còn là nghề thịnh hành, người đội nón lá giờ cũng ít hơn xưa. Làm nón lá vì thế mà không đem lại thu nhập như trước kia nên nhiều người đổi nghề để có thu nhập cao hơn.

Chị Hạnh chia sẻ, chị "đeo nghề" vì còn yêu thích công việc đã theo chị từ thanh xuân đến giờ. Ngoài những lúc làm nội trợ, đưa đón con đi học, chị lại ra gốc dừa ngồi chằm nón.

Dù không cho thu nhập cao như những nghề khác nhưng làm nón cũng giúp chị có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống và có thời gian chăm sóc con cái.

Dọc con kênh Xẻo Xào, ấp Thới Thuận A, bên một số gốc dừa, mái hiên vẫn còn nhiều phụ nữ miệt mài chằm nón lá. Trong căn nhà nhỏ, đôi tay chị Hồ Thị Luyến khéo léo với từng đường kim, mũi chỉ để kịp hoàn thành sản phẩm giao khách. Theo chị Luyến, ở xóm chị, nghề chằm nón lá tồn tại lâu đời và được lưu truyền qua các thế hệ.

Chị Luyến chia sẻ, mẹ dạy cho chị chằm nón từ năm 11 tuổi. Ngày ấy, nhà nghèo, tuổi nhỏ, nghề chằm nón giúp chị phụ mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học.

Công việc chằm nón là tưởng chừng đơn giản nhưng để làm được những chiếc nón lá đẹp, bền, đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận.

Mỗi chiếc nón thường có 16 nan vành. Khi làm nón, người thợ phải xếp lá cho phẳng, cắt chéo đầu lá, lấy kim khâu xỏ lá lại thành các lớp và xoay trên khung. Tùy vào nhu cầu khách hàng sử dụng mà nón được làm hai loại: nón hàng và nón đặt.

Nón đặt được làm từ nhiều lớp lá, cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đường khâu trau chuốt hơn nón hàng. Để tăng nét đẹp cho nón, người thợ còn trang trí thêm hoa văn. Nón lá thành phẩm sẽ được quét một lớp dầu bóng trước khi đem phơi nhằm tăng độ bền cho sản phẩm.

Nón hàng thường được các cô, dì, các chị sử dụng đi làm vườn, làm đồng; còn nón đặt thì đội đi dự tiệc. Đa phần khách hàng đặt làm nón hàng với giá thành rẻ, tiện dụng. Mỗi chiếc nón lá có giá bán dao động từ 50.000-100.000 đồng, tùy loại.

Nghề chằm nón không khó nhưng đòi hỏi phải có sự cẩn thận, khéo léo. Tuy thu nhập từ nghề không cao nhưng là công việc giúp phụ nữ lúc nông nhàn kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống. Trung bình mỗi người có thể chằm khoảng 20 - 40 chiếc nón/tháng, thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng.

Giữ nghề bằng nhiều cách

Ngày nay ở các vùng quê, chiếc nón lá vẫn còn hiện hữu trong từng con ngõ, buổi chợ, ngoài đồng nên nhu cầu sử dụng nón lá vẫn còn. Vì thế, trải qua bao thăng trầm, nghề chằm nón lá ở Thới Lai vẫn được duy trì bền bỉ đến ngày nay.

Mỗi chiếc nón lá ở Thới Lai, Cần Thơ được bán với giá từ 50.000 đến 120.000 đồng tùy loại. (Ảnh: TTXVN)

Mỗi chiếc nón lá ở Thới Lai, Cần Thơ được bán với giá từ 50.000 đến 120.000 đồng tùy loại. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ chằm nón, những năm gần đây, khi thế hệ đi trước đã rời nghề "buôn nón", thì chị Đặng Thị Hạnh ngoài công việc chằm nón còn kiêm cả công việc đi gom nón để bán, kiếm thêm chút thu nhập.

Mỗi tháng, chị Hạnh gom nón của phụ nữ trong xóm để đi bỏ mối cho các tiệm tạp hóa, cửa hàng ở khắp các chợ tại các huyện Thới Lai, Ô Môn... Mỗi tháng, chị Hạnh vừa bỏ sỉ, vừa bán lẻ được khoảng 100 chiếc nón.

Theo chân chị Hạnh đi bán nón, mới thấy chị vẫn còn yêu nghề lắm. Không biết chạy xe, chị Hạnh ôm chồng nón lá đi bộ khắp chợ thị trấn Thới Lai để mời từng người mua nón.

"Gặp từng người để chào mời. Bán nón, không phải lúc nào cũng có người mua. Nhưng chuyện này chị đã quen vì bán buôn thì phải chấp nhận hôm này, hôm khác," chị Hạnh bộc bạch. Yêu nghề, chịu khó mà mỗi tháng chị Hạnh thu được khoảng 4 triệu đồng từ nghề chằm nón, bán nón.

Hiện, ở thị trấn Thới Lai còn khoảng 70 phụ nữ còn gắn bó với nghề chằm nón. Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Thới Lai cho biết, nghề chằm nón lá ở địa phương có từ lâu đời.

Để tập hợp, tạo điều kiện cho hội viên phát triển nghề truyền thống, từ năm 2016, Hội đã thành lập Tổ liên kết chằm nón lá tại ấp Thới Thuận B rồi nhân rộng sang ấp Thới Thuận A. Hiện nay, tại 2 ấp đã có 50 hội viên tham gia.

Nhằm giúp chị em phát triển nghề truyền thống, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, tìm đầu ra sản phẩm thông qua nhiều hình thức như hỗ trợ hội viên bán nón tại các hội thảo, hội nghị xúc tiến du lịch, đăng tải trên các trang mạng xã hội...

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thới Lai cũng phối hợp tổ chức các lớp nghề ngắn hạn, hỗ trợ phụ nữ vay vốn sản xuất. Hiện, có 45 chị được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thới Lai, đơn vị vừa thông qua quyết định về việc công nhận Nghiệp đoàn Chằm nón lá thị trấn Thới Lai, quyết định về việc kết nạp 30 đoàn viên Nghiệp đoàn Chằm nón lá thị trấn Thới Lai vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Sau thời gian vận động, tuyên truyền, người lao động của Tổ liên kết chằm nón lá thị trấn Thới Lai đã hiểu rõ được vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn và lợi ích của người đoàn viên công đoàn.

Từ đó, người lao động đã tự nguyện làm đơn xin gia nhập vào tổ chức Công đoàn Việt Nam và đề nghị thành lập Nghiệp đoàn do bà Ngô Thị Hồng Cẩm giữ chức vụ Chủ tịch Nghiệp đoàn.

Việc thành lập nghiệp đoàn cơ sở nhằm góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Còn người dùng thì vẫn sẽ còn người làm nón lá. Với suy nghĩ đó, những người chằm nón như mẹ con chị Đặng Thị Hạnh, chị Hồ Thị Luyến vẫn miệt mài gắn bó với cây kim, sợi chỉ, chiếc lá để làm nên những chiếc nón lá vùng quê Thới Lai.

Sự chung tay của cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội sẽ là động lực để nghề chằm nón lá ở Thới Lai vẫn tiếp tục duy trì./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất