Tiềm năng có song nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với thương mại điện tử đang là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng ở khắp mọi miền một cách tiện lợi và nhanh chóng.
Kết hợp kênh bán hàng online và truyền thống
Thái Nguyên không chỉ có chè mà còn rất nhiều các nông sản thế mạnh khác, trong đó, phải kể đến gạo. Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt, để tăng hiệu quả tiêu thụ các sản phẩm tại địa phương, ngoài việc bán trên kênh truyền thống, trực tiếp tại cửa hàng, doanh nghiệp còn liên kết với các cửa hàng đặc sản Thái Nguyên, cửa hàng đặc sản các vùng miền để bao tiêu đầu ra cho bà con.
“Hiện tại, Bản Việt đã được TikTok Việt Nam hỗ trợ, đưa các sản phẩm lên kênh TikTok, Shopper, Fanpage, website, mỗi một kênh có điểm yếu và điểm mạnh riêng. Chúng tôi nhìn vào đó để tìm kiếm những điểm phù hợp với Hợp tác xã, với sản phẩm của đơn vị nhất và lựa chọn đồng hành của các nền tảng đó”, bà Hải Yến chia sẻ.
Còn tại Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), song song với kênh bán hàng truyền thống, đơn vị cũng phát triển kênh thương mại điện tử nhằm tăng doanh số bán hàng. Sau mỗi lần livestream, Hợp tác xã đã kết nối với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, chốt được các đơn hàng trên kênh của mình.
Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã cho biết có thời điểm đơn vị chốt bán được 3 tấn cam/ngày nhờ livestream. Ngoài ra kênh facebook với hơn 1.000 người theo dõi giúp Hợp tác xã giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng mối liên kết bền vững với người tiêu dùng thông qua các chương trình giáo dục, các buổi trải nghiệm thực tế truyền thông về lợi ích của sản phẩm nông nghiệp bền vững; phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo, như cửa hàng nông sản sạch, trang trại tham quan và học tập, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy tiêu dùng xanh…
Làm hàng nông, đặc sản địa phương, theo các hợp tác xã, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất sạch, bền vững không làm khó họ. Tuy nhiên, để đưa hàng vào các kênh bán lẻ lớn cũng cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ và bền vững.
|
Các hội chợ là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. (Ảnh: Đức Duy)
|
Bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc Hợp tác xã Trà Sơn Dung chia sẻ sản phẩm của Hợp tác xã đa phần là hàng cao cấp, việc đưa hàng vào siêu thị thời gian để hàng rất lâu, trong khi trà là sản phẩm đặc thù, do đó, chất lượng sẽ không được đảm bảo”, bà Nguyễn Thị Như Trang chia sẻ và cho biết định hướng của Hợp tác xã là đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Tận dụng ưu thế xúc tiến thương mại
Thực tế cho thấy việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối giữa các nhà sản xuất và kênh phân phối đã phát huy hiệu quả. Không chỉ đảm bảo nguồn hàng được tiêu thụ ổn định, nhiều đặc sản địa phương đã nâng cao được giá trị nhờ cách làm bài bản với sự hỗ trợ của các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền nhằm kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp, Hợp tác xã với siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn trong cả nước theo chuỗi giá trị nông sản với hệ sinh thái đầy đủ, khép kín, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại và phân phối tới tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước với phương châm vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam" đồng thời, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản theo hướng sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.
|
Kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. (Ảnh: Đức Duy)
|
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã và đang được triển khai với nhiều giải pháp.
Đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vào hệ thống các siêu thị, đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.
Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất./.
Đức Duy
Nguồn: vietnamplus.vn