Khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở Tiền Giang
Các tour du lịch trên sông nước ở Tiền Giang luôn hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh: TTXVN)

Các tour du lịch trên sông nước ở Tiền Giang luôn hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh: TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết: Tỉnh đã hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Đó là vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, ngập mặn và ngập phèn. Ở mỗi vùng đều có đặc trưng riêng thu hút cả du khách nội địa và quốc tế. Những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh, tốc độ bình quân trên 15%, cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi đến vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn ở các huyện duyên hải phía Đông Tiền Giang, du khách có thể thả mình trong gió biển Gò Công ở Khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương, ngắm bình minh trên biển mỗi buổi sáng. Các khu dịch vụ ăn uống ở khu du lịch Hàng Dương đã được quy hoạch rộng khoảng 80 ha, xây dựng thành cụm du lịch biển phức hợp, nối liền tour Lũy pháo đài Trương Định để phát triển nơi đây thành khu nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan,…

Du khách có thể tham quan di tích văn hóa lịch sử Lăng mộ Hoàng Gia ở Long Hưng (thị xã Gò Công) để tìm hiểu, biết thêm về nơi phát tích của Thái hậu đức đạo Từ Dũ, nằm cách thành phố Gò Công khoảng 2km. Đây là khu lăng mộ, đền thờ Phạm Đăng Hưng, ông ngoại vua Tự Đức, cha của Từ Dũ thái hậu, vợ vua Thiệu Trị. Lăng mộ được xây dựng vào năm 1826 bởi bàn tay khéo léo của những người thợ địa phương, nghệ nhân cung đình nên mang dáng dấp phong cách cung đình Huế.

Gò Công còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ trên 100 tuổi với kiến trúc phối hợp Đông-Tây độc đáo như Nhà Đốc Phủ Nguyễn Văn Hải (ở số 9 Hai Bà Trưng) được xây dựng năm 1860. Du khách có thể ghé làng nghề Ông Non chuyên đóng tủ thờ với những đường nét tinh xảo... Đặc biệt, ở Gò Công và các huyện phía Đông còn ghi dấu ấn lịch sử cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ 19 của Anh hùng dân tộc Trương Định. Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Đó là: Mộ và Đền thờ Trương Định (thành phố Gò Công); Đền thờ Trương Định, Đám Lá Tối Trời (xã Gia Thuận), Ao Dinh (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông); Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông). Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định cùng các hoạt động liên quan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” vào năm 2026.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Hồng Tâm trao đổi: Để trở thành một điểm du lịch sinh thái quan trọng trong tỉnh và Nam Bộ, huyện tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng của biển Tân Thành cùng hệ sinh thái ngập mặn ven biển, truyền thống lịch sử, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nông – lâm nghiệp… để tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng, hấp dẫn. Đặc biệt, địa phương chú trọng phát triển “ngành công nghiệp không khói”, kêu gọi nhiều nhà đầu tư cùng địa phương khai thác, phát triển tiềm năng du lịch sinh thái biển theo hướng bền vững, đảm bảo “xanh, sạch, an toàn và thân thiện với môi trường”. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Gò Công Đông có 137.900 lượt khách đến tham quan, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh các điểm đã được đưa vào khai thác như biển Tân Thành, khu đền thờ Trương Định, vườn táo ông Sáu Hồi…, huyện đang phát triển 1 điểm du lịch Trương Gia Phủ tại ấp Hiệp Trị, xã Bình Nghị.

Cùng với Gò Công Đông, huyện Cù Lao Tân Phú Đông cũng có tiềm năng du lịch sinh thái biển tương đồng. Huyện hiện có địa danh khởi nghĩa Trương Định là Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân) cùng khu du lịch Làng Yến thu hút du khách. Huyện đang lập phương án kết nối các điểm du lịch gắn với các di tích, vườn cây trái; tính toán phương án thu hút đầu tư, khai thác du lịch tại Cồn Ngang.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết: Tiền Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. Việc khai thác hợp lý hệ du lịch sinh thái vùng duyên hải kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa sẽ giúp du lịch tuyến phía Đông phát triển bền vững. Sở đang phối hợp với địa phương tiến hành giai đoạn II phục dựng lại Di tích lịch sử Đám Lá Tối Trời, xây dựng nơi đây thành Trung tâm Lễ hội khu vực phía Đông của tỉnh, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, di tích lịch sử - văn hóa tại thành phố Gò Công (Đền thờ Trương Định, Nhà Đốc Phủ Nguyễn Văn Hải, Lăng mộ Hoàng Gia, Làng nghề tủ thờ Gò Công)…

Trong 7 tháng qua, du khách đến Tiền Giang là 958.000 lượt, trong đó có 308.000 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 11.866 tỷ đồng. Hiện Tiền Giang có mạng lưới 46 khu, điểm tham quan du lịch; 318 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch, 65 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, 560 phương tiện vận chuyển trong đó có 288 tàu vận chuyển du lịch...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất