(TTĐN) - 162 lưu học sinh Lào đang học tập tại trường Hữu nghị T78 (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) sẽ được cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng học tập với cha mẹ, anh chị em người Việt trong 20 ngày (từ 15/3-4/4/2023). Đây là chương trình thiết thực do Trường Hữu nghị T78 phát động vào ngày 15/3 sau 3 năm tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 |
Các lưu học sinh Lào tham gia chương trình đi thực tế tại nhà dân (Ảnh: Thành Luân)
|
Ngoài “3 cùng” với gia đình Việt, các lưu học sinh người Lào
còn tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá như: viếng nghĩa trang liệt sĩ, hướng
dẫn bố mẹ Việt múa Lăm vông, nhảy Ba-xa-lôp, giao tiếp những câu đơn giản bằng
tiếng Lào, lao động vệ sinh thôn xóm…
Thipphaphone Nammavong (19 tuổi, TV4) kể khi biết tin em vừa
háo hức, mong chờ cũng vừa hồi hộp, lo lắng. “Tiếng Việt của em chưa tốt, nhiều
lúc em không biết dùng từ nào để diễn đạt. Em mong qua cơ hội được sống cùng bố
mẹ Việt Nam, tiếng Việt của em sẽ tiến bộ hơn. Em cũng có thêm một gia đình”,
Thipphaphone Nammavong chia sẻ.
Còn Anisa Paengkhamphien (20 tuổi, lớp TV5) mong có thể học
được cách chế biến một vài món ăn Việt Nam em yêu thích như bánh tẻ, bún chả,...
Anisa cũng đã chuẩn bị sẵn công thức làm một số món ăn truyền thống của Lào như
lạp, nộm đu đủ,... để ra mắt bố mẹ Việt.
 |
Các lưu học sinh Lào tham gia chương trình đi thực tế tại nhà dân (Ảnh: Thành Luân)
|
Ông Khuất Hữu Khôi (58 tuổi, Trưởng thôn Bướm, xã Thọ Lộc)
cho biết, năm nay thôn nhận 56 lưu học sinh Lào về sinh sống cùng gia đình. Hầu
hết các hộ trong thôn đã chuẩn bị sẵn phòng ốc, xe đạp cho các con. Các gia
đình trong thôn xem các lưu học sinh như con cháu trong nhà, không chỉ chăm
chút cho các con bữa ăn, giấc ngủ mà còn giúp đỡ để các con trau dồi vốn tiếng
Việt, hiểu biết thêm phong tục tập quán, văn hóa gia đình, nhanh chóng thích
nghi, hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam.
Phát biểu tại lễ bàn giao, ông Lê Phú Thắng, Hiệu trưởng trường
Hữu nghị T78 cho biết, đây là năm thứ 6 chương trình Đưa lưu học sinh Lào đưa
thực tế ở nhà dân được triển khai và cũng là năm có số học sinh đông nhất với
162 em.
“Thời gian lưu học sinh Lào ở nhà dân chỉ khoảng 15-20 ngày
nhưng hiệu quả mang lại rất thiết thực. Các em được bà con chăm sóc, giúp đỡ, đồng
thời hướng dẫn việc học giúp các em tự tin, phản xạ giao tiếp tốt hơn. Việc
sinh hoạt cùng cha mẹ người Việt giúp các em có thêm hiểu biết về phong tục tập
quán, văn hóa của Việt Nam đồng thời có dịp giới thiệu, quảng bá văn hóa Lào”,
ông Thắng cho biết. Ông cũng bày tỏ mong muốn với sự ủng hộ của chính quyền, bà
con nhân dân, chương trình sẽ trở thành hoạt động thường niên của trường.
 |
Lãnh đạo trường Hữu nghị T78 và các hộ dân chụp ảnh cùng các em lưu học sinh Lào tham gia chương trình lần này (Ảnh: Hải An)
|
Đánh giá cao thành công của chương trình, ông Nguyễn Huy
Chung, Chủ tịch UBND xã Thọ Lộc đề nghị các trưởng thôn, đoàn thể cơ sở thăm hỏi,
động viên kịp thời các lưu học sinh và các hộ dân. Ông mong bà con tích cực chỉ
bảo, gần gũi, phối hợp cùng các thầy cô giáo đảm bảo sinh hoạt cho các em. Các
lưu học sinh cũng cần tận dụng cơ hội, mạnh dạn trong giao tiếp, tích cực tham
gia các hoạt động để có sự gắn kết. Ông Chung cũng mong muốn tới đây trường Hữu
nghị T78 mở các lớp dạy tiếng Lào cho người dân để bà con thuận lợi hơn trong
giao tiếp với các lưu học sinh Lào./.
 |
Một hộ dân ở thôn Bướm (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đón hai lưu học sinh Lào về nhà (Ảnh: Thành Luân)
|
Nguồn: thoidai.com.vn