(TTĐN) - Bên dãy Giăng Màn hùng vĩ, người Khùa, Mày ở các xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã tận dụng mây, tre, nứa và các loại cây dây leo khác để sáng tạo ra nhiều nông cụ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và vận chuyển, săn bắn, hái lượm của mình. Đặc biệt, chiếc A nuốc dùng để xúc cá dưới khe là một trong những dụng cụ gắn với văn hóa của đồng bào nơi đây.
|
Bà Hồ Thị Phinh miệt mài đan A nuốc. (Ảnh: Thùy Linh)
|
Ở Dân Hóa, Trọng Hóa dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ nữ bắt cá dưới khe suối, bên hông đeo chiếc cà nhăng mà người miền xuôi gọi là chiếc oi, tay cầm chiếc A nuốc xúc cá. Hầu như gia đình nào cũng có những bộ dụng cụ này để mưu sinh. Trò chuyện với các già làng trong bản, chúng tôi mới hiểu được sự độc đáo của chiếc A nuốc, một dụng cụ chuyên dùng đi xúc cá được đồng bào coi như báu vật của mình.
Bà Hồ Thị Phinh năm nay 75 tuổi, ở bản Ka Rét, xã Trọng Hóa cho biết, bà biết đan A nuốc từ khi còn nhỏ. Chiếc A nuốc dùng cho phụ nữ đi bắt con cá dưới khe. Trước đây, nguyên liệu để đan A nuốc được đồng bào sử dụng là vỏ của cây tan, cây lá gai trong rừng, các loại cây này mọc rất nhiều. Vỏ cây có 2 lớp, cạo phần vỏ ngoài lấy phần trong phơi khô, xe thành những sợi nhỏ để đan. Ưu điểm của vỏ các loại cây này là dẻo dai và có độ bền cao. Tuy nhiên hiện nay, bà con không sử dụng vỏ cây nữa mà chuyển qua dùng sợi cước, dây dù, hoặc tận dụng những bao tải rồi về tách lấy sợi để đan. Để đan được một chiếc A nuốc, cần 3-5 chiếc bao tải, dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị thì 10-15 ngày sẽ hoàn thành một chiếc A nuốc.
Theo quan sát của chúng tôi, chiếc A nuốc có hình như chiếc ô che nắng, miệng rộng 70-80cm, dài hơn 50cm, dưới đáy được đan tỉ mỉ để khi cá lọt vào không thể chui ra được. Mỗi chiếc A nuốc được phối từ 3-5 màu, gồm trắng – vàng – xanh – đỏ, bà con nói màu như thế này cho đẹp và dễ nhìn thấy mỗi khi tìm kiếm. Sau khi đan xong, bà con sẽ cạp với một thanh tre hoặc cây mây và uốn thành hình tròn.
Em Hồ Thị Phiên, ở bản Ka Rét nói, từ nhỏ, em đã được nhìn thấy mẹ đan rồi, nhưng em chưa được thử sức để đan hoàn thành một chiếc A nuốc. Bây giờ lấy chồng, được mẹ chồng dạy cho cách đan nên em đan được mỗi năm hơn 20 chiếc, vừa để làm dụng cụ xúc cá, vừa mang ra chợ bán. Mỗi chiếc A nuốc có giá từ 150.000-300.000 đồng, nhưng số lượng bán ra không nhiều vì hầu như ở vùng này, ai cũng biết đan và nhà ai cũng có vài ba chiếc.
Sau những giờ lên nương rẫy, phụ nữ người Khùa, Mày ở Dân Hóa, Trọng Hóa thường rủ nhau xuống khe bắt cá bằng chiếc A nuốc. Từng tốp vài ba người chia nhau từng khúc suối, ngược dòng con nước để khuấy động cho nước đục, cá trú trong các hốc đá thấy động chạy ra. Để bắt được nhiều cá thì một tay cầm cán nhấn chiếc A nuốc xuống đáy khe, một tay khuấy động dưới nước, sau đó luồn A nuốc từ từ lên mặt nước, mỗi lần như thế chỉ vài ba con cá lọt vào. Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng cách bắt cá bằng chiếc A nuốc đã giúp bà con nơi đây có thực phẩm sạch trong bữa ăn hằng ngày, nếu được nhiều thì bán lấy tiền mua gạo, mua sách vở cho con đi học.
Không chỉ là dụng cụ bắt cá, chiếc A nuốc còn gắn liền với nét văn hóa độc đáo của bà con nơi đây. Trong phong tục của người Khùa, Mày, chiếc A nuốc được sử dụng để mẹ chồng đeo lên người cô dâu trước khi bước vào nhà chồng trong lễ cưới và chỉ dành cho những cô dâu mang bầu trước khi cưới. Theo bà Hồ Thị Phinh, đây là một phong tục có từ lâu đời và là bắt buộc của nhà chồng trước khi đưa con dâu về nhà chồng, nếu cô dâu lỡ mang bầu trước khi chưa làm lễ cưới. Khi đoàn đưa dâu đến chân bậc thang của nhà chồng, mẹ chồng sẽ xuống đón và đeo chiếc A nuốc lên vai của cô dâu. Sau đó, đưa cô dâu vào vị trí có chú rể và trưởng tộc đang ngồi làm lễ, khi đó chính chú rể sẽ là người cởi bỏ chiếc A nuốc ra khỏi người cô dâu. Điều này muốn nhắc nhở các đôi trai gái khi đến tuổi yêu đương cần nghiêm túc, mong muốn cô dâu rũ bỏ những điều xui xẻo, không may mắn trước khi về nhà chồng, đồng thời cũng cầu mong hạnh phúc, bình an đến với gia đình chú rể, cô dâu và hai bên nội ngoại. Việc dùng A nuốc trong phong tục cưới hỏi đã trở thành nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây.
Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa nói, hiện nay, có nhiều mặt hàng công nghiệp có sẵn, tiện lợi, thức ăn cũng được người miền xuôi mang lên bán cho bà con. Tuy nhiên, việc đan và sử dụng A nuốc không hề mai một mà ngày càng phát triển, bà con rất tích cực đan sản phẩm này. Có gia đình bán A nuốc để tăng thêm thu nhập, vì công việc này không nặng nhọc, phù hợp với sự kiên trì, chịu khó của phụ nữ, nhất là người lớn tuổi. A nuốc không chỉ giúp bà con bắt tôm, cá dưới khe, mà còn mang lại thu nhập cho bà con khi bán sản phẩm này./.
Thùy Linh - Ngọc Ánh
Nguồn: bienphong.com.vn